Sóc Trăng chung tay đồng lòng xây dựng Nông thôn Mới

Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và phong trào thi đua “Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể tính đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 64/80 xã đạt chuẩn Nông thôn Mới.

image00120221214100202-1696565643.jpg

Sóc Trăng chung sức xây dựng Nông thôn Mới. Ảnh: Khánh Hương

Với sự đoàn kết, trách nhiệm, tập trung của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, chung tay đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, đến nay toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 64/80 xã đạt chuẩn Nông thôn Mới, chiếm 80% tổng số xã.  Dự kiến, đến cuối năm 2023, tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn Nông thôn Mới (số tiêu chí Nông thôn Mới đạt bình quân là 18,53 tiêu chí/xã).

Đồng thời, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, không được trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ. Cần phải quán triệt, đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong triển khai thực hiện chương trình. Việc triển khai chương trình không chạy theo chỉ tiêu, thành tích, kết quả đạt được phải thực sự và bền vững. Đối với các địa phương tiêu chí đạt thấp, phải phân tích, đánh giá nguyên nhân, phấn đấu vươn lên. Để việc triển khai chương trình đạt kết quả tốt, phải quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu và đồng tình. Phải phát động chương trình như một phong trào “cách mạng”, thay đổi tư duy về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, thực hiện tốt các cơ chế phối hợp liên ngành trong xây dựng nông thôn mới và phối hợp giữa các chương trình mục tiêu quốc gia”.

Theo đánh giá của Ban Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn Mới tỉnh Sóc Trăng cho thấy trong ba năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư triển khai thực hiện xây dựng Nông thôn Mới tại tỉnh là trên 8.300 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn lồng ghép các chương trình, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, vốn huy động trong cộng đồng... Cụ thể theo báo cáo, trong 3 năm (2021 - 2023), Sóc Trăng đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 164 công trình giao thông, 20 cây cầu dài 496m với tổng kinh phí trên 350 tỉ đồng. Hiện toàn tỉnh có 96% đường xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 78% đường ấp và đường liên ấp được cứng hóa, 83% đường ngõ, xóm sạch, 64% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn nông thôn là 4,75%, hộ cận nghèo khu vực nông thôn là 7,43%. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên tiếp nhận và hỗ trợ xây dựng 4.846 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí 241,5 tỷ đồng.

ttxvn-nong-thon-moi-1696565643.jpg

Chương trình Nông thôn Mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)

Ngoài ra, ông Trần Văn Lâu cho rằng Chương trình Nông thôn Mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Đồng thời, xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn "sáng-xanh-sạch-đẹp-an toàn," giàu bản sắc văn hóa truyền thống.

Có thể nói, xây dựng Nông thôn Mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể tỉnh cần tiếp tục phát huy, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết và phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng Nông thôn Mới, đem lại sự chuyển biến tích cực, rõ nét ngay từng hộ gia đình, từng xóm ấp...

Bên cạnh tập trung hoàn thành mục tiêu đối với các đơn vị xã, huyện đã được xác định trong kế hoạch của tỉnh, các huyện, thị xã tập trung thực hiện tốt các giải pháp huy động nguồn lực để chỉ đạo hoàn thành các đơn vị theo mục tiêu, lộ trình của địa phương. Cần chú trọng triển khai các nội dung 6 chương trình chuyên đề theo phân công, kế hoạch của UBND tỉnh, nhất là triển khai hiệu quả 3 mô hình thí điểm thuộc các chương trình chuyên đề được Trung ương phê duyệt, hướng dẫn thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu chỉ đạo các địa phương đảm bảo nguồn vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đặc biệt quan tâm khai thác tối đa nguồn lực xã hội hóa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn; đẩy mạnh thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả; áp dụng chuyển đổi số, khoa học kỹ thuật tiên tiến đưa vùng nông thôn tiếp tục đổi mới để không ngừng nâng cao mức sống của người dân.