Xuất khẩu nông sản của Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công lớn ngay từ đầu năm 2024

Theo Bộ NN&PTNT, tháng 1/2024, xuất khẩu nông sản của Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công lớn, góp phần đưa xuất siêu đạt gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 5,14 tỷ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trên có được nhờ đóng góp của tất cả các nhóm hàng đều tăng.

sau-rieng-16723-1706864060.jpg

Theo Bộ NN&PTNT, tháng 1/2024, xuất khẩu nông sản của Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công lớn, góp phần đưa xuất siêu đạt gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lâm sản 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản chính 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; chăn nuôi 36 triệu USD, tăng 3,5%; đầu vào sản xuất 177 triệu USD, tăng 49,2%. Giá trị xuất khẩu nông sản tới các thị trường cũng đều tăng. Trong đó xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ 1,18 tỷ USD (tăng 93,6%); châu Phi 104 triệu USD (tăng 185,4%); châu Á 2,52 tỷ USD (tăng 86,3%); châu Âu 532 triệu USD (tăng 38,2%) và châu Đại Dương 78 triệu USD (tăng 100,9%).

Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều nôn sản Việt Nam nhất, chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9%. 2 thị trường lớn khác của nông sản Việt Nam là Hoa Kỳ chiếm 20,8% (tăng 95,9%) và Nhật Bản chiếm 7,4% (tăng 47,5%).

Đồng thời, cũng trong tháng 1/2024, Việt Nam nhập khẩu 3,72 tỷ USD các mặt hàng nông sản. Qua đó, đưa giá trị xuất siêu nông sản trong 1 tháng qua đạt 1,43 tỷ USD, tăng hơn 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngay từ đầu năm 2024, toàn ngành đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản. Nông sản Việt ngày càng mở rộng thị trường, thị phần quốc tế. 

Nhìn nhận Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết ngành nông nghiệp mong muốn và sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả thị trường này. Trong đó, thúc đẩy cơ chế “cửa khẩu thông minh” trong lưu thông hàng hoá.

Song song với duy trì các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, liên minh châu Âu (EU), Bộ NN&PTNT phấn đấu mở cửa những thị trường mới, còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi…

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), nhất là CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chủ lực. Đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Đồng thời phối hợp, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng.

Một trong những nhiệm vụ cũng rất quan trọng khác, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, là cần nỗ lực để tháo gỡ thẻ vàng IUU. “Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU trong năm 2024, tạo điều kiện phát triển thuỷ sản bền vững…” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Năm 2024, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt từ 54 - 55 tỷ USD.