Sẽ số hóa dữ liệu 100% lễ hội truyền thống của Việt Nam

Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 2139/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025”.

Theo Đề án, lễ hội là một loại hình di sản văn hoá phi vật thể tồn tại ở Việt Nam từ lâu đời, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là sinh hoạt văn hoá gắn bó mật thiết với đời sống của cộng đồng. Những năm gần đây, đất nước thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Trong xu thế này, các hoạt động văn hóa truyền thống, trong đó có lễ hội đã được phục hồi, phát huy góp phần bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Lễ hội đã góp phần sáng tạo những giá trị văn hóa mới làm giàu cho kho tàng văn hóa Việt Nam cần được bảo tồn vì lợi ích của toàn xã hội.

Thông qua các lễ hội, bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn và phát huy, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được đảm bảo, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, không khí dân chủ trong xã hội được tăng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

le-hoi-yen-tu-1627553812.jpg
Ảnh minh họa

Chính vì vậy, việc xây dựng đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 sẽ giúp cho việc quản lý, thống nhất chuyên môn hóa về nghiệp vụ lưu trữ trong lĩnh vực lễ hội.

Mục tiêu chung đặt ra của đề án là thu thập các thông tin cơ bản nhằm rà soát, đánh giá thực trạng lễ hội ở nước ta phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể của đề án nhằm số hóa 100% dữ liệu các loại hình lễ hội truyền thống. Những dữ liệu được số hóa đảm bảo chất lượng, sử dụng hiệu quả trong công tác quản lý và cập nhật bổ sung định kỳ các loại hình lễ hội truyền thống; hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quản lý các loại hình lễ hội truyền thống, đảm bảo sử dụng hiệu quả. Cùng với đó là việc đầu tư hoàn thiện trang thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và cổng thông tin về lễ hội truyền thống Việt Nam.

Đề án sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu các loại hình lễ hội tại Việt Nam bao gồm: Lễ hội truyền thống, Lễ hội văn hóa, Lễ hội ngành nghề và Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài.

Đề án được triển khai thực hiện trong thời gian 5 năm, được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I từ 2021 – 2022 sẽ tiến hành điều tra, thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam; đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin; số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội truyền thống; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam.

Giai đoạn II từ 2023 – 2025 sẽ tiến hành số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài; hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và cổng thông tin về lễ hội Việt Nam; đào tạo tập huấn khai thác sử dụng phần mềm; duy trì, vận hành.

Theo thống kê 2009, hiện cả nước Việt Nam có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 41 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Các địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương và Phú Thọ.

Việt Nam là một quốc gia đã có hàng nghìn năm lịch sử. Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có một nền văn hóa mang bản sắc riêng. Chính những nét đó làm nên cốt cách, hình hài và bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam, sinh hoạt lễ hội là vùng văn hóa rất đặc trưng. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì. Lễ hội ở Việt Nam bao giờ cũng hướng tới một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là nhân thần hay nhiên thần. Đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người. Giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui.