“Mùa thanh trà”: Thể hiện sự chung thủy của người phụ nữ Việt Nam

Bài tân cổ “Mùa thanh trà” của tác giả Lâm Viên được viết nên từ một câu chuyện tình đẫm nước mắt có thật khi tác giả nhiều lần đi ngang tuyến Quốc lộ 1 thuộc huyện Bình Minh (nay là thị xã Bình Minh), tỉnh Vĩnh Long.

Nhắc đến trái thanh trà thì có lẽ người dân trong và ngoài nước đều biết đến loại trái cây này. Có 2 loại thanh trà là: thanh trà ngọt và chua ngọt; thanh trà ngọt là một trong những loại đặc sản ở Vĩnh Long đã có trong danh sách các loại quả xuất khẩu. Và đây là loại trái cây “độc nhất vô nhị” ở các tỉnh miền Nam, chỉ riêng vùng đất Đông Thành, Mỹ Hòa,… thuộc thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) mới có.

43-1678148679.jpg
Trái thanh trà được bày bán ven Quốc lộ 1 thuộc Bình Minh, đoạn dưới chân cầu Cần Thơ.

 

Thành phần của trái thanh trà ngọt có nhiều vitamin A. Bên cạnh đó, công dụng của quả thanh trà còn dùng trong việc ngăn ngừa ung thư, chống oxy hóa và bảo vệ tế bào của cơ thể tránh khỏi sự chuyển hóa gốc tự do… Một tác dụng vô cùng lớn của loại quả thanh trà và được người dân châu Âu ưa chuộng, đó là vitamin A có trong quả thanh trà ngọt không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn mang đến tác dụng cho đôi mắt.

Từ nơi sản sinh ra loại trái cây đặc sản, cũng là nơi bắt đầu của nhiều câu chuyện tình đẹp, thơ mộng, lãng mạn,… Và cũng có chuyện tình đẫm nước mắt như bài tân cổ “Mùa thanh trà” của tác giả Lâm Viên đã chuyển tải, được thể hiện qua nhiều tiếng hát như: Kim Ngân, Nhã Thy,… nhưng có lẽ truyền cảm nhất là qua tiếng hát của nghệ sĩ Trương Hồng Yến (Hội Nghệ sĩ TP Cần Thơ).

2-1678148654.jpg
Bài tân cổ “Mùa thanh trà” được nghệ sĩ Trương Hồng Yến trình bày trên kênh Youtube.

Chuyện một cặp vợ chồng trẻ sinh sống ở vùng đất Mỹ Hòa, chồng lấy giống thanh trà về trồng, vợ cùng chồng chăm sóc vườn cây thanh trà, đến mùa thu hoạch trái sai trĩu cành, cặp vợ chồng trẻ cũng sinh ra được 1 cô con gái kháu khính. Trong thời gian vợ chăm con, chồng thì giao thiệp bên ngoài, phải lòng một người con gái khác nên đã bỏ cả 2 mẹ con cùng vườn thanh trà đang vào mùa thu hoạch để đi theo tiếng gọi của tình yêu mới… Người phụ nữ tuy có 1 con, nhưng vẫn còn trẻ, có nhan sắc nên cũng có không ít chàng trai ngắm nghía nhưng khi nghĩ đến con thơ không đành nên không chấp nhận lời tỏ tình của bất kỳ ai.

Hơn chục năm trôi qua, cô con gái lớn lên cùng mẹ bên vườn thanh trà, dòng sông bên nhà,… Cô con gái được chứng kiến mẹ chăm chỉ chăm bón từng cây thanh trà, nâng niu như báu vật, bởi vì trong sâu thẳm người mẹ, người phụ nữ vẫn ghi khắc hình bóng người chồng đã cùng mình vun trồng nên vườn thanh trà phát triển như ngày nay. Có lúc cô con gái còn thấy mẹ mắt nhìn xa, nói nhỏ trong miệng là “hết phà rồi có cách trở gì đâu”… Cô con gái ôm chầm lấy mẹ và biết là mẹ còn yêu thương ba nhiều lắm và không ai có thể thay thế được cha trong trái tim của mẹ.

4-1678148624.jpg
Nghệ sĩ Trương Hồng Yến và tác giả.

Với nội dung trên, đây chính là một trong những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, thể hiện một tình yêu thủy chung, luôn nghĩ về gia đình, con cái. “Công, dung, ngôn, hạnh” là “tứ đức” của phụ nữ từ ngàn xưa đến nay. Xã hội càng tiến bộ, càng phát triển, càng hiện đại thì vị trí, vai trò của phụ nữ càng được nâng lên.

 

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả