Lâm Đồng nguy cơ thiếu nước trầm trọng do nắng nóng kéo dài

Hiện nay Lâm Đồng đang bước vào cao điểm mùa khô, thời tiết diễn biến thất thường, gây nguy cơ hạn hán, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Trong nhiều tháng qua, khu vực này chưa có mưa, dẫn đến sự sụt giảm mạnh của mực nước trong hồ thủy lợi và thủy điện.

z5270972653047-41f3526de19516bcb1d20524ed8a676b-1711013057.jpg

Tình hình nắng nóng kéo dài, hạn hán trong gần 4 tháng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng, mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu hụt nguồn nước tưới tiêu ở mức trung bình đến cao.

Gần 4 tháng qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không có mưa, khiến nhiều hồ thủy lợi, thủy điện mực nước sụt giảm mạnh.

Đồng thời, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, dung tích trữ trong các hồ thủy điện, thủy lợi lớn đến cuối tháng 12.2023 còn khoảng 90% so với thiết kế, mực nước trong hồ thủy lợi phổ biến thấp hơn so với mực nước dâng bình thường từ khoảng 0,1 đến gần 1m, đối với các hồ thủy điện thấp hơn từ 0,2 đến gần 3m.

Ông Dương Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa (huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng) cho biết, đây là đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục khi liên tiếp gần bốn tháng chưa xuất hiện cơn mưa nào nên nước ở hồ Thuỷ điện Đồng Nai 2 xuống thấp kỷ lục, khiến mực nước trên hồ thuỷ điện Đồng Nai 2 xuống hơn 20m. Việc này đã ảnh hưởng nhiều đến tưới tiêu của xã Tân Nghĩa và các địa phương lân cận.

Tại huyện Lạc Dương, thời gian qua tại hồ Đan Kia-Suối Vàng nơi cung cấp nguồn nước cho các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt, phục vụ người dân trên địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương mực nước lòng hồ bắt đầu sụt giảm mạnh.  Tại phía thượng nguồn hồ đã cạn khô, hàng chục người dân huyện Lạc Dương phải dùng máy bơm đấu nối thêm đường ống từ 100-500m để lấy nước tưới cho cây trồng.

Tương tự một số hồ, sông, suối tại huyện Lâm Hà, Đam Rông, Đơn Dương, Đạ Tẻh,… do mùa khô bước vào giai đoạn nắng nóng ngày càng gay gắt nên mực nước hồ bắt đầu suy giảm nhanh. Nếu tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài, nguy cơ thiếu nước cục bộ một số khu vực hoàn toàn có thể xảy ra.

Đồng thời, căn cứ dự báo, cảnh báo thời tiết, thủy văn thời hạn mùa của tỉnh Lâm Đồng; trên cơ sở báo cáo của các địa phương, đơn vị thì hiện nay các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn có thể đáp ứng nhu cầu cấp nước. Tuy nhiên trong thời gian tới, nếu xuất hiện tình hình nắng nóng kéo dài, hạn hán có khả năng gây ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất.

Cụ thể, vào thời gian cao điểm khô hạn này ở Lâm Đồng, dọc Quốc lộ 20, đoạn qua thị trấn Di Linh, các hộ dân đều rơi vào tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt. Do nguồn nước bị thiếu hụt nên người dân phải đi xin hoặc mua nước nơi khác về dùng hoặc sử dụng nước giếng khoan.

Theo chị Kỷ Thanh Uyên, hộ dân sống tại thị trấn Di Linh cho biết, “từ 4 tháng nay trên khu vực này chưa có mưa, nắng nóng kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, gia đình tôi sử dụng nước máy, nhưng vì khô hạn nên nước máy cũng hạn chế vì vậy phải xin nước từ nhà hàng xóm có giếng khoan để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Điều này rất bất tiện, chúng tôi mong sớm có nguồn nước sạch để không ảnh hưởng đến cuộc sống.”

z5270972675091-b751dc39e036a1b1119eb4a185f43317-1711013057.jpg

Cây cà phê có hiện tượng héo lá, khô cành vì thiếu nước trầm trọng

Nắng nóng khốc liệt, nước ngầm sụt giảm, các cánh đồng khô khốc, cà phê rũ héo, cây trồng chết vì hạn, đó là những gì mà dân cư và nông dân đang phải đối mặt trong thời gian qua. Hiện nay, người dân vẫn phụ thuộc vào các ao hồ, sông suối để lấy nước tưới vườn, rẫy thì nay nguồn nước này gần như cạn kiệt. Sông suối là nguồn nước tưới chủ yếu của người dân làm vườn. Tuy nhiên hiện tại nguồn nước này đang xuống thấp, gây lo lắng cho nông dân Lâm Đồng.

Hiện đang là thời điểm cây cà phê bước vào giai đoạn đậu quả, việc đảm bảo nguồn nước cho cây là hết sức quan trọng, sẽ quyết định đến năng suất của cả mùa vụ. Những chiếc máy bơm đang phát huy tối đa công suất để hút nước từ các ao, hồ lên tưới cho những vườn cà phê đang bắt đầu có dấu hiệu héo lá, khô cành vì thiếu nước. Nhiều hồ tưới mới cũng được người dân đào thêm để tìm kiếm nguồn nước.

Ông Nguyễn Văn Thư, một trong những hộ nông dân ở Di Linh chia sẽ: “gia đình tôi có 5ha cà phê, từ sau khi thu hoạch tới giờ, chúng tôi đã tưới nước cho cây cà phê đến lần thứ tư, bởi vì thời tiết nắng nóng kéo dài. Hầu như toàn bộ vườn cà phê có hiện tượng héo lá, khô cành vì thiếu nước trầm trọng, với tình hình này tôi e rằng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng của cây cà phê trong mùa thu hoạch tới. Tuy nhiên, đến hiện tại vẫn chưa có mưa, nắng nóng kéo dài, mà nguồn nước ở các sông, hồ, ao, suối thì gần như cạn kiệt. Tôi rất lo lắng về điều này.”

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước chính lâu nay vẫn là nước mặt thuộc lưu vực các sông của sông Đồng Nai và sông Krông Nô. Nếu không tính đến thủy điện, thì các giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt chủ yếu để cấp nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản.

Tính đến hết tháng 12/2023, trên địa bàn tỉnh có 201 công trình khai thác nước mặt, nước dưới đất được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước. Riêng ngành thủy lợi có 444 công trình, trong đó có 230 hồ chứa, 79 đập dâng, 13 cống dâng, 19 trạm bơm, 91 đập tạm; 12 kênh tiêu cùng với khoảng 1.300km kênh mương chủ động cấp nước tưới cho khoảng 50.004ha đất canh tác.

Bên cạnh đó, về tình hình cấp nước đô thị và nông thôn, theo ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thống kê số lượng hệ thống cấp nước khu vực đô thị là 19 hệ thống. Tổng công suất thiết kế là 120.820 m3/ngày đêm và tổng công suất khai thác là 88.440 m3/ngày đêm. Ngoài việc cung cấp nước cho các đô thị hệ thống cấp nước tại một số đô thị đang dẫn nguồn cung cấp cho một số khu vực dân cư nông thôn liền kề như hệ thống cấp nước các huyện: Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lộc... Nguồn khai thác nước cung cấp cho các nhà máy là từ các hệ thống hồ và khai thác nước dưới đất; tỷ lệ khai thác nước mặt 65%, nước ngầm 35%.

Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung là 76%. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân tại khu vực đô thị là 19,57%. Số lượng hệ thống cấp nước khu vực đô thị được lập kế hoạch cấp nước an toàn trên tổng các hệ thống cấp nước đô thị của toàn tỉnh là 11/19 hệ thống. Thông tin đánh giá từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2023, tỷ lệ thất thoát nước cho cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao (khoảng 25%).

Ngoài ra, để chủ động trong công tác phòng, chống hạn hán thiếu nước mùa khô năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu hạn hán xảy ra, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ cần khoảng trên 63 tỉ đồng.