Xử lý nghiêm người tung tin giả "bác sĩ rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ sắp sinh" gây hoang mang dư luận...?

Hội nhập Online| Liên quan tới vụ việc một bác sĩ rút ống thở của người nhà để nhường máy thở cho mẹ con sản phụ lan truyền trên mạng xã hội, sau khi kiểm tra, Sở Y tế TP.HCM khẳng định thông tin lan truyền này là hư cấu. Cơ quan này đang xác minh để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Sau khi kiểm tra vụ việc, trưa 8/8, Sở Y tế TPHCM cho biết, thông tin một bác sĩ rút ống thở của người nhà để nhường máy thở cho một sản phụ mang song thai lan truyền trên mạng xã hội là hư cấu. Theo đó, tại các bệnh viện của TP không có việc rút ống thở để nhường cho bệnh nhân. Hiện, Sở Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ nguồn gốc bài đăng này để xử lý theo quy định của pháp luật.

hu-cau1-1628413991.png
Thông tin bác sĩ rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ sắp sinh là tin giả

Chiều 8/8, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận thông tin bác sĩ rút ống thở của mẹ đẻ để nhường cho sản phụ song sinh là tin giả.

Theo đó, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam cho biết, ngày 7/8/2021, mạng xã hội lan truyền câu chuyện cảm động về một bác sĩ tên Khoa được cho là đã nhường máy thở của mẹ đẻ cho một sản phụ song sinh đang cần máy thở.

Qua xác minh từ các cơ quan chức năng có liên quan của TP Hồ Chí Minh, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam khẳng định thông tin nêu trên là tin giả.Hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội về hai em bé song sinh được cho là con của sản phụ được nhường máy thở là ảnh cũ, được chỉnh sửa từ ảnh gốc chụp tại bệnh viện Từ Dũ, do tài khoản facebook Cao Hữu Thỉnh đăng lên ngày 21/7, không phải ảnh chụp ngày 7/8 như mạng xã hội chia sẻ.

Trước đó, bác sĩ Cao Hữu Thịnh và lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đã khẳng định Bệnh viện Chợ Rẫy có bác sĩ nào tên là Khoa và ở đây không có "khoa sản". Đồng thời cho biết, Việt Nam chưa có luật cho bác sĩ hoặc người thân tự rút ống thở bệnh nhân. “Nếu rút ống thở phải thông qua hội đồng chuyên môn quyết định nhưng điều này chưa có quy định ở Việt Nam”, đại diện bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.

Còn bác sĩ Cao Hữu Thịnh, người bị sử dụng hình ảnh thì tỏ ra rất bất ngờ trước thông tin này. “Tôi không hiểu sao hình trên facebook cá nhân của mình lại lấy để gán ghép cho những thông tin sai sự thật là bác sĩ Khoa nào đó rút ống thở để cho sản phụ thở và giúp bác sĩ mổ bắt con thành công. Đây là thông tin bịa đặt vô đạo đức”- bác sĩ Thịnh nói.

Vị bác sĩ này mong muốn mạng xã hội gỡ hình ảnh của các em bé mà ông mổ cho các sản phụ vì điều này ảnh hưởng đến các cặp vợ chồng đã được ông theo dõi điều trị trước đó.

Ngay sau khi câu chuyện "cảm động" trên Facebook bị phơi bày ra ánh sáng, khi được cơ quan chức năng xác định là tin giả, cộng đồng mạng, nhất là những người đang làm trong ngành Y bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi tung tin giả mạo gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ sở y tế, cũng như đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ y bác sĩ đang căng mình làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Từ đó, đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra kẻ tung tin giả mạo này để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.