Lâm Đồng: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS

Lâm Đồng hiện có hơn 330.000 người dân là đồng bào DTTS, chiếm hơn 25,7% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, Lâm Đồng đã triển khai nhiều dự án, chương trình góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Không chỉ giúp ổn định, nâng cao đời sống bà con DTTS mà còn góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

4-09-20230409091800-1-1701139353.jpg

Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS được thực hiện dưới nhiều hình thức. Ảnh Ngọc Ngà

Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 là một trong những dự án quan trọng có tác động lớn vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các DTTS. Là đơn vị được UBND tỉnh giao triển khai thực hiện Dự án 6, những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp gắn phát huy bản sắc văn hóa các DTTS với phát triển du lịch cộng đồng. 

Theo Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, nguồn vốn kế hoạch thực hiện dự án trong năm 2023 là hơn 15,6 tỷ đồng; ngân sách năm 2022 chuyển qua là hơn 7,6 tỷ đồng. Cụ thể, trong năm 2023, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã hỗ trợ đầu tư bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và văn hoá phi vật thể tại thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương) và thôn K’Long Trao 1, xã Gung Ré (huyện Di Linh); hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao tại 24 thôn của 4 huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà và Đam Rông. Ngoài ra, Sở cũng đã phối hợp với các đơn vị, địa phương hỗ trợ Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến, truyền dạy văn hóa truyền thống trong cộng đồng; đồng thời, phối hợp tổ chức 19 lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống tại các huyện Cát Tiên, Lâm Hà, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Đam Rông... và các lớp truyền dạy về văn hóa phi vật thể.

Riêng từ năm 2022 đến nay, Sở đã hỗ trợ xây dựng 32 tủ sách cộng đồng cho TP Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Đam Rông, Lạc Dương, Bảo Lâm…; đồng thời, hỗ trợ nhiều bộ trang thiết bị nhà văn hóa cho các thôn vùng đồng bào DTTS tại huyện Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.

Ngoài ra, công tác tổ chức bảo tồn các loại hình di sản văn hoá phi vật thể, quảng bá tuyên truyền văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS cũng được Sở quan tâm thực hiện.

 Nổi bật, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các địa phương phục dựng Lễ hội Nhô Phú (Cầu mùa) tại xã Đưng K’nớ (huyện Lạc Dương); sưu tầm những hiện vật có giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của người K’Ho, M’nông... tại xã Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’rông (huyện Đam Rông); xây dựng mô hình văn hóa truyền thống tại xã Tà Hine, huyện Đức Trọng. Mặt khác, Sở cũng đã tổ chức triển lãm “Nét đẹp Di sản Văn hóa Nam Tây Nguyên” trưng bày giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Lâm Đồng. Nhiều phóng sự tuyên truyền về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” được thực hiện và các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian cũng được thành lập. Những hoạt động này không những góp phần bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hóa truyền thống mà còn thúc đẩy đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, về công tác triển khai và giải ngân vốn, theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, đến hiện tại, đã giải ngân được hơn 8,3 tỷ đồng vốn đầu tư và hơn 6 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Dự kiến kết thúc năm, tiến độ giải ngân đạt 95% kế hoạch. Sau thời gian triển khai thực hiện, Dự án 6 đã tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết, nâng cao hiệu quả trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

“Điều này không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trước sự tác động của đời sống kinh tế, sự giao thoa, du nhập văn hóa của các vùng, miền mà còn góp phần ổn định cuộc sống cho đồng bào các DTTS, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Hoài cho biết. 

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, để đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS cũng như triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 6, ngoài tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo hướng toàn diện, bền vững, tỉnh cũng cần đẩy mạnh việc đa dạng hóa và xã hội hóa các nguồn lực. Trong đó, nguồn lực nhà nước có vai trò quan trọng và quyết định trong việc huy động các nguồn lực khác. Cùng với đó, Sở cũng sẽ thường xuyên thanh tra, kiểm tra, rà soát các mục tiêu, kịp thời điều chỉnh các nội dung chưa đảm bảo; phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. “Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Dự án 6 cần phải có sự kế thừa, chọn lọc và phát huy có hiệu quả bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp”, ông Hoài nói.