Việc tuyển phi tần thời xưa gắt gao thế nào mà được ví là khó hơn thi hoa hậu?

Việc tuyển chọn phi tần trong các triều đại phong kiến Trung Quốc xưa cực gắt gao, còn hơn cả các cuộc thi hoa hậu bây giờ.

Theo ghi chép lịch sử, tất cả các phi tần vào cung đều trải qua sự kiểm tra nghiêm ngặt. Trước hết, hàng ngàn người đẹp đến từ những nơi cách xa ngàn dặm, tụ tập ở kinh đô cho kỳ thi tuyển. Một số người sẽ bị loại ngay từ vòng sơ tuyển, số còn lại được xếp thành nhóm một trăm người theo độ tuổi.

Các hoạn quan sẽ gánh trên vai trách nhiệm nặng nề trong cuộc thi tuyển này. Trước tiên, họ nhìn từ xa tới gần, loại ra những người quá cao, quá thấp, quá béo, quá gầy. Những người còn lại được phân nhóm theo độ tuổi và bước vào lần "thử thách đầu tiên". Thái giám sẽ soi các cô gái bằng con mắt phán xét, quan sát ngoại hình, lắng nghe giọng nói, nhìn tóc, tai, trán, lông mày, mắt, mũi, miệng, hàm, vai, lưng, chân, bàn chân... càng lâu càng tốt. Điều gì khiến họ không vừa mắt, vừa tai thì "trả hàng" ngay tại chỗ.

tuyen-tu-thoi-phong-kien-1-1694147757.jpg
Các cô gái tham gia tuyển tú cho hoàng đế thời phong kiến phải trải qua những bài kiểm tra gắt gao hơn cả thi hoa hậu bây giờ. Ảnh minh họa: Internet

Trong lần "thử thách thứ hai", thái giám sẽ lấy thước đo tay, eo, chân, bàn chân của cô gái rồi ra lệnh cho cô di chuyển. Bất cứ ai có kích thước không đạt yêu cầu, các bộ phận không khớp nhau, có thái độ và cách cư xử kém đều sẽ bị đuổi về quê.

"Thử thách thứ 3" do các nữ quan và cung nữ lớn tuổi giám sát. Từng người sẽ bước vào một căn phòng bí mật, không mặc đồ. Họ sẽ bị nữ quan khám ngực, ngửi mùi, kiểm tra làn da... Những người vượt qua bài kiểm tra này sẽ được đào tạo khoảng một tháng.

Trong quá trình này, họ sẽ làm quen với các quy tắc trong cung và học tập những quy tắc lễ nghi. Những nữ quan phụ trách huấn luyện sẽ kiểm tra trí thông minh, tính cách và phong cách của họ. Sau hàng ngàn lần thử thách, sàng lọc, cuối cùng sẽ chỉ có vài chục "tinh hoa" trúng tuyển.

tuyen-tu-thoi-phong-kien-2-1694147757.jpg
Họ bị soi cả hình thể lẫn tác phong, mùi cơ thể, ngủ không được ngáy, mộng du, nói mơ... Ảnh minh họa: Internet

Ở phần thử thách cuối cùng, thái hậu hoặc đôi khi là chính hoàng đế sẽ là người ra thử thách. Những cô gái sẽ trả lời các câu hỏi về tên tuổi, địa vị gia đình và học vấn. Những "giám khảo" đặc biệt xem xét hình dáng, phân biệt giọng nói rồi chọn ra những người xuất sắc nhất để làm hoàng hậu, phi tần. Phần còn lại được trao cho các hoàng tử, vương tôn hoặc để lại trong cung làm "nữ quan". 

Vào thời Gia Tĩnh nhà Minh, khi chọn hoàng hậu, Bộ Lễ phụ trách việc tuyển chọn sơ cấp, Chương Thái hậu là người ra quyết định cuối cùng. Bà đã nghe lời một vị khâm thiên giám để tuyển chọn vợ cho con trai mình.

Chương Thái hậu ngồi sau một tấm rèm màu xanh lá cây. Phía trước, những cô gái trẻ được chia thành nhóm 3 người. Cô gái được chọn sẽ nhận một chiếc vòng tay bằng vàng đỏ và ngọc bích. Cô gái bị loại sẽ nhận vài đồng bạc rồi ra về.

tuyen-tu-thoi-phong-kien-3-1694147757.jpg
Có thời điểm hàng nghìn cô gái tham gia tuyển chọn nhưng chỉ lọc lấy vài chục người. Ảnh minh họa: Internet

Sang đến thời nhà Thanh, số lượng các cô gái tham gia tuyển tú sẽ bị giới hạn trong các gia đình Bát Kỳ, chủ yếu là người Mãn Châu và Mông Cổ. Cứ 3 năm một lần, tuyển tú sẽ diễn ra và do Bộ Hộ phối hợp Nội vụ phủ gửi thông báo tuyển tú trên cả nước. 

Những cô gái được chọn sẽ đến Thần Vũ Môn vào một ngày định sẵn. Ngoại trừ hoàng hậu phải xuất thân cao quý, những phi tần còn lại có thể là thường dân. Những ứng viên được kiểm tra kỹ về ngoại hình, mùi cơ thể, ứng xử sau đó sẽ được các "ma ma" đào tạo về cách nói năng, cử chỉ, đi lại, quy tắc trong cung. 

Sau khi vượt qua khóa huấn luyện này, các cô gái sẽ có vài ngày hầu hạ thái hậu, xem như phép thử cuối cùng trước khi được chọn nhập cung.

Vào thời nhà Thanh, cung Khôn Ninh không còn là nơi ở của hoàng hậu như thời Minh trước đó mà chỉ là nơi diễn ra lễ thành thân của đế hậu. Giống như những gia đình bình thường, hôn lễ trong cung bắt buộc phải có 6 nghi lễ là nạp tài, vấn danh, nạp cát, nạp chưng, lễ thỉnh kỳ và lễ thân nghinh.