Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất nâng cao giá trị rau an toàn

Để hoàn thành mục tiêu phát triển rau an toàn đến năm 2030, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục tập trung mở rộng các vùng sản xuất nâng cao giá trị rau an toàn trên địa bàn. Đến nay, Lâm Đồng đã hình thành các vùng chuyên canh rau ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, nâng cao năng lực các trung tâm sau thu hoạch.
h1-wotj-1710727682.jpg
Chiến lược dài hạn toàn tỉnh Lâm Đồng cần phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung với quy mô và cơ cấu chủng loại phù hợp

Đặc biệt triển khai dự án phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành do tổ chức JICA - Nhật Bản hỗ trợ… Tuy nhiên, theo ngành Nông nghiệp Lâm Đồng thì những khó khăn đang gặp phải là: “Các sản phẩm khoai tây, hành tây, cà rốt nhập khẩu và tiêu thụ với giá rẻ đã gây nhầm lẫn thương hiệu rau Đà Lạt, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của nông dân. Trong khi đó mối liên kết chuỗi giá trị chưa tạo đồng bộ trong khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; vẫn còn bị động trước biến động thị trường trong nước và xuất khẩu…”.

Đồng thời, chiến lược dài hạn toàn tỉnh Lâm Đồng cần phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung với quy mô và cơ cấu chủng loại phù hợp; bảo đảm truy xuất nguồn gốc, gắn chế biến và thị trường tiêu thụ, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu. Theo đó, đến năm 2030, diện tích gieo trồng rau an toàn toàn tỉnh đạt khoảng 95.500 ha, sản lượng 3,8 - 4 triệu tấn. Trong đó gồm các tỷ lệ rau cao cấp 20%, rau chế biến 10%; đảm bảo truy xuất nguồn gốc 55 - 60% diện tích; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 10-12%/năm. Qua đó toàn tỉnh Lâm Đồng hình thành và công nhận 10 vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh với tổng diện tích canh tác khoảng 10.000 ha.

Bên cạnh đó, với diện tích gieo trồng 95.500 ha rau an toàn đến năm 2030 vừa nêu tập trung trên địa bàn TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Cụ thể, phân bổ 39.500 ha nhóm rau ăn lá (bắp sú, cải, xà lách...); 21.350 ha nhóm rau ăn quả (cà chua, ớt ngọt, bầu, bí…); 18.760 ha nhóm rau lấy rễ, củ hoặc lấy thân (khoai tây, cà rốt, củ cải, hành tây, hành hoa, su hào...); 6.510 ha nhóm rau họ đậu (đậu cove, đậu đũa, đậu Hà Lan...); 9.380 ha nấm và các loại rau khác.

Riêng các vùng sản xuất rau an toàn toàn tỉnh Lâm Đồng đảm bảo truy xuất nguồn gốc khoảng 55.000 ha. Định hướng phát triển địa bàn TP Đà Lạt (5.000 ha); các huyện Đơn Dương (25.000 ha); Đức Trọng (17.000 ha); Lạc Dương (7.500 ha); Lâm Hà (500 ha). Và 10 vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại TP Đà Lạt (500 ha), các huyện Đơn Dương (5.000 ha), Đức Trọng (4.000 ha), Lạc Dương (500 ha).

Để hoàn thành mục tiêu phát triển rau an toàn đến năm 2030, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các khu vực phù hợp gắn với đầu tư nghiên cứu chọn tạo, nhập khẩu giống mới có năng suất, chất lượng cao, nhất là giống rau có khả năng kháng sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu và thích hợp sản xuất không dùng nhà kính. Đồng thời hỗ trợ, phát triển diện tích sản xuất rau theo các tiêu chuẩn an toàn bền vững quốc tế GlobalGAP, Halal, Oganic; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ hiện đại; ứng dụng công nghệ thông minh, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng năng suất lao động; sử dụng phân bón sinh học, hữu cơ; quản lý sinh vật hại bằng biện pháp sinh học, thảo mộc, vật lý có hiệu quả cao, hạn chế tác động môi trường.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cũng hỗ trợ tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ số vào các khâu quản lý chuỗi, theo dõi quản lý nông sản từ quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, minh bạch, trong đó sử dụng hiệu quả công nghệ QR code, điện toán đám mây, tem điện tử và hệ thống phần mềm nhận diện, quản lý tất cả thông tin, dữ liệu liên quan; từng bước hoàn thiện hệ thống truy xuất sản phẩm rau trong tỉnh và kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Ngoài ra, áp dụng hệ thống quản lý đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo chuẩn HACCP, ISO trong tất cả cơ sở chế biến rau.

Nhóm giải pháp chính sách đối với thị trường trong nước, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn gắn với vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; đa dạng kênh phân phối, hình thành sàn giao dịch, chợ đầu mối; đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, triển lãm, quảng bá, xúc tiến thương mại. Và đối với thị trường xuất khẩu, tiếp tục giữ vững thị trường truyền thống, xúc tiến mở rộng thị trường mới; chủ động đàm phán tháo gỡ rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi mở rộng thị trường rau an toàn trên thế giới...