Liên kết vùng giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, kết nối thị trường cung cầu

Sáng 15-12, tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng, Hội thảo liên kết vùng giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, kết nối thị trường cung cầu - giải pháp thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

tang-truong-xanh-1-5680-9661jpg-1702869473.jpg

Quang cảnh Hội thảo liên kết vùng giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên. Ảnh Võ Tùng

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì hội thảo. Cùng tham dự có lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên cùng hơn 150 đại biểu các sở, ban, ngành, các viện, trường, các quỹ đầu tư, các nhà phân phối và các doanh nghiệp khởi nghiệp...

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đánh giá cao các đối tác liên kết tại TP HCM thời gian qua đã hỗ trợ, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất giúp sản phẩm của người dân trong tỉnh thuận lợi trong tiếp cận thị trường.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, TP HCM vừa là thị trường tiêu thụ lớn về nông sản, lương thực vừa là nơi cung cấp hàng tiêu dùng, đào tạo nguồn nhân lực cao cho các tỉnh. Trong khi đó, vùng Tây Nguyên hiện có khoảng 65.000 doanh nghiệp và 20.000 hợp tác xã. Bên cạnh đó, độ tuổi làm doanh nghiệp hiện nay trẻ hơn 10 năm trước, đây là điều kiện tốt để tiếp cận khoa học - công nghệ. Do vậy, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng các tỉnh tăng cường tiếp cận khoa học - công nghệ để tăng cường liên kết với TP HCM.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết thị trường thế giới rất rộng mở nhưng không dễ dàng để bước vào. Các tập đoàn lớn có thể đi được nhưng doanh nghiệp nhỏ thì rất khó. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đến từ TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên cần liên kết lại theo 3 góc độ.

Thứ nhất là doanh nghiệp lớn phải là người đi đầu, người tiên phong, là người dẫn dắt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Cần hỗ trợ cho những cá nhân, doanh nghiệp mới ra đời để họ hướng theo, cùng có sản phẩm xuất khẩu.

Thứ hai, ông Hoan cho rằng chính quyền địa phương các tỉnh vùng Tây Nguyên phải hỗ trợ, liên kết lẫn nhau để chia sẻ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Nếu mỗi địa phương, mỗi vùng có chính sách tiêng, có cách làm riêng nhưng không có kết nối chung thì sản xuất không tiếp cận được thị trường, nguồn nguyên liệu không tiếp cận được doanh nghiệp và thậm chí sản xuất trong nước không đáp ứng được thị trường xuất khẩu. Do đó, vai trò của nhà nước rất quan trọng.

Thứ ba, phải kết hợp giữa xuất khẩu với thị trường nội địa. Nghĩa là phải khai thác tối đa thị trường nội địa. Mà muốn khai thác tối đa thì cũng phải liên kết, trong đó TPHCM là trung tâm tiêu thụ, chế biến thì Tây Nguyên là vùng cung cấp nguyên liệu. Ở nơi tiêu thụ phát ra những tín hiệu hoặc yêu cầu đòi hỏi mới thì khu vực nguyên liệu phải căn cứ theo đó mà thay đổi, phục vụ.

Đồng thời, Hội thảo này nhằm hình thành để kết nối giữa các doanh nghiệp, tạo mối "liên kết - hợp tác" chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng thời, giúp hoạch định chính sách, tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp xanh và phát huy tối đa vai trò dẫn dắt, định hướng của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp xanh. Qua đó, tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng.