Lâm Đồng: Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 3,74%

Lâm Đồng không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp thơ mộng mà còn là một điểm sáng trong bức tranh nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, đặc biệt là thành phố Đà Lạt. Đồng thời, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, thống kê 6 tháng đầu năm 2024 diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 68.380 ha, tăng 3,74% so với cùng kỳ; tăng 1.507 ha so với cuối năm 2023.

watermark-lam-dong-day-manh-mo-hinh-nong-nghiep-cong-nghe-cao-1051-20220222-444-132459-1719891491.jpg

Nông dân Lâm Đồng thu hoạch cà chua từ mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ảnh: Minh Hậu)

Cụ thể, rau các loại 26.386 ha, hoa 3.194 ha, chè 3.559 ha, cà phê 20.404 ha, lúa chất lượng cao 5.045 ha, cây ăn quả 9.225 ha, cây dược liệu 167 ha, sản xuất nấm 20 ha và các cây trồng khác (vườn ươm, dâu tây, phúc bồn tử...) 380 ha; diện tích ứng dụng nông nghiệp thông minh đạt khoảng 650 ha (đạt 92,9% kế hoạch).

Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng tình hình dịch bệnh trên cây trồng cơ bản ổn định, không phát sinh dịch hại lớn; sâu bệnh trên các loại cây trồng hầu hết giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Riêng ở Đà Lạt, nhờ vào việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đã đạt được những thành tựu đáng kể. Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản, sản phẩm nông nghiệp. Có thể kể ra đây các mô hình tiêu biểu về nông nghiệp mang dấu ấn đậm nét trong công tác quản lý nhà nước của thành phố như: Làng hoa Vạn Thành được công nhận là Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa; Mô hình trồng dâu tây công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều người dân tham gia; Mô hình trồng ớt ngọt trên giá thể tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Tính đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố không ngừng mở rộng, đạt 6.730 ha, chiếm 64,1% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp được nâng cao đáng kể. Nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, được xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới. Thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, địa phương đang thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp trong phát triển nông nghiệp, tiếp cận thị trường. Trong đó, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao…, tỉnh Lâm Đồng cũng đầu tư các trung tâm sau thu hoạch để thực hiện dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản tại các vùng sản xuất. Trong đó tập trung hỗ trợ trang thiết bị, máy móc, nâng cấp nhà xưởng, hỗ trợ đào tạo nhân lực, xây dựng các quy trình sơ chế, chế biến đạt tiêu chuẩn chứng nhận HACCP, ISO, FSSC… Tỉnh Lâm Đồng cũng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, nâng cao giá trị sản xuất.