Xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng đột biến trong tháng đầu năm

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 1/2024, xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tăng 106,9% so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Trung Quốc tiếp tục là khách hàng lớn nhất, chiếm 23% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp trong tháng vừa qua. Đồng thời, Trung Quốc tiếp tục chi gấp đôi tiền để mua nhiều nông sản Việt trong tháng 1 năm nay. Nhờ đó, có loại nông sản giá tăng mạnh, thành hàng siêu đắt đỏ.

anh1-1708744357.jpg

Trong tháng 1/2024, xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tăng 106,9% so với tháng cùng kỳ năm ngoái

Những ngày gần đây, xe nông sản vẫn ùn ùn lên cửa khẩu phía Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc. Dọc tuyến đường từ trung tâm Thị trấn Đồng Đăng tới Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), hơn 10 bãi đỗ xe với diện tích rất lớn, đều chật kín các xe container chở hàng chờ thông quan. Những xe này chủ yếu chở mặt hàng nông sản như ớt, mít, sầu riêng, thanh long,... từ các tỉnh miền Trung và Nam ra để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), từ ngày 8-14/2 (tuần nghỉ Tết Nguyên đán) đã có gần 13.000 tấn nông sản và hoa quả của Việt Nam xuất khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh này.

Tháng Giêng vẫn là tháng xuất khẩu cao điểm. Hiện, lượng xe hàng lên biên giới tiếp tục tăng, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trái cây tươi cho thị trường Trung Quốc trong dịp Rằm tháng Giêng. Do đó, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng đã có phương án cụ thể cho tình huống này.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng như biên phòng, hải quan, thuế,… đã có phương án điều tiết, hỗ trợ doanh nghiệp khai báo trực tuyến qua phần mềm cửa khẩu số. Hạ tầng các bãi xe cũng được nâng cấp, đầu tư, đảm bảo khoảng 1.000 xe/bãi xe xuất nhập khẩu, lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng cho hay.

Trong kỳ nghỉ Tết vừa qua, giá trị kim ngạch xuất qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai) đạt hơn 12 triệu USD, tăng 391% so với kỳ nghỉ Tết Quý Mão. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là trái cây, gồm: thanh long, sầu riêng, dưa hấu, bưởi, mít, chôm chôm, xoài, chuối.

Đáng chú ý, xuất khẩu nhiều loại nông sản sang Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng đột biến. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản tăng 291%; sắn và sản phẩm sắn tăng 111,7%; rau quả tăng 120%; xuất khẩu hạt điều và cà phê tăng lần lượt là 660,2% và 630,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ đó, giá một số loại nông sản tăng cao. Điển hình, sầu riêng được Trung Quốc bao mua, thành mặt hàng đắt đỏ. Hiện, giá sầu riêng Ri6 tại vườn được thu mua ở mức 125.000-148.000 đồng/kg; giá sầu riêng Monthong dao động từ 160.000-200.000 đồng/kg; sầu riêng Musang King giữ mức 160.000-190.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thái Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết xuất khẩu rau quả ngay từ đầu năm đã có nhiều chuyển biến tích cực từ các thị trường trọng điểm, đặc biệt là Trung Quốc khi duy trì đà tăng trưởng mạnh từ năm ngoái đến nay. Ngành rau quả đặt mục tiêu năm 2024 sẽ xuất khẩu được khoảng 6,5 tỷ USD.

Hơn nữa, nhu cầu của thị trường Trung Quốc vẫn còn lớn, Việt Nam dự kiến mở cửa thêm 2 mặt hàng mới là dừa tươi và sầu riêng đông lạnh. Bên cạnh đó, việc vận chuyển sang thị trường Trung Quốc chủ yếu bằng đường bộ, không bị ảnh hưởng tiêu cực từ đợt tăng cước tàu tuyến châu Âu, Mỹ gần đây như một số mặt hàng khác. Ông Nguyễn Thái Bình chia sẻ thêm.

Mới đây, phía Trung Quốc đồng ý mở cửa thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục và xem xét mở cửa thị trường cho trái bơ, chanh leo. Đồng thời, xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu gia cầm vào thị trường này.

Ngoài ra, khi trao đổi về thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, đây là thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa rất lớn với hơn 1,4 tỷ dân. Tuy nhiên, muốn khơi thông để đưa nông sản sang thị trường tiềm năng này phải làm cửa khẩu thông minh, đẩy mạnh logistics, thương mại điện tử,…, vì đây là xu hướng tất yếu.