Lâm Đồng: Tập trung xây dựng các mô hình bền vững đối với cây cà phê

Cà phê được coi là một trong những cây trồng chủ lực của Lâm Đồng, hiện đang bước vào giai đoạn thu hoạch chính vụ. Nhằm nâng cao chất lượng và giá thành nhân cà phê, các ngành chức năng đã và đang tập trung hướng dẫn, động viên người dân thu hoạch, bảo quản cà phê đúng kỹ thuật.

nen-thu-hoach-ca-phe-thoi-gian-nao-1702865927.jpg

Cà phê đang bước vào giai đoạn thu hoạch chính vụ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, diện tích cà phê toàn tỉnh năm 2023 là 175.708 ha, trong đó diện tích kinh doanh 163.520,8 ha với năng suất dự kiến 32,8 tạ/ha. Sản lượng theo kế hoạch năm 2023 là 535.777,8 tấn. Tới đầu tháng 12, các địa phương đã thu hoạch sản lượng trên 190 ngàn tấn, đạt trên 37% kế hoạch. Hiện nay, người dân và đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất cà phê chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu, tiêu thụ trong nước rất chú ý tới vấn đề này.

Cụ thể, ghi nhận tại một số địa phương có diện tích cà phê lớn như Di Linh và Bảo Lâm, ngoài các hợp tác xã, công ty trồng cà phê hữu cơ, chất lượng cao, việc thu hái đảm bảo độ chín từ 90% trở lên thì đối với nhiều người dân tỷ lệ này chỉ đạt khoảng từ 60 tới 80%. Với quan niệm “xanh nhà hơn già đồng”, thực tế còn nhiều hộ dân tổ chức thu hoạch đại trà khi cà phê đạt tỉ lệ chín chỉ trên dưới 70%. Chính điều này làm giảm cả chất lẫn lượng của cà phê nhân, đặc biệt đối với thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, giá thu mua vào cũng có sự chênh lệch giữa cà phê chín đều và cà phê thu có tỷ lệ trái xanh lớn. Do nhiều thương lái khi thu mua sản phẩm từ người dân ngoài đo độ ẩm còn đánh giá nhân phê chế biến từ việc thu hái xanh thường bị thâm, đen, hạt nhỏ, mẫu mã không đều, đẹp bằng nhân cà phê có quả chín đều, nhân đẹp.

Trước việc còn nhiều người dân chưa chú trọng việc thu hoạch cà phê đảm bảo độ chín theo tỷ lệ, làm giảm chất lượng, giá thành cà phê nhân xô, ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, ngành Nông nghiệp trước niên vụ bà con thu hoạch đã chủ động công tác tuyên truyền, phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường hướng dẫn người dân thu hoạch, sơ chế, chế biến cà phê đúng cách.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã và đang tập trung xây dựng các mô hình bền vững đối với cây cà phê. Trước niên vụ thu hoạch, ngành Nông nghiệp đều khuyến cáo người dân thu hoạch cà phê chín, không thu hái quả xanh, quả non. Việc thu hái phải thực hiện đúng kỹ thuật, không tuốt, vặn, làm gãy cành. Cụ thể, việc thu hoạch nên thực hiện nhiều lần trong một vụ để thu hết quả chín và phải ngừng thu hái trước và sau khi nở hoa từ 3 - 5 ngày. 

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng khuyến cáo người dân vận chuyển cà phê về nơi sơ chế, chế biến ngay sau khi thu hoạch. Không lưu giữ quả tươi cà phê để chế biến ướt quá 12 giờ, quả để chế biến khô không quá 24 giờ. Đồng thời, áp dụng các phương pháp sơ chế, chế biến phù hợp đối với từng chủng loại cà phê và phải đảm bảo yêu cầu chất lượng của sản phẩm. Cà phê quả, cà phê thóc, cà phê nhân sau khi được phơi, sấy khô đạt ẩm độ 12 - 13% phải được đựng trong các bao chuyên dùng và cất giữ, bảo quản trong nhà kho sạch, khô ráo, thông thoáng. Địa phương cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp tổ chức phổ biến kiến thức, quy định mới về EUDR để có phương hướng tổ chức sản xuất hiệu quả.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, sản lượng cà phê của địa phương trên 600.000 tấn/năm. Các sản phẩm cà phê nhân, cà phê rang xay của tỉnh đang được xuất khẩu qua thị trường quen thuộc ở các nước châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia…, các thị trường châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Năm 2022, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu của tỉnh đạt trên 90.000 tấn với giá trị đạt trên 180 triệu USD. Riêng năm 2023, tính tới ngày 8/12, Sở Công thương tỉnh thống kê cà phê nhân xuất khẩu đạt 173 triệu USD, là mặt hàng nông sản xuất khẩu cao nhất của địa phương.