Phát triển không gian nông nghiệp trong định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội văn hiến-văn minh-hiện đại

Xu hướng phát triển không gian nông nghiệp Thủ đô thông qua môi trường đô thị với yếu tố nông nghiệp làm trọng tâm, đa mục tiêu, gia tăng các giá trị mới, góp phần phát triển đô thị bền vững. Trong đó, không gian nông nghiệp có chức năng quan trọng trong cung cấp lương thực, thực phẩm, giải quyết việc làm, tạo lập cảnh quan, cải thiện khí hậu, bảo vệ môi trường đô thị.

gat-dai-hung-1702091861.jpg

Nông dân áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa. Ảnh: Ánh Ngọc

Diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội hiện nay chiếm 58,76% diện tích tự nhiên của toàn thành phố, có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 2.167 sản phẩm OCOP (đứng đầu cả nước) được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên. Tăng trưởng trung bình của ngành nông nghiệp Hà Nội trong giai đoạn 2016-2020 đạt 2,53%; năm 2021-2022 đạt trên 3%.

Tuy nhiên, Hà Nội hiện chưa có đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xứng tầm với vị thế của một Thủ đô để phát triển nông nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng, nông nghiệp Thủ đô không chỉ tạo ra những sản phẩm tiêu dùng có chất lượng cao, chứa đựng văn hóa và tâm hồn của người Hà Nội mà còn là những sản phẩm tích hợp nhiều giá trị như cảnh quan, thẩm mỹ, giáo dục, bảo vệ môi trường, gắn kết con người với thiên nhiên...

Theo GS, TS Nguyễn Thị Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nông nghiệp của Hà Nội là nền nông nghiệp trong lòng Thủ đô nên cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo đột phá, tạo khác biệt so với nông nghiệp các tỉnh khác. Do vậy, cần xây dựng cơ chế đặc thù trong quy hoạch và quản lý không gian nông nghiệp Thủ đô và định hướng phát triển phù hợp với từng không gian phát triển Hà Nội như: Khu vực nội đô lịch sử; khu vực đô thị mở rộng; khu vực đô thị vệ tinh; khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm... 

Còn PGS, TS Trần Trọng Phương, Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nông nghiệp Thủ đô cần cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và linh hoạt trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất để bảo đảm nền nông nghiệp đa giá trị, đa mục tiêu, hiệu quả, giữ được chất lượng đất nông nghiệp. Cùng với đó là cơ chế đặc thù trong tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để phát triển sản xuất tập trung; tăng khả năng tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn của chủ đầu tư, người sử dụng đất. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy hoạch không gian phát triển nông nghiệp Thủ đô thống nhất với quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Không gian phát triển nông nghiệp Thủ đô cũng cần được xác định ổn định, hạn chế tối đa việc thu hồi đất nông nghiệp đã được quy hoạch chuyển sang mục đích phi nông nghiệp.

Để phát triển nền nông nghiệp Thủ đô hiện đại trên nền tảng giá trị văn hóa của người Hà Nội và nền văn minh nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng, phù hợp với xu thế hội nhập, kết nối toàn cầu và lan tỏa, theo các chuyên gia, việc quy hoạch các vùng nông nghiệp dựa trên chức năng kinh tế-sinh thái là rất cần thiết, bao gồm: Vùng nội đô lịch sử (phát triển nông nghiệp đô thị theo mô hình kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao, nông nghiệp tinh hoa, thông minh, tạo không gian xanh, cảnh quan môi trường sinh thái); Vùng đô thị mở rộng (diện tích trong vành đai 4 gồm 5 huyện đang thực hiện đề án phát triển lên quận và các huyện định hướng phát triển theo mô hình thành phố trong thành phố, phạm vi vùng ven thuộc các huyện tương lai chuyển đổi sang đô thị, mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm, an dưỡng); Vùng quy hoạch 5 đô thị vệ tinh và các vùng phụ cận (phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ, làng nghề, du lịch giáo dục, trải nghiệm); Vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm (gồm các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất... sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, kết hợp giữa nông nghiệp với công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học-công nghệ gắn với phát triển các chuỗi cung ứng nông sản trong vùng Đồng bằng sông Hồng)...

Ngoài ra, tùy theo từng vùng, từng giai đoạn mà các địa phương áp dụng linh hoạt, đa dạng các mô hình phát triển phù hợp. Mặt khác, cần phải xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô đến mọi người như: Cốm làng Vòng, đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, cam Canh, bưởi Diễn, chè sen Tây Hồ... Đặc biệt, cần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp độc đáo, kết hợp giữa tinh hoa văn hóa của Thủ đô với khoa học hiện đại, thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu của các đối tượng trên tất cả các khía cạnh.