Năm 2022, trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; giá xăng, dầu, nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào biến động mạnh, đứt gãy nguồn cung… đã ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; trong khi đó dịch bệnh, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại, khó khăn cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân. Song với phương châm “Phát huy cao độ tinh thần đổi mới, kỷ cương, trách nhiệm, nêu gương, dám nghĩ, dám làm, biến thách thức thành cơ hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI”, với sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, điều hành linh hoạt và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong tỉnh cùng với ý chí nỗ lực vượt khó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2022 đạt kết quả khá toàn diện và có nhiều dấu ấn đậm nét - nhận định này được đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh báo cáo với cử tri và Nhân dân tại kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh.
Theo đó, kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 12,09%, vượt kế hoạch đề ra (6 - 7%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng chuyển dần sang lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ. Lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định; công nghiệp - xây dựng tăng trưởng mạnh; du lịch phục hồi nhanh. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao so kế hoạch (27,3%). Thu ngân sách tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, cả năm thu đạt 13.100 tỷ đồng. Đây là cơ sở, tiền đề rất quan trọng để toàn tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và của cả nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Những ngày cuối năm 2022, tinh thần tích cực để hoàn tất các thủ tục sớm khởi công xây dựng một số dự án quan trọng vào năm 2023 được các cơ quan, đơn vị chức năng chú tâm. Công tác điều hành chi ngân sách nhà nước đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Chỉ đạo quyết liệt xây dựng các đồ án quy hoạch lớn; công tác giải ngân xây dựng cơ bản; công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, trật tự xây dựng, đô thị. ...được chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến tích cực.
Tại kỳ họp cuối năm, HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến đối với 27 báo cáo, 28 tờ trình và xem xét, quyết định thông qua 28 nghị quyết, trong đó nhiều nội dung quan trọng được các đại biểu HĐND tỉnh thay mặt cử tri tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá, thảo luận sôi nổi như về vấn đề tài chính, ngân sách; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và phân bổ ngân sách; phí, lệ phí; đất đai; kế hoạch, chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công; tổ chức, biên chế; chế độ chính sách... Đặc biệt, HĐND tỉnh đã tiến hành xem xét, thảo luận, biểu quyết thông qua những dự án, đề án có tác động sâu rộng đến sự phát triển của tỉnh như: Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư. Nghị quyết thông qua Đề án Chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đây là những dự án chiến lược nhận được sự quan tâm của Trung ương, qua kiến nghị đề xuất của Đoàn ĐBQH, cử tri và Nhân dân quan tâm.
Năm 2023 được coi là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI - là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy nhanh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Trong bối cảnh dự báo tình hình có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn... Do đó, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023 là hết sức nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh cần phải tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, cố gắng với quyết tâm cao hơn nữa để hoàn thành mục tiêu và kế hoạch đã đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận đề nghị UBND tỉnh, các ngành, các cấp, các địa phương cần tập trung nghiên cứu đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn; chuyển dịch mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, cân đối hợp lý tỷ trọng kinh tế nông nghiệp với kinh tế công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, hình thành vùng nguyên liệu, vùng sản xuất đặc hữu, vùng cung ứng dịch vụ. Hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho nhóm nông dân sản xuất nhỏ lẻ, khả năng cạnh tranh hạn chế. Quan tâm có chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên các dự án nông nghiệp hữu cơ.
Tập trung cao độ, sớm hoàn thành các đồ án quy hoạch lớn, nhất là quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi đã hoàn thiện theo ý kiến góp ý của các bộ, ngành Trung ương; điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt, vùng phụ cận và đề án quy hoạch vùng huyện đối với 6 địa phương còn lại để thuận lợi trong việc phát triển không gian và kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, rà soát, hủy bỏ những đề án quy hoạch quá thời hạn, không còn phù hợp quy hoạch chung của tỉnh. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn FDI chất lượng cao, đẩy mạnh hơn nữa hình thức đối tác công tư. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để phát huy tối đa năng lực sản xuất của tất cả các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Rà soát, cơ cấu lại các dự án đầu tư, kịp thời phê duyệt, công khai danh mục các dự án làm cơ sở thu hút đầu tư. Tập trung chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023. Chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên khoáng sản, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng.
Triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Chấn chỉnh tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức không dám làm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, gây khó, vòi vĩnh trong thực thi công vụ; chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu; công tác phối hợp giữa một số sở, ban, ngành, địa phương chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao...