Chủ trì buổi tọa đàm gồm nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và tác giả Nguyễn Linh Khiếu.
Trong phát biểu đề dẫn, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết, Nguyễn Linh Khiếu, từng được trao Giải thưởng Thơ của Báo Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ quân đội. Trong một thập niên qua, tác giả Nguyễn Linh Khiếu đã có một số phát hiện, đóng góp đáng ghi nhận về mặt thi pháp học của thơ đương đại.
“Tác phẩm của Nguyễn Linh Khiếu thường là những văn bản tích hợp, trong đó có cả thơ, văn xuôi và triết học. Cách xử lý kết cấu hiện đại, tiếp cận vấn đề và sự kiện mang tính phức hợp cùng với tư tưởng thẩm mỹ phi truyền thống của tác giả là nhất quán, xuyên suốt; từ các trường ca Phồn sinh, Hoa Linh thảo... và bây giờ là trong hai tập tùy văn Chân Mây và Hoa Khởi trinh”, ông Nguyễn Việt Chiến nhìn nhận.
Với tư cách là một người làm công tác nghiên cứu chuyên sâu về văn học, một giảng viên, PGS.TS. Văn Giá cho rằng, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu là người thích nghĩ ra những cái khác, độc để thực hành trong cái viết. “Ông thích “sáng chế”. Nếu không sáng chế mới hoàn toàn thì cũng là của độc. Ông gọi thứ mà người ta lâu nay gọi là tản/tạp văn bằng hai chữ: Tùy văn và nghĩ ra tên các loài hoa: Khởi trinh, Linh thảo. Ông gọi sự sống bằng các từ: Phồn sinh, khởi sinh, thời không... Ông có những chữ vu vơ: Chùm mơ, sa hồng...”.
PGS.TS. Văn Giá cho rằng văn hay thơ Nguyễn Linh Khiếu rất khác biệt. “Ông rất có ý thức làm việc theo kế hoạch, có chiến lược hẳn hoi. Mỗi quyển sách của ông cấu trúc gọn vào một theo đuổi, một ý tưởng xuyên suốt. Nguyễn Linh Khiếu còn nhiều nội lực. Và ông cũng là một tay tương đối quái trong thực hành viết và trong cái viết. Với con người này, người ta vẫn còn được chờ đợi những cái bất ngờ nữa..”.
Điều hành tọa đàm, nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng, thơ Nguyễn Linh Khiếu trong những năm vừa qua đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu với nhiều hướng tiếp cận khác nhau như: tiếp cận theo góc nhìn triết học, tiếp cận theo góc nhìn văn hóa học, tiếp cận theo góc nhìn phân tâm học, tiếp cận theo góc nhìn thể loại, tiếp cận theo góc nhìn báo chí truyền thông…
Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã tạo nên không khí cởi mở tại tọa đàm, khi hướng các tham luận làm rõ, tùy văn là gì và sự khác biệt, phong cách Nguyễn Linh Khiếu.
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai, trong tham luận của mình đã làm rõ một cách cụ thể, thuyết phục nhận định bạn đọc thú vị với lối viết không biểu cảm, khách quan, vô tư, không tỏ thái độ, quan điểm, cứ để tùy người đọc tự cảm nhận, tự suy ngẫm, tự phán xét trong tùy văn Nguyễn Linh Khiếu. Chị đã tập trung vào tập tùy văn “Hoa khởi trinh” để phân tích những điều thú vị ấy...
Nhà thơ Ngô Đức Hành cho rằng, ở “Chân Mây" và “Hoa khởi trinh’, dễ nhận ra những ẩn dụ giàu chất thơ, lấp lánh minh triết trữ tình của một nhà thơ xuất thân từ môi trường nghiên cứu triết học. Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu luôn nhận ra sự vận động, phồn sinh trong các chiều cảm xúc, dẫu là thơ hay văn xuôi.
Các tham luận của nhà thơ Trần Nhương, TS. Đỗ Anh Vũ đã tiếp cận thêm các góc độ, gợi mở các tiếp cận giúp độc giả hiểu hơn tùy văn Nguyễn Linh Khiếu.