Theo thông tin từ trang chủ Liên đoàn bóng chuyền Châu Á (AVC), những người đứng đầu FIVB khu vực Châu Á & Thái Bình Dương đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan - bà Sudawan Wangsuphakijkosol về quan điểm của đất nước này trong nỗ lực đăng cai tổ chức Giải vô địch bóng chuyền nữ thế giới FIVB lần thứ 20 vào năm 2025.
Buổi làm việc được tổ chức tại Văn phòng Bộ Du lịch và Thể thao. Một số lãnh đạo cấp cao của AVC như Phó Chủ tịch danh dự kiêm Giám đốc điều hành Liên đoàn bóng chuyền châu Á - ông Shanrit Wongprasert, Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền châu Á - ông Kiattipong Radchatagriengkai và Tổng thư ký Hiệp hội bóng chuyền Thái Lan (TVA) - ông Nattapong Kesapan cũng tham gia cuộc họp đa phương.
Đối tác tin cậy của FIVB là Volleyball World gần đây đã công bố triển khai quy trình đấu thầu thành phố đăng cai cho hai phiên bản tiếp theo của Giải vô địch bóng chuyền nữ thế giới FIVB và Giải vô địch bóng chuyền nam thế giới FIVB vào năm 2025 và 2027.
Chủ tịch TVA, ông Somporn trước đó đã tiết lộ hiệp hội đã đề xuất đăng cai tổ chức Giải vô địch thế giới nữ FIVB năm 2025 để đáp lại tình yêu của người hâm mộ xứ Chùa vàng dành cho bóng chuyền.
TVA cũng đã lên kế hoạch đàm phán với các nước Đông Nam Á khác bao gồm Philippines, Indonesia và Việt Nam để cùng đấu thầu đăng cai giải bóng chuyền danh giá này.
Ngoài việc thảo luận về nỗ lực của Thái Lan, cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao, FIVB và đơn vị đối tác Volleyball World nhằm mục đích tìm kiếm sự hỗ trợ cũng như đánh giá tiềm năng và cơ hội của Thái Lan để đạt được lợi ích khi đăng cai Giải vô địch thế giới.
Quan trọng hơn, người ta kỳ vọng rằng việc tổ chức sự kiện tầm cỡ thế giới có thể chuyển hóa nguồn lợi này sang các quỹ ủy thác quốc tế trong nước về thể thao.
Bắt đầu từ năm 2025, Giải bóng chuyền vô địch thế giới được mở rộng từ 24 đội lên thành 32 đội. Bên cạnh đó, giải đấu sẽ tổ chức 2 năm một lần thay vì 4 năm một lần.
Với số lượng đội tuyển tham dự tăng đột biến, Thái Lan không thể tự đăng cai giải bóng chuyền danh giá nhất thế giới. Do đó, việc lựa chọn các quốc gia trong khu vực đứng ra cùng tổ chức giải đấu có thể chia sẻ những rủi ro và lợi ích liên quan, tăng cường quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia đồng chủ nhà và thúc đẩy nền thể thao ở khu vực Đông Nam Á.
Việc có nhiều hơn một quốc gia đăng cai giải vô địch thế giới hoàn toàn khả thi đối với Đông Nam Á. Khu vực này là một trong những thị trường bóng chuyền lớn nhất và phát triển nhanh nhất ở châu Á, do sự phổ biến ngày càng tăng của môn thể thao này ở các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia hay Phillipines.
Sự tăng trưởng của thị trường bóng chuyền được hỗ trợ bởi các giải đấu bóng chuyền trong nhà và bãi biển ngày càng được chú trọng về quy mô tổ chức lẫn chất lượng chuyên môn.
Bên cạnh đó, các nước Đông Nam Á và Thái Lan nói riêng từng có kinh nghiệm tổ chức một số sự kiện bóng chuyền lớn bao gồm Volleyball Nations League, Giải vô địch thế giới các nhóm tuổi FIVB và Giải vô địch bóng chuyền châu Á.