Lâm Đồng: Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, thiên nhiên gắn với phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững

Ngày 19/11, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh uỷ Lâm Đồng tổ chức Hội thảo khoa học Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, thiên nhiên gắn với phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững của tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn hiện nay.

img-3747-20231119112356-1700451394.jpg

Quang cảnh hội thảo

Chủ trì Hội thảo có Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II; Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Vĩnh Phúc, cùng nhiều nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng đã tham dự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S bày tỏ sự vui mừng và phấn khởi khi tỉnh Lâm Đồng được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chọn tổ chức Hội thảo. Đồng chí đã thông tin tới các đại biểu tham dự Hội thảo về tổng quan tình hình phát triển du lịch ở địa phương. Qua đó tin tưởng rằng kết quả và sự thành công của Hội thảo sẽ tạo động lực to lớn và đem lại nhiều giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý nhà nước, đầu tư, phát huy, phát triển giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắnh cảnh gắn với phát triển du lịch nói riêng và phát triển toàn diện kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S nhấn mạnh thêm, “Đây cũng là hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Đồng thời đánh giá một cách toàn diện Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh và từng bước cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TU về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

Lâm Đồng nơi lưu giữ và không gian của 3 di sản thế giới được UNESCO vinh danh, gồm Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản Triều Nguyễn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang; cùng hệ thống 37 di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng và 17 loại hình văn hóa phi vật thể của cộng đồng 47 dân tộc sinh sống trên địa bàn; Đà Lạt chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc và đang đề xuất xây dựng hồ sơ Thành phố Di sản thế giới. Đà Lạt - Lâm Đồng còn được thiên nhiên ban tặng khí hậu ôn hòa, dịu mát quanh năm; cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người hiền hòa, thanh lịch, mến khách.

Phát biểu báo cáo đề dẫn Hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi, khẳng định: Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước, có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch. Trong đó Lâm Đồng là địa phương hội thụ nhiều giá trị di tích lịch sử văn hóa, thiên nhiên để tạo động lực cho du lịch phát triển. Tuy nhiên, nhìn nhận tổng thể địa phương chưa phát huy hết giá trị này, nhất là thành phố Đà Lạt. Do đó, tìm ra giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao là yêu cầu tất yếu của Lâm Đồng. Các ý kiến, tham luận, bàn thảo tại hội thảo cần làm rõ vấn đề lý luận chung, đánh giá thực trạng, tìm giải pháp, đề xuất kiến nghị nhằm phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao không riêng Lâm Đồng mà cả vùng Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, tại Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý và đại biểu đã trình bày những tham luận cũng như tham gia thảo luận, trao đổi bàn tròn, tập trung làm rõ những vấn đề lý luận về bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa - thiên nhiên trong phát triển du lịch; làm rõ vai trò của các di tích lịch sử, văn hóa, thiên nhiên trong phát triển du lịch cũng như chỉ ra mối quan hệ giữa phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, thiên nhiên với phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững…

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II đánh giá cao chất lượng các bài tham luận, những trao đổi, thảo luận của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý và đại biểu tại Hội thảo cũng như hơn 60 bài viết từ các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy của Học viện Chính trị khu vực II, Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành, các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy… trên địa bàn tỉnh.

“Các ý kiến, tham luận, bài viết đã nhìn nhận, trao đổi và đánh giá nội dung của Hội thảo theo những cách nhìn, quan điểm khác nhau tạo nên sự đa dạng, nhiều chiều trong cách tiếp cận chủ đề hội thảo. Đặc biệt những đề xuất, giải pháp đưa ra có tính khả thi và có thể triển khai trên thực tiễn. Ban Tổ chức sẽ tiếp tục biên tập nội dung Hội thảo và tổ chức lan tỏa đến các đơn vị chức năng có thẩm quyền để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong thực tiễn”, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng cho biết.

Đồng thời, đánh giá thực trạng khai thác phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, thiên nhiên trong phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao ở tỉnh Lâm Đồng. Qua đó có những đề xuất, giải pháp nhằm đẩy mạnh khai thác tiềm năng và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, thiên nhiên trong phát triển du lịch bền vững, chất lượng cao tại Lâm Đồng.