
Cổ miếu danh sơn
Đền Cuông thờ An Dương Vương, vị vua cách nay hơn 2.250 năm về trước, đã lập lên nước Âu Lạc, dựng kinh đô Phong Khê, xây thành Cổ Loa kiên cố. Sự nghiệp của Thục Vương kéo dài 50 năm, khởi đầu từ năm 218 TCN, khi các lạc tướng suy tôn là vị lãnh tụ. Kháng chiến thắng lợi, Thục Vương nắm trọn quyền uy, dốc sức dựng cơ đồ đại nghiệp.
Bến An Dương - xưa là cửa Hiền, bị bồi lấp từ lâu, nằm ở phía Đông Nam đền thờ An Dương Vương, nay thuộc xã Nghi Yên, Nghi Lộc. Trên sườn núi cận kề QL1A là tòa miếu cổ kính nguy nga, một di tích văn hóa lịch sử lâu đời, dựng lên từ ngàn năm trước.

Truyền thuyết kể rằng, Thục phán An Dương Vương nổi tiếng với tài binh lược và đặc biệt gắn liền với ông là ngôi thành Cổ Loa huyền thoại. Không chỉ vậy, ngôi thành này còn gắn liền với vị thần Kim Quy và cái nỏ thần. Bắt đầu từ đó, đất nước Âu Lạc thời bước vào thời kỳ hưng thịnh và không lo nạn giặc ngoại xâm.
Vào cuối đời Tần, Triệu Đà gốc Hán chiếm cứ Uất Lâm (Quý Huyện, Quảng Tây), Nam Hải (Quảng Châu, Quảng Tây), lập nước Nam Việt, xưng vương đóng đô ở Phiên Ngung. Triệu Đà mang mộng xâm lấn mở mang bờ cõi nên y nhiều lần đem quân nhằm thôn tính nước Âu Lạc, thế nhưng mấy lần đem quân sang đều bị thất bại bèn lập kế cầu hòa.
Thục An Dương Vương không những chấp nhận mà còn gả con gái là Mỵ Châu cho Trọng Thủy, con trai vua Triệu Đà. Sau khi được “nhạc phụ” tin tưởng, Trọng Thủy bắt đầu ý đồ ăn cắp lẫy nỏ thần và báo về cho vua cha. Có lẫy nỏ thần trong tay, chắc thắng sẽ đánh bại Âu Lạc, Triệu Đà hí hửng cất quân đánh. Do chủ quan có nỏ thần hộ mệnh, giặc đến sát chân thành mà quân Thục vẫn đủng đỉnh không thèm nghênh chiến, nên thua to. Mất thành, An Dương Vương cùng con gái chạy vào Nghệ An lánh nạn.

Sau khi cùng Mỵ Châu lên ngựa phóng về phương Nam, tới nơi bờ biển chắn ngang, đường bị cắt đứt, đò giang không thấy bóng người, An Dương Vương kêu lên rằng: “Trời đã bỏ ta, hỡi sứ giả đại giang mà ta đã gặp, hãy cứu ta!”. Từ mặt nước, thần Kim Quy nhô lên và nói: “Bệ hạ đang mang theo kẻ thù trên lưng ngựa. Cớ sao còn để làm gì?”. Thục An Dương Vương rút kiếm định chém đầu Mỵ Châu, thì nàng khẩn khoản lạy thưa: “Nếu vì lòng phản bội mà hại phụ vương thì sau khi chết con sẽ trở thành cát bụi. Nhưng nếu vì mù quáng, cả tin mà dẫn đến cảnh ngộ này thì sau khi con chết con sẽ hóa thành đá…”. Vừa dứt lời, An Dương Vương chém Mỵ Châu. Nàng nằm sõng soài trên cát trắng, máu nàng chảy xuống biển, những con trai hớp được đã biến thành ngọc quý ở trong lòng trai. Thi thể của nàng chìm xuống đáy sâu của biển và cũng biến thành một tảng đá.
Trong tiềm thức dân gian: Cánh chim công (cuông), móng rùa thần, lông ngỗng, sừng tê giác… vẫn còn in đậm nét như Thành Ốc - đền Cuông… từng lưu giữ trong lòng nó “công lao - đức nghiệp An Dương” cùng truyền thuyết và những trang sử chép về tiên Vương. Bởi vậy, mỗi khi ngước nhìn đỉnh núi Dạ chiêm ngưỡng đền Cuông, hoài niệm tích xưa, ai cũng bâng khuâng, xao xuyến.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của ngài, người dân Diễn Châu đã lập miếu thờ ở cửa Hiền.
Theo truyền thuyết kể lại, tuy đã có miếu thờ, nhưng mỗi khi màn đêm buông xuống, trên núi Mộ Dạ thường xuất hiện những đốm lửa lập lòe. Nhân dân cho rằng đó chính là linh hồn của vua Thục Phán muốn yên ngự trên núi, người dân sau đó đã lập đền thờ và rước linh hồn Vua về thờ phụng. Đền thờ An Dương Vương trên núi Mộ Dạ có từ ngày đó.
Ngôi đền được gọi là đền Cuông nhưng ngụ ý nói đền Công (tiếng Nghệ An).
Tương truyền, khu vực núi Mộ Dạ xưa có nhiều chim công (chim hạc) sinh sống, thế núi Mộ Dạ nhìn xa tựa một con chim công khổng lồ đang múa, đầu chim chính là nơi đền tọa lạc.

Lễ hội đền Cuông
Các cơ sở tâm linh như đền, chùa, miếu... là một trong những nơi con người muốn tìm đến để chiêm bái và thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mình. Và đền Cuông là một trong những địa chỉ quen thuộc mà người dân vùng biển Diễn Châu nói riêng và người dân Nghệ An nói chung thường lui tới để cầu mong những điều tốt đẹp.

Lễ hội đền Cuông chính thức được tổ chức từ năm 1993, trước đó chỉ tồn tại dưới hình thức là lễ tế thần. Đến nay, lễ hội được tổ chức thường niên từ ngày 12 đến 16/2 âm lịch. Nơi đây được du khách biết đến như một điểm du lịch tâm linh đầu năm, trở thành nếp sống sinh hoạt không thể thiếu của người dân xứ Nghệ.
Xưa kia, triều đình quy định lễ hội đền Cuông là quốc lễ, quốc tế. Trên mặt chính của lầu từ cổng tam quan đền Cuông hiện vẫn còn lưu được dòng chữ Hán đắp nổi rất lớn “Quốc tế thượng từ” (đền nhà nước tế). Phần lễ của lễ hội đền Cuông gồm: Lễ khai quang, lễ yết, lễ cáo trung thiên, lễ đại và lễ tạ. Ngoài ra, còn có thêm lễ túc trực. Khi tham gia lễ, các vị trong ban hành lễ sẽ phải mặc lễ phục theo quy định.

Năm nay, huyện Diễn Châu đầu tư rất bài bản, công phu cho lễ hội đền Cuông cả về phần lễ và phần hội. Với hi vọng sẽ mang lại cho du khách thập phương một mùa lễ hội an toàn, vui tươi và thỏa mãn được nhu cầu văn hóa tâm linh. Trong thời gian 4 ngày, lễ hội có hơn 20 hoạt động, nội dung giàu bản sắc văn hóa, kết hợp với nhiều hoạt động sôi nổi của đoàn thanh niên. Đặc sắc nhất là lễ rước kiệu vua và công chúa.
Ngoài phần lễ thì phần hội cũng đa dạng các hoạt động, trò chơi dân gian như: Bắn nỏ, múa lân, nhảy bao bố, bịt mắt đập nồi, cờ thẻ, biểu diễn ca trù, dân ca ví giặm. Bên cạnh đó, du khách thập phương còn được tham gia các hoạt động khác như thi đấu các môn thể thao bóng chuyền nam, nữ. Tham gia mua sắm tại gian hàng sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện, hội trại “uống nước nhớ nguồn” của tuổi trẻ Diễn Châu. Hội thi “nữ thanh niên thanh lịch cũng là điểm nhấn của lễ hội.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Diễn Châu Đào Hồng Thanh chia sẻ: Lễ hội đền Cuông hiện nay đã trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống của người dân địa phương. Lễ hội được tổ chức hằng năm như một sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người có công với đất nước, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà thế hệ trẻ ngày nay cần học hỏi và phát huy.
Về với đất Hoan Châu, nơi lưu giữ một phần cội nguồn của dân tộc để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, không gian yên bình và bày tỏ lòng biết ơn đối với vị vua ở thời kì đầu dựng nước và giữ nước - người đã có công đánh Tần đuổi Triệu, lập nên nhà nước Âu Lạc - Thục Phán An Dương Vương.


Lịch sử đã đi qua, nhưng những câu chuyện vẫn được truyền tai nhau từ đời này qua đời khác. Ngôi đền linh thiêng vẫn đứng đó, sừng sững, trường tồn cùng thời gian và sự phát triển, đổi thay của quê hương xứ Nghệ.