Đến dự buổi gặp mặt có ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; ông Vũ Văn Thẩm, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh.
Buổi gặp mặt là một sự kết nối, truyền tải những thông điệp của quê nhà đến với những người con xa xứ, qua đó giới thiệu những thành tựu nổi bật về kinh tế, chính trị xã hội của địa phương đến với bà con trong những năm trước và 6 tháng đầu năm 2024.
Đặc biệt, tại buổi gặp gỡ hội đồng hương lần này, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, MTTQ huyện và Ban Chấp hành Hội Đồng hương đã phát động lời kêu gọi những người con xa xứ cùng chung tay đóng góp, xây dựng hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập huyện Phú Ninh (2005 - 2025). Đây là cột mốc đánh dấu cho hai mươi năm của một hành trình xây dựng và trưởng thành. Từ một huyện thuần nông, với kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nhưng với nhiều cố gắng và nỗ lực vươn lên, Phú Ninh đã và đang phát triển mỗi ngày theo hướng nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp và du lịch...
Ở một góc nhìn khác, khi nói đến Phú Ninh, người ta sẽ nghĩ ngay đến công trình thủy lợi nổi tiếng với một hồ nước rộng 34,33 km², sức chứa 344 triệu m³ nước cùng một hệ thống kênh mương để phục vụ tưới tiêu cho 23.000 ha lúa và hoa màu của 4 huyện thuộc tỉnh Quảng Nam. Nhưng, ít ai biết rằng để có một đại công trình thủy nông lớn thứ 6 của cả nước (tính thời điểm hiện tại) được xây dựng, đi vào hoạt động thì một cuộc di dân với hơn 11 ngàn người đã được diễn ra ở đây. Những con người ấy đã tự nguyện di dời, sẵn sàng từ bỏ nhà cửa, ruộng vườn để nhường đất cho công cuộc xây dựng hồ thủy lợi với mục tiêu đổi mới để phát triển đất nước mà không cần nhận bất cứ một đồng tiền bồi thường nào.
Thành quả mà Phú Ninh có được ngày hôm nay có công đóng góp rất lớn về tài sản cũng như tinh thần của họ, để rồi hôm nay, giữa vùng đất phương Nam họ lại tụ về để gặp những người đồng hương thân thương. Để nghe và ghi nhận sự phát triển của địa phương, lấy đó làm niềm vui về những gì mà họ đã hy sinh, cống hiến hơn 40 năm về trước.
Xin nói thêm một chút về Phú Ninh. Là một huyện thuần nông, được tách ra từ thành phố Tam Kỳ năm 2005 với 10 xã, trong đó có 9 xã nằm ở vùng hạ của hồ thủy lợi Phú Ninh, chỉ riêng xã Tam Lãnh là nằm ở miền ngược, cách trung tâm huyện lỵ hơn 20km và phương tiện kết nối là những chuyến đò trên lòng hồ Phú Ninh. Đây là địa phương thuộc vùng đất mỏ với mỏ vàng Bồng Miêu có tên trên bản đồ khoáng sản của thế giới, nhưng đời sống người dân thì luôn vất vả. Năm 2009, Phú Ninh thành lập thêm một thị trấn mới có tên Phú Thịnh, lấy nơi đây làm trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện.
Là huyện thuần nông nên thu nhập của người dân chủ yếu là làm ruộng, do đó đời sống luôn khó khăn. Từ khi thành lập huyện, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách thay đổi thói quen canh tác của nông dân, cũng như thay đổi vật nuôi, giống cây trồng cho ra hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó là định hướng phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Và Phú Ninh hiện đã có 4 cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp Tam Đàn, Cụm công nghiệp Chợ Lò, Cụm công nghiệp Phú Mỹ và Cụm công nghiệp Đồi 30 với 38 dự án đã và đang thực hiện thủ tục đầu tư để hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng diện tích đất được giao khoảng 47,85ha, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1.324,3 tỷ đồng. Trong số này, có 23 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động. Bình quân thu nhập đầu người của Phú Ninh cuối năm 2023 là 55,5 triệu đồng/người/năm. Đây là con số ấn tượng về chỉ số thu nhập của một huyện với nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp như Phú Ninh.
Hiện nay, với sự phát triển về giao thông, việc kết nối giữa vùng hạ du đến với xã Tam Lãnh, xã xa nhất của huyện là con đường được đưa vào sử dụng năm 2005. Đây là cung đường huyết mạch cho giao thương, và cũng là cung đường hứa hẹn mang lại sự phát triển kinh tế du lịch ven hồ Phú Ninh trong thời gian tới. Điểm nhấn của cung đường là chạy bao quanh một phần ba chu vi của khu vực lòng hồ, có những vùng bán ngập rộng lớn, thích hợp cho việc tổ chức hoạt động dã ngoại, tham quan, cắm trại trong mùa khô. Phù hợp với nhu cầu trải nghiệm, khám phá khi du lịch sinh thái mà giới trẻ đang ưa chuộng và phát triển như hiện nay.
Tại buổi gặp mặt đồng hương, nhiều ý kiến về việc quy hoạch xây dựng, phát triển để khai thác tiềm năng du lịch trên hồ Phú Ninh đã được nhiều người con của Phú Ninh là doanh nhân thành đạt quan tâm, chia sẻ. Và điều này hứa hẹn sẽ mang lại một hướng phát triển mạnh cho Phú Ninh trong thời gian tới.
Với truyền thống hy sinh và cống hiến để có được sự hồi sinh cho những vùng đất khát bằng cuộc di dân hơn 40 năm trước của hơn 11 ngàn người đã mang lại những cánh đồng xanh mát, những mùa vàng bội thu trên những cánh đồng khô cằn, cỏ cháy. Tương lai sắp tới, những bước chân xa xứ quay về với những đóng góp, đầu tư để phát triển Phú Ninh ngày càng lớn mạnh hơn là điều hiển nhiên. Và điều ấy được thể hiện, được minh chứng bằng những cam kết cũng như sự kết nối giữa nhiều thế hệ của những người con của Phú Ninh trên mọi miền tổ quốc.
Những ân tình dành cho quê hương, những khát khao được cống hiến cho nơi chôn nhau cắt rốn luôn chảy trong mỗi một con người như những con sóng của hồ Phú Ninh. Ân tình ấy như những dòng nước ngọt chảy qua những cánh đồng, tắm mát những vùng quê để cho đất nở hoa, cho cây trái sinh sôi, cho đời sống người dân muôn đời ấm no và hạnh phúc!