Tây Ninh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Dựa vào lợi thế nguồn nước dồi dào từ sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông cùng tài nguyên đất đai rộng lớn và việc áp dụng khoa học - công nghệ, từng bước nâng cao chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu, ngành nông nghiệp Tây Ninh đang thực hiện cơ cấu lại trên các lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi đến lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC)

dsc-0236-1704943332.jfif

Tây Ninh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh có bước tăng trưởng mạnh nhất kể từ sau đại dịch Covid-19, tổng giá trị sản phẩm (GRDP) của ngành năm 2023 đạt 21.725 tỷ đồng, chiếm 19,8% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, tốc độ tăng trưởng đạt 3% (vượt kế hoạch 0,9%), nhiều chỉ tiêu của ngành trong chỉ tiêu theo dõi kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch.

Đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt được áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất ngày càng rộng rãi, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng các nông sản trên địa bàn tỉnh, với diện tích cây ăn quả gần 24.000ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ, các loại cây trồng khác như lúa, mì, mía đều tăng so với cùng kỳ. Riêng diện tích đất lúa đang được chuyển đổi sang các loại cây hàng năm và cây lâu năm cho hiệu quả kinh tế cao hơn với tổng diện tích chuyển đổi trong năm 2023 là gần 1.500ha.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 587 trang trại chăn nuôi gia súc với 275.735 con và 109 trang trại chăn nuôi gia cầm với trên 7,7 triệu con, tỷ lệ chăn nuôi trang trại đạt 78%, tăng 8% so cùng kỳ, có 1 huyện là huyện Dương Minh Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với bệnh Newcsatle và cúm gia cầm; 65 cơ sở chăn nuôi gà, heo, bò được cấp giấy chứng nhận ATDB (46 cơ sở chăn nuôi gà, 17 cơ sở chăn nuôi heo, 2 cơ sở chăn nuôi bò).

Ngoài ra, có 6 xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận cơ sở ATDB đối với bệnh cúm gia cầm trên gà và 9 xã của huyện Bến Cầu được chứng nhận cơ sở ATDB đối với bệnh lở mồm long móng trên bò. Sở NN-PTNT đang hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký vùng ATDB huyện Bến Cầu đối với bệnh lở mồm long móng trên bò gửi Cục Thú y đánh giá và cấp giấy chứng nhận ATDB. Trên lĩnh vực chăn nuôi, trong năm qua, tỉnh đã thu hút được 17 dự án (7 dự án được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và 10 dự án cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) với tổng vốn đăng ký 1.018,59 tỷ đồng, trong đó có 16 dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh chia sẻ, năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Tỉnh tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư dự án sản xuất NNCNC trên các khu đất công để hình thành các vùng sản xuất NNCNC theo định hướng, góp phần gia tăng giá trị của ngành. Cùng đó là các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết vùng cũng sẽ là động lực để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trong năm 2024.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Tây Ninh thực hiện những giải pháp nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và mở rộng thị trường xuất khẩu. Cụ thể, đổi mới tư duy kinh tế nông nghiệp, với việc tập trung triển khai từ 1-2 dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng NNCNC theo đề án vùng sản xuất NNCNC tỉnh Tây Ninh và huyện Tân Châu, nhằm giúp từng bước phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, hướng tới đáp ứng yêu cầu xuất khẩu (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ).

Về trồng trọt, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, cùng đó là sắp xếp, cơ cấu cây trồng, vùng sản xuất phù hợp, đảm bảo lợi thế cạnh tranh về điều kiện thổ nhưỡng cho từng loại cây trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến nông sản. Đối với ngành chăn nuôi, ngành chức năng tiếp tục định hướng phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao, sử dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và xử lý chất thải nhằm tăng hiệu quả sản xuất, đảm bảo môi trường, phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững.

Đồng thời, về thị trường, tỉnh bước đầu có thêm các thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, liên minh châu Âu với 15 mã số vùng trồng trái cây với diện tích hơn 552ha được cấp mã số xuất khẩu sang các thị trường này. Cùng với đó là 16 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 520ha đang chờ phản hồi phê duyệt mã số của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). Trong năm 2023, tỉnh có 25 cơ sở trồng trọt đăng ký áp dụng VietGAP trên địa bàn với diện tích 77,6ha và có 652,71ha đang áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP; 23,6ha áp dụng quy trình sản xuất GlobalGAP và 4ha đang sản xuất hữu cơ.