Trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, như: Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt, không để bùng phát, lây lan diện rộng. Công tác quản lý bảo vệ rừng được quan tâm, chỉ đạo liên tục, quyết liệt (số vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm 38,4%, diện tích thiệt hại giảm 72,9%; lâm sản thiệt hại giảm 82,3% so với cùng kỳ). Hoạt động xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi, tăng 0,5%; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 16,8%; tổng lượt khách du lịch đến Lâm Đồng tăng 7,7% (khách quốc tế tăng 25,7% so với cùng kỳ)...
Đồng thời, các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; đầu tư cơ sở vật chất, trường, lớp học và trang thiết bị dạy học theo hướng đạt chuẩn; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; tổ chức nhiều chương trình, lễ hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, đảm bảo an sinh xã hội; quan tâm phát triển nhà ở xã hội, công tác giảm nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đối tượng yếu thế,... Kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh; đảm bảo đầy đủ thuốc men, vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được quan tâm thực hiện tốt; định kỳ hàng tháng, lãnh đạo UBND tỉnh tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời nắm bắt thông tin, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ; số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư; công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được chú trọng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Sản xuất, kinh doanh một số ngành, lĩnh vực còn nhiều khó khăn; lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ tăng trưởng chậm; doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và vốn đăng ký, doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng mạnh. Thu ngân sách chưa đạt yêu cầu, một số khoản thu ngân sách đạt thấp (thu doanh nghiệp nhà nước Trung ương, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, thu từ đất và nhà, thu cấp quyền khai thác khoáng sản, thu hải quan, thu khác ngân sách).
Giải ngân vốn đầu tư công thấp (đạt 9,5% kế hoạch), tiến độ triển khai các công trình, dự án còn chậm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc; năng lực của một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công còn yếu, nhiều dự án phải điều chỉnh, bổ sung;… Công tác thu hút đầu tư, nhất là dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển biến chậm. Tiến độ các công trình trọng điểm chưa đảm bảo theo yêu cầu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Đặc biệt là tình trạng hạn hán kéo dài, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi, sản xuất và đời sống của nhân dân. Công tác quản lý, bảo vệ rừng tuy đã được chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, nhưng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn diễn ra, gây thiệt hại tài nguyên rừng. Công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị còn lỏng lẻo; công tác quy hoạch còn chậm, chưa kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong việc chồng lấn các quy hoạch; quy hoạch vùng huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Bảo Lâm chưa phê duyệt vì còn chồng lấn với quy hoạch cao hơn.
Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tình hình thời tiết khô hạn, thiếu nước ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ về số vụ và số người bị thương (4 tháng đầu năm 2024 xảy ra 187 vụ tai nạn giao thông, tăng 40 vụ; làm bị thương 162 người, tăng 88 người).
Công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu; thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp; tình trạng trễ hạn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính vẫn còn xảy ra, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đất đai. Công tác quản lý, điều hành của một số cơ quan hành chính, chính quyền một số địa phương hiệu quả chưa cao,... Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa thực sự nghiêm; còn một số cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm quy định, bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự,… Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc qua loa, đại khái,...
Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc xác định lại 5 điểm sáng, 10 điểm cần khắc phục và yêu cầu trong tháng 5 và các tháng còn lại của năm 2024, phải duy trì và phát huy các điểm sáng, khắc phục các điểm còn hạn chế để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024… 5 điểm sáng là những kết quả tích cực trong xử lý các vấn đề về rừng, dịch bệnh, xuất khẩu, quốc phòng - an ninh, giáo dục; 10 điểm cần khắc phục là: sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư trong nước và FDI, hạn hán, quy hoạch, đời sống khó khăn, an ninh trật tự, an toàn giao thông, quản lý điều hành, cải cách hành chính, xử lý kỷ luật…
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương và các sở ngành tập trung đánh giá các nội dung cần khắc phục theo nhận xét của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc; đồng thời, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc của địa phương để UBND tỉnh và các sở ngành có giải pháp tháo gỡ…
Theo ông Phạm Triều - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng: Liên quan đến giải ngân chậm là vấn đề về quy hoạch. Ông Triều cho rằng, cùng với quy hoạch tỉnh là quy hoạch vùng miền, nhưng có độ chênh rất lớn với quy hoạch chi tiết của các địa phương, dẫn đến những khó khăn, như công tác đấu giá, quy hoạch xây dựng vướng quy hoạch khoáng sản, quy hoạch rừng… Đề nghị tỉnh phải có hội nghị tháo gỡ về quy hoạch. Định giá đất đã uỷ quyền cho cấp huyện, dù không địa phương nào có kiến nghị, nhưng rõ ràng là có khó khăn trong định giá đất tái định cư, định giá đất giải phóng mặt bằng… so với giá thị trường… Về nội dung hưởng ứng phong trào thi đua xóa nhà tạm, ông Phạm Triều thông tin thêm, nếu lấy mốc xóa nhà tạm theo văn bản quy định của tỉnh thì con số là quá lớn (gần 3.000 căn/150 tỷ); nếu lấy con số do Ủy ban MTTQ thống kê thì khả thi hơn (chưa đến 1.500 căn nhà).
Trong tháng 5, cùng với các nội dung thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã giai đoạn 2023 – 2025; chuẩn bị chu đáo các nội dung, dự thảo Nghị quyết trình Kỳ họp giữa năm 2024 của HĐND tỉnh…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp, đánh giá: Chưa có năm nào tỉnh ta khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, 4 tháng qua, tình hình phát triển kinh tế của tỉnh có những bước phát triển (công nghiệp, du lịch, nông nghiệp), dù chưa đạt yêu cầu đề ra. 10 lĩnh vực còn khó khăn đã đặt ra trong báo cáo cho thấy tình hình kinh tế phát triển chậm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp yêu cầu các sở, ngành, địa phương lưu ý các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo để tiếp tục thực hiện, khắc khục khó khăn… Trong đó, lưu ý đã bước vào mùa mưa và tình trạng đuối nước nghiêm trọng đã xảy ra; tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, không đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm; đẩy nhanh hoạt động đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản; xác định đúng nhiệm vụ thu, rà soát các khoản thu; tập trung lập hồ sơ đấu giá nhà đất, khoáng sản; giải quyết nhanh, đúng các thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng,… để người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong giao dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai các công trình…; các địa phương chuẩn bị tốt các nội dung trình HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp tới…