5 lỗi sai thường gặp khi phỏng vấn trực tuyến

Đi cùng với sự phát triển mạnh về công nghệ, các doanh nghiệp đã nhanh chóng tiếp cận ứng viên thuận lợi hơn thông qua những buổi phỏng vấn trực tuyến. Đây là cơ hội để ứng viên thể hiện bản thân và cho thấy mình phù hợp với công việc. Tuy nhiên, những sai lầm nhỏ nếu không để ý và khắc phục có thể khiến bạn căng thẳng và ảnh hưởng đến kết quả phỏng vấn.

Hãy cùng tìm hiểu 5 lỗi sai thường gặp khi phỏng vấn trực tuyến tìm kiếm việc làm nhanh và cách để tránh mắc phải nhé.

soexpress-2-1693205319.jpg
 

Điều kiện phỏng vấn thiếu chuyên nghiệp

Một trong những lỗi sai thường thấy ở các ứng viên ít kinh nghiệm phỏng vấn đó là lựa chọn điều kiện phỏng vấn thiếu chuyên nghiệp. Không gian phỏng vấn quá ồn ào hoặc quá tối, ăn mặc thiếu lịch sự hoặc tham gia trễ giờ,… là những biểu hiện cho thấy bạn chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của một buổi phỏng vấn.

Mặc dù bằng hình thức trực tuyến nhưng cuộc trao đổi này chính là cơ sở để nhà tuyển dụng quyết định về kết quả tuyển dụng hoặc có tiếp tục phỏng vấn bạn ở các vòng sau hay không. Những điều tuy nhỏ nhặt này là ấn tượng ban đầu mà nhà tuyển dụng có với bạn, vì thế đừng để mất điểm bởi những lỗi không đáng có. Bí quyết là “ba mươi phút vàng” để chuẩn bị một không gian phỏng vấn yên tĩnh, trang phục thoải mái nhưng đảm bảo lịch sự và một tinh thần sẵn sàng trước khi bắt đầu.

Mất tập trung

Phỏng vấn trực tuyến dễ gây tình trạng mất tập trung do bạn bị tác động bởi các yếu tố khác do không được trò chuyện ở văn phòng cùng nhà tuyển dụng. Mặc dù bạn đang lắng nghe nhưng lại bắt đầu làm việc riêng, nhắn tin hoặc kiểm tra các thông báo xuất hiện trên thiết bị. Đây là điều tối kỵ và cần khắc phục bằng cách tắt thông báo trong lúc phỏng vấn và chỉ để khung trò chuyện với các đại diện từ doanh nghiệp.

Sự mất tập trung còn thể hiện qua việc ứng viên tỏ ra bị động, ít tương tác khi nhà tuyển dụng trao đổi. Lỗi sai này dẫn đến việc nhà tuyển dụng cho rằng bạn không hứng thú với công việc hoặc chưa sẵn sàng để thảo luận về vị trí này.

suy-giam-tri-nho-mat-tap-trung-1-1693205319.jpg
 

Vậy nên đừng chỉ nhìn chăm chăm vào màn hình mà tập trung vào ánh mắt nhà tuyển dụng, sử dụng các cử chỉ như gật đầu hoặc mỉm cười như một cách thể hiện sự chủ động trong cuộc trò chuyện.

Các vấn đề kỹ thuật

Rủi ro khi sử dụng các thiết bị điện tử phục vụ quá trình phỏng vấn mà ứng viên có thể gặp phải như không thể bật được camera, chất lượng âm thanh không đảm bảo giao tiếp rõ ràng, hoặc trục trặc khi sử dụng các phần mềm cần thiết.

Đừng đợi đến lúc vào phỏng vấn mới bắt đầu kiểm tra những vấn đề kỹ thuật này vì bạn rất dễ bị cuống và mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tâm lý.

Một cách đơn giản để thử camera, microphone hoặc màn hình, phần mềm đó là thử gọi cho một người bạn và chắc chắn rằng bạn đã quen với cách sử dụng trên nền tảng sẽ được dùng để phỏng vấn.

Tài liệu thuyết trình kém hiệu quả

Không ít buổi phỏng vấn trực tuyến yêu cầu ứng viên thực hiện những phần thuyết trình ngắn dựa trên tài liệu chuẩn bị trước. Trong vòng 10-15 phút, đây là cơ hội giúp bạn chứng tỏ những kỹ năng quan trọng để có lợi thế cạnh tranh với các ứng viên khác. Thế nhưng, những ứng viên ít kinh nghiệm thường không đầu tư quá nhiều vào tài liệu cũng như luyện tập cách thuyết trình với nhà tuyển dụng.

img-8034-copy-1693205293.jpg
 

Để nâng cao hiệu quả, hãy gửi trước cho nhà tuyển dụng một bản copy trước buổi phỏng vấn. Lưu ý, đừng nộp cho nhà tuyển dụng một tài liệu sơ sài và thể hiện phong cách thuyết trình lúng túng do chưa thực hành trước.

Không ghi lại nội dung phỏng vấn

Lợi thế của buổi phỏng vấn trực tuyến là bạn có thể ghi lại nội dung trao đổi dưới rất nhiều hình thức. Tuy vậy các ứng viên thường có thói quen chỉ tham gia và kết thúc buổi phỏng vấn mà không lưu trữ điểm nổi bật về văn hóa doanh nghiệp, phối hợp đội nhóm hoặc các trách nhiệm công việc,… Điều này khiến bạn mất đi cơ hội truy xuất các thông tin cần thiết để hiểu về buổi phỏng vấn và chuẩn bị cho các vòng tiếp theo.

Thế nên, điều lưu ý là chuẩn bị giấy bút để ghi chép các từ khóa quan trọng hoặc song song sử dụng công cụ ghi màn hình trên thiết bị để có thể tham khảo toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn sau đó.

Trên đây là 5 lỗi sai thường gặp khi phỏng vấn trực tuyến. Hy vọng bài viết đã giúp bạn rút ra những kinh nghiệm bổ ích để chinh phục nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn sắp tới.