ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và trong giao thương với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tiểu vùng sông MêKông. Đây cũng là vùng trọng điểm về nông nghiệp của cả nước khi đóng góp khoảng 95% lượng gạo, gần 65% lượng thuỷ sản nuôi trồng và gần 70% các loại trái cây xuất khẩu.
Tuy nhiên, vùng ĐBSCL đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập úng đô thị. Mặc dù là vùng trọng điểm nông nghiệp nhưng quy mô sản xuất vẫn manh mún, nhỏ lẻ; hạ tầng giao thông và logistics thiếu và yếu; nguồn lao động có tay nghề qua đào tạo còn thấp, các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến nông sản để tạo ra giá trị gia tăng chưa thực sự nhiều. Chính những vấn đề này đã làm giảm sức cạnh tranh, thu hút đầu tư của các địa phương trong vùng, nông sản vẫn chưa phát huy hết thế mạnh vốn có.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), trong 3 thế mạnh của ĐBSCL là lúa gạo, thủy sản và trái cây đang có những lợi thế, bất lợi cần nhìn nhận rõ.
Đối với ngành hàng lúa gạo mạnh về đất đai, nguồn nước, nghiên cứu khoa học nhưng lại yếu về hạ tầng, khoa học công nghệ và lao động trong khâu chế biến. Còn thủy sản mạnh về giống nuôi, chế biến, xuất khẩu nhưng lại yếu về hạ tầng logistic, thương hiệu. Và ngành hàng trái cây tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua với thế mạnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu nhưng năng lực chế biến vẫn chưa đạt yêu cầu. Nhận diện 4 vấn đề chính mà ĐBSCL đang phải đối mặt là hạ tầng giao thông và logistics đang yếu; lực lượng lao động có tay nghề còn thấp; công nghệ chế biến đang thiếu những doanh nghiệp lớn đầu tư để nâng cao giá trị thặng dư trong tiêu thụ và xuất khẩu.
Ngoài ra trong mối liên kết sản xuất tiêu thụ, chế biến, tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL thì lĩnh vực chế biến đang được nhìn nhận là thiếu trầm trọng. Hầu hết các cơ sở chế biến hiện nay có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp không đáp ứng được nhu cầu chế biến hàng năm của nông sản các loại trong vùng. Vì vậy, để thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến cần có những chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu góp phần phát triển nông nghiệp của vùng.
Trong Nghị quyết 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ có việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ (Trung tâm). Trong định hướng chiến lược, Trung tâm sẽ trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả vùng ĐBSCL với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ”, có vai trò gắn kết Nhà nông - Nhà sản xuất - Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng, Viện Kinh tế, xã hội TP. Cần Thơ chia sẻ, Trung tâm được hình thành sẽ góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu cho các mặt hàng ĐBSCL, đặc biệt là giúp người dân, doanh nghiệp chủ động tổ chức sản xuất, ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản thông qua việc nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản góp phần vào tăng trưởng GRDP, phát triển kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam nói rằng: “Đầu tiên phải thay đổi tư duy của người sản xuất để người ta nhận thức và người ta thấy rằng là cái nhu cầu sản phẩm phải như thế nào. Các yêu cầu của thị trường nhập khẩu người ta yêu cầu gì thì ngay từ người sản xuất đã phải thực hiện rồi. Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ để khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến và khâu logistics”.
Theo ước tính Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ sẽ đóng góp lớn vào phát triển kinh tế ĐBSCL, thu hút đầu vào cơ sở hạ tầng khoảng 6.600 tỷ đồng và hơn 9.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư vào khai thác thứ cấp trong thời gian tới. Bên cạnh đó sẽ nâng cao trình độ sản xuất, thương mại, dịch vụ cho lực lượng sản xuất trong vùng; Góp phần tạo công ăn việc làm, điều kiện cho doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp và giá trị gia, ổn định sinh kế, đời sống, xã hội vùng ĐBSCL.
“Thúc đẩy chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó quan tâm đến các khâu trọng yếu là hình thành chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, tạo ra kênh phân phối chuyên nghiệp có quy mô lớn, xây dựng cơ chế đặc thù để huy động mọi nguồn lực tại vùng, nhất là các doanh nghiệp chế biến; khâu tổ chức sản xuất, gắn với định hướng thị trường; ứng dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn góp phần nâng cao giá trị nông sản, mang lại lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của vùng ĐBSCL”, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chia sẻ.
Việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả của quốc gia, khu vực và thế giới. Khi đó, nông sản của vùng tiếp tục khẳng định hơn nữa vai trò và sự đóng góp to lớn về mặt kinh tế cho vùng ĐBSCL cũng như kinh tế cho đất nước.