Xã hội lạnh theo chuyện mái ấm

Các cô bảo mẫu, những người chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật, và chủ các cơ sở nuôi giữ hay mái ấm tư nhân, phần lớn đều là phụ nữ. Có bao giờ họ nghĩ đến con cháu mình khi ra tay độc ác và dã man như vậy?
z5800506898551-2620b59115adf20fa7f225e5a6901b66-1725534152.jpg
Mái ấm nơi diễn ra sự việc đau lòng. Ảnh: Internet

Chỉ trong 2 ngày sau kỳ nghỉ lễ vui vẻ, xã hội bỗng lạnh đến tê tái vì câu chuyện mái ấm. Quả thật, đó là một câu chuyện chấn động. Ngồi cùng tôi, một chị trong Hội Bảo vệ trẻ em TP HCM đã thẫn thờ bảo mình rớt nước mắt và vô cùng căm phẫn với hành vi vừa bị phanh phui. Với chị, hơn 30 năm miệt mài làm các công tác liên quan đến trẻ em của thành phố này thì đó là tội ác. Ngay trong sáng đó, Hội Bảo vệ trẻ em đã phối hợp Hội Phụ nữ, Sở LĐTBXH và nhiều ban, ngành để quyết liệt xử lý giải cứu các con đưa ngay vào các trung tâm của Nhà nước.

Mái ấm Tư nhân Hoa Hồng ngụ tại quận 12, được nhắc đến trong loạt phóng sự của một tờ báo quả thật đã lợi dụng những đứa trẻ đáng thương mồ côi để trục lợi từ lòng thương của rất nhiều mạnh thường quân. Tuy sống bám víu vào chính những vật phẩm, tài chính được quyên góp nhưng họ lại ác độc hành hạ “nguồn sống” của mình. Với các đứa trẻ đã sớm chịu thiệt thòi khi chào đời, những tưởng “mái ấm” sẽ là nơi các con được bù đắp, vun bồi cho sự sống nở ra những tháng ngày bình an. Nhưng không phải vậy, tất cả chỉ là giả dối khi các con vẫn chỉ ăn cơm trắng hằng ngày, họa hoằn lắm có thêm xì dầu. Tiền tài trợ đi đâu khi mà các con không được đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn? Sữa tặng đi đâu khi mà các con phải bú lại những loại sữa cận hạn sử dụng, hết hạn và thậm chí pha tạp nham nhiều loại với nhau?

Kỳ 4 của loạt phóng sự đã chỉ ra sự khuất tất này bằng việc sữa được tuồn ra ngoài hằng đêm đến các điểm thu mua để quy đổi thành tiền. Khắp nơi trong mái ấm luôn để các thùng từ thiện quyên góp tiền và dán tài khoản cá nhân của chủ mái ấm. Điều tráo trở nữa là trang Fanpage của mái ấm với hơn 74 ngàn người theo dõi cùng kênh Youtube với 22 ngàn người đăng ký kênh luôn đưa các trường hợp trẻ em ra để kêu gọi, luôn sử dụng hình ảnh chăm sóc đầy yêu thương để quảng bá. Nhưng, bao nhiêu mạnh thường quân biết rằng sữa, tã mới cho ban ngày, ban đêm đã được chở đi bán lại. Các hoạt động đều kín đáo đến hàng xóm quanh đó không ai biết gì. Một vòng tròn khép kín mà chỉ khi loạt phóng sự được đăng tải khiến lòng người vỡ vụn.

Ngay sau câu chuyện bạo hành trẻ mồ côi ngày 4/9 thì mới sáng 5/9 một vụ bạo hành trẻ em khuyết tật  diễn ra ở một cơ sở giữ trẻ tư nhân không phép khiến đứa trẻ 5 tuổi đã vĩnh viễn ra đi trong sự tức tưởi. Cơ sở giữ trẻ tồn tại ở TP Leiku, Gia Lai không phép nhưng vẫn hoạt động ngang nhiên trước chính quyền sở tại. Khi hành vi tội ác diễn ra gây hậu quả nặng nề thì các trẻ khuyết tật mới tạm được chia ra, đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và Làng SOS tỉnh Gia Lai. Kẻ thủ ác đã được bắt và chờ xử lý.

Cũng trước đó, ngày 4/9, TAND TPHCM đã tuyên án chung thân một bảo mẫu hành hạ trẻ em 6 tháng tuổi dẫn đến tử vong. Khi đứa trẻ khóc quấy, cô bảo mẫu đã thản nhiên đánh lên đỉnh đầu của đứa bé ấy mà không hề suy nghĩ đến sự yêu thương với trẻ em.

z5800507260512-bcf3a2a4c464e2e9d0cd78a2bc6e5bfe-1725534152.jpg
Sự việc bạo hành khiến mọi người bàng hoàng. Ảnh: Internet

Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, câu chuyện bạo hành trẻ em khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng. Các cô bảo mẫu, những người chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật, và chủ các cơ sở nuôi giữ hay mái ấm tư nhân đều là phụ nữ. Thiết nghĩ có bao giờ họ nghĩ đến con cháu mình khi ra tay độc ác và dã man như vậy? Chính sự lạnh lùng trong môi trường đáng ra phải ấm áp tình yêu thương đã khiến cho cả xã hội phải lạnh toát cả mồ hôi và nhìn nhận lại câu chuyện lòng tốt trong xã hội này, đặt để đúng nơi cũng là một điều khó.

Mái ấm tư nhân mọc lên nhan nhản khắp các tỉnh thành, sự hoạt động ban đầu xuất phát từ lòng thương dành cho những sinh linh bé nhỏ hiện diện trong cuộc đời đã sớm chịu cảnh mồ côi. Nhưng, có lẽ cần hỏi lại bao nhiêu mái ấm tư nhân thật sự “ấm”, và bao nhiêu mái ấm mà bên trong lòng nó chứa đựng một sự “lạnh” đến tê lòng như này.

Ngay trong chiều 4/9, giữa cơn mưa to, người dân vẫn bu đông đen cứng trước mái ấm để xem cơ quan chức năng dẫn giải tạm giam những người đã gây ra tội ác với trẻ em của mái ấm giả danh trục lợi từ lòng thiện. Từ câu chuyện này cũng cho thấy, việc lợi dụng lòng thương của người Việt quá dễ dàng chính là yếu tố giúp kẻ ác tạo dựng một vỏ bọc mang hai chữ “từ thiện” để trục lợi. Khi xã hội phát triển, rất nhiều câu chuyện kêu gọi lan nhanh trên các diễn đàn mạng, các kênh truyền thông không chính thống, các trang mạng các nhân khiến tâm lý người tốt dễ bị xao động lẫn tác động và không kiểm chứng cụ thể nên dễ sa vào bẫy “từ thiện” của bọn xấu đã giăng sẵn. Từ đó chính chúng ta đã tiếp tay cho kẻ ác duy trì hành động xấu xa qua năm tháng. Đôi khi, làm người tốt cũng cần bình tĩnh, chậm lại và có sự tìm hiểu kĩ càng để không tiếc nuối khi “đem muối bỏ biển”./.