Tiền Giang: Khi vùng quê chuyển mình “đất lành chim đậu”!

Nếu như nhiều năm trước đây, huyện Gò Công Đông được xem là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là bị xâm ngập mặn từ khu vực biển tràn vào.

Huyện Gò Công Đông là huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang, nằm giữa hai cửa sông: Cửa Soài Rạp và Cửa Tiểu, một mặt giáp biển Đông có bờ biển dài 28,2km từ cống Đôi Ma (thị trấn Vàm Láng) đến cống Rạch Gốc (xã Tân Thành), đi qua các xã Tân Thành, Tân Điền, Kiểng Phước và thị trấn Vàm Láng.

Đi lên từ khó khăn

66-1678190655.jpg
Cổng chào trung tâm huyện Gò Công Đông.

Ngày nay, có dịp trở lại huyện Gò Công Đông, PV đã ghi nhận được sự phát triển vượt bực của huyện Gò Công Đông nói riêng, khu vực Gò Công nói chung. Những con đường làng đổ nhựa, bê tông thẳng tấp, nối liền từ xã này đến xã khác, từ huyện Gò Công Đông đến cầu Mỹ Lợi, đến thị xã Gò Công, hoặc xa hơn là đến huyện Cần Giờ.

8-1678190619.jpg
Huyện Gò Công Đông sẽ có trung tâm thương mại, siêu thị Tân Tây ở giai đoạn 2024- 2025. (Ảnh minh họa).

Dự án ngọt hóa Gò Công- bấy giờ là một trong những dự án thủy lợi đồ sộ và hiệu quả nhất Nam bộ, có thể xem là “cuộc cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp được triển khai trên địa bàn tỉnh ngay sau ngày 30/4 lịch sử, với sự huy động hàng trăm ngàn ngày công “lao động xã hội chủ nghĩa” của người dân tại chỗ. Diện tích tự nhiên khu vực dự án là 54.000 ha (37.400 ha đất canh tác), bao gồm các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và một phần huyện Chợ Gạo… Chính quyền và người dân địa phương đã quyết tâm cùng nhau vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống mới.

Bên cạnh việc phát huy tiềm năng, thế mạnh ở địa phương là Nông- Lâm- Ngư nghiệp chiếm hơn 60%, huyện Gò Công Đông thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang về việc tập trung phát triển kinh tế biển, giới thiệu các sản phẩm du lịch tham quan sinh hoạt cộng đồng, du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng biển, tham quan nghiên cứu lịch sử- văn hóa lễ hội, du lịch vui chơi, giải trí cuối tuần với điểm đặc trưng là du lịch sinh thái biển gắn tham quan nghiên cứu di tích lịch sử- văn hóa. Trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử- văn hóa, mở rộng Đền thờ Trương Định, kết nối các tour, tuyến điểm du lịch với các di tích lịch sử- văn hóa- làng nghề tủ thờ Gò Công, đặc sản mắm tôm chà Gò Công, di tích Đền thờ Trương Định, vườn sơ ri, biển Tân Thành,..

89-1678190590.jpg
Ông Lê Văn Sơn- Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông.

Một lần tiếp xúc cùng PV, ông Lê Văn Sơn- Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết rất đỗi vui mừng khi địa phương nhận được sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của Trung ương và tỉnh nhà để huyện Gò Công Đông phát triển một cách bền vững, hướng đến cuộc sống xã hội hiện đại, văn minh, tiến bộ. Xây dựng huyện Gò Công Đông đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn năm 2024- 2025, rồi đạt chuẩn huyện kiểu mẫu,…

Trở thành vùng “đất lành chim đậu”

Có thể thấy, huyện Gò Công Đông đã có nhiều bứt phá mang tính “đột biến”, xây dựng và kêu gọi đầu tư Khu công nghiệp Soài Rạp và 2 Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 và Gia Thuận 2,… Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị như: Siêu thị Tân Tây, Trung tâm mua sắm Tân Hòa, Khu thương mại- dịch vụ tổng hợp, Trung tâm Logistics huyện Gò Công Đông; các dự án đầu tư Tổng kho dầu khí…

ty-1678190522.jpg
Hàng ngàn người dân vui chơi, thả diều ở cánh Đồng Diều- biển Rạch Bùn.

Chiều ngày 5/3/2023, hàng ngàn người dân đã đến vui chơi ở cánh Đồng Diều tại vùng biển Rạch Bùn, thả diều ở khu du lịch biển Tân Thành, đầy ắp tiếng cười, nô đùa của cả trẻ em và người lớn.

Bác Nguyễn Hùng Minh, 68 tuổi, ngụ ở xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông) dẫn con cháu đến thả diều tại khu du lịch biển Tân Thành, vui mừng nói: “Ở cái tuổi gần đất xa trời này, tôi thật hạnh phúc khi thấy con cháu mình được học tập, vui chơi đầy đủ hơn trước nhiều. Lần này có dịp đi thả diều với con cháu mà tôi đã cảm nhận được sự phát triển vượt bậc của địa phương, đâu đâu cũng có tiếng người cười nói, đúng là “đất lành chim đậu”, thật mừng vui biết bao…”.

Một lãnh đạo UBND huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Huyện Gò Công Đông đã hoàn thành việc nâng cấp đường cặp đê láng biển ấp Cầu Muống, xã Tân Thành; cải tạo cơ sở vật chất phục vụ du lịch như: Xây dựng 158m kè đê biển thuộc Khu du lịch biển Tân Thành, hoàn thành trên 1.300m kè chắn sóng, đang xây dựng hệ thống đê biển và kè chắn sóng từ Khu du lịch biển Tân Thành đến giáp xã Tân Điền khoảng 2.200m…”

ue-1678190488.jpg
Khu du lịch biển Tân Thành hiện là điểm hẹn cuối tuần, ngày nghỉ của nhiều gia đình trong và ngoài địa phương.

 

 

Kết

Được biết, công tác bảo tồn, phát triển, bảo đảm vệ sinh khu du lịch sinh thái biển luôn được các cấp chính quyền, ban ngành và nhân dân địa phương chú trọng vì kinh tế biển đã được xác định là nguồn kinh tế mũi nhọn ở nhiều địa bàn thuộc huyện Gò Công Đông. Bên cạnh đó, sắp tới đây chính quyền sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ kinh doanh và du khách khi đến tham quan, vui chơi ở khu du lịch thái biển nâng cao nhận thức đối với rác thải ở khu du lịch sinh thái biển Tân Thành.