Vừa qua, trong chuyến công tác của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT nước ta ngay sau khi những thỏa thuận giữa 2 nước Việt Nam-Trung Quốc được ký kết trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm 2023 đã mang lại nhiều kết quả rất tích cực. Đồng thời qua đó, tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy thương mại nông sản giữa 2 nước, mở đường cho nhiều loại nông sản như bơ, chanh dây, gia cầm của nước ta được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân ngay bên kia biên giới.
Cụ thể, 5 tỉnh Lâm Đồng, Đak Lak, Đak Nông, Gia Lai và Kon Tum hiện có gần 8.000 ha bơ, trong đó có hàng ngàn héc ta chuyên canh và đang tiếp tục được các địa phương mở rộng. Bám rễ trên vùng đất bazan từ hàng trăm năm nay, cây bơ đã thành cây bản địa, dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc chỉ bằng 1/3 so với các loại cây lâu năm khác. Với kinh nghiệm cùng sự năng động trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, giờ đây, nông dân Tây Nguyên đã trồng được nhiều loại bơ đặc sản cho quả quanh năm, chất lượng vượt trội như bơ sáp, bơ Cuba, bơ Booth, bơ Hass…
Nhìn lại năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc đạt 12,2 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2022. Với kết quả này, Trung Quốc chính thức vượt qua Mỹ để trở thành khách hàng lớn nhất nhập khẩu nông sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, với thị trường thế giới, Trung Quốc và Thái Lan là 2 đối thủ lớn của nông sản Việt Nam nhưng không trồng được bơ. Vì vậy, bơ Việt Nam có lợi thế lớn. Với năng suất bình quân 10-15 tấn/ha và giá cả ổn định như nhiều năm qua, mỗi héc ta bơ cho thu nhập 300-500 triệu đồng/năm, cá biệt năng suất có thể đạt 25-30 tấn/ha. Người trồng bơ chẳng những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà có thể mở rộng diện tích đáp ứng các yêu cầu về sản lượng, độ an toàn và chất lượng sản phẩm dành cho xuất khẩu.
Bên cạnh bơ, chanh dây cũng là loại trái cây thế mạnh của Tây Nguyên. Diện tích chanh dây cả nước hiện đã lên đến hơn 9.500 ha, năng suất bình quân đạt 19-22 tấn/ha, sản lượng mỗi năm từ 180.000 đến 210.000 tấn. Trong đó, Gia Lai là địa phương đứng đầu về diện tích với gần 4.500 ha giống thuần, năng suất bình quân khoảng 36,2 tấn/ha, sản lượng gần 110.000 tấn/năm. Dự kiến đến năm 2025, Gia Lai sẽ mở rộng diện tích chanh dây lên 20.000 ha.
Vì vậy, việc Trung Quốc chấp nhận cho quả bơ và chanh dây Việt Nam được xuất khẩu vào nước này là một tin vui với hàng vạn nông dân cả nước nói chung và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng. Bởi ngoài tiêu thụ trong nước, xuất khẩu sang thị trường châu Âu thì một khi được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc với cự ly gần, dân số đông, những loại trái cây này sẽ có đầu ra ổn định hơn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng vạn hộ nông dân.
Ngoài ra, các doanh nghiệp 2 nước cũng đã thỏa thuận xây dựng chuỗi logistics để trái cây của Việt Nam thông qua chợ đầu mối ở Quảng Đông có thể tiến sâu vào thị trường Trung Quốc. Trung tâm Nông sản ở Thâm Quyến còn dành riêng một gian hàng lớn cho sản phẩm OCOP Việt Nam trưng bày. Mục đích nhằm tăng cường hợp tác để đưa sản phẩm OCOP của Việt Nam vào trung tâm này.
Như vậy là sau sầu riêng thì bơ, chanh dây cũng hy vọng trở thành loài cây tỷ đô của Việt Nam. Đảm nhận trọng trách này không ai khác chính là hàng vạn nông dân các tỉnh Tây Nguyên.
Bộ Nông nghiệp và PTNT kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trong năm nay sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa khi cơ quan chức năng ở khu vực biên giới 2 nước đã thống nhất tổ chức các cuộc họp giao ban thường xuyên để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xuất-nhập khẩu.
Tuy nhiên, mọi cuộc chơi đều có luật lệ riêng. Trái cây của ta cũng phải cạnh tranh mạnh với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Philippines, Indonesia… khi vào Trung Quốc. Vì vậy, muốn đứng vững ở thị trường này, người dân và doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ các quy chuẩn về chất lượng, mẫu mã, an toàn thực phẩm... Cùng với đó, cần sớm hoàn thiện chuỗi logistics 2 chiều để có thể hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh tốt hơn về giá tại thị trường 1,4 tỷ dân này.