Xét xử vụ án “xúc phạm nhân phẩm, danh dự”: Xử lý ra sao khi bị đơn vắng mặt?

Trong vụ án dân sự, Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà bị đơn vẫn không đến, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa tiến hành xét xử vắng mặt họ.

Công nghệ phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội được người dân ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, sử dụng. Bên cạnh những hiệu ứng tích cực, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro với người dùng, là phương tiện thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật…

 

facebook-mang-xa-hoi-1710163043.jpg
 

Theo kết quả khảo sát năm 2023 của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal (Singapore), trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và Youtube nhiều nhất thế giới thì Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6, 7 và 9. Xét về mặt tích cực, mạng xã hội là kênh giúp lan truyền, phổ biến rộng rãi các thông tin có ích về đời sống- xã hội, Tuy nhiên vẫn có một số ít đối tượng sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như: xúc phạm nhân phẩm, danh dự, vu khống, làm nhục người khác…

Đã có không ít trường hợp nạn nhân phải “cầu cứu” đến cơ quan chức năng, tòa án,… để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân trong cuộc sống, cũng như qua mạng xã hội. Tuy vậy, cũng có không ít đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, cơ quan chức năng hoặc tòa án đã gửi giấy mời, giấy triệu tập đến làm việc, giải quyết vụ việc,… nhưng vẫn không xuất hiện, cho rằng xóa bỏ các bài viết xúc phạm, vu khống, … đã đăng trên trang cá nhân của mình là xem như đã giải quyết xong (!?).

xuc-pham-nhan-pham-xu-ly-sao-2-1710162996.jpg

Anh Nguyễn Thanh Hùng và người thân trong gia đình đến lập vi bằng tại Văn phòng Thừa phát lại Quận 6, TP.HCM.

 

Anh Nguyễn Thanh Hùng, ngụ ở khu phố 1 phường 3, thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang), cho biết: “Bản thân vợ tôi và gia đình cũng phải trải qua biết bao lời dị nghị, đàm tiếu khi bị facebook của “Y.N”, được xem là người trong gia đình, tung hô trên mạng xã hội những điều không có thật hoặc chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Tôi và gia đình phải đi Sài Gòn lập vi bằng để làm chứng cứ gửi đến cơ quan chức năng. Hiện nay gia đình tôi vẫn trông chờ vào sự giải quyết của cơ quan chức năng địa phương…”.

Đối với trường hợp đối tượng không đến theo Giấy mời, Giấy triệu tập, pháp luật có quy định xử lý tùy theo mức độ vi phạm.

Trong thủ tục tố tụng hình sự, Giấy triệu tập là một trong những giấy tờ mang tính chất bắt buộc người bị triệu tập phải có mặt tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để lấy lời khai, xác minh thêm thông tin liên quan đến vụ việc cụ thể, nếu không đến sẽ bị dẫn giải, áp giải,… được quy định tại Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Riêng đối với Giấy triệu tập của Tòa án trong vụ án dân sự, bị đơn được “mời” lần thứ hai mà vẫn không đến, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa tiến hành xét xử vắng mặt họ. Điều này, đồng nghĩa với việc bị đơn không có cơ hội trình bày quan điểm, chính kiến … để bảo vệ quyền lợi của mình.

Người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư, sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình… (theo Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP) hoặc bị xử lý hình sự về “Tội làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017).

xuc-pham-nhan-pham-xu-ly-sao-3-1710162954.jpg

Trích Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…