Cách trả lời “ăn điểm” câu hỏi tình huống khi phỏng vấn

Trong buổi phỏng vấn, ngoài các câu hỏi về kiến thức thì nhà tuyển dụng sẽ lồng ghép một số tình huống để kiểm tra khả năng ứng xử của ứng viên. Có thể nói đây là phần tương đối quan trọng, chiếm phần lớn số điểm kỹ năng giải quyết vấn đề. Không ít bạn trẻ mới ra trường thiếu tự tin khi gặp câu hỏi tình huống, nên cơ hội cạnh tranh cũng vì thế mà giảm đi.

Để hiểu rõ hơn về các câu hỏi dạng này và có cách trả lời tự tin hơn khi kiếm việc tại Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM,… bạn hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây từ CareerLink nhé.

Câu hỏi tình huống là gì?

1-1704798985.jpg
 

Trước hết, bạn nên hiểu rõ về câu hỏi tình huống. Đây là dạng câu hỏi đưa ra các thông tin giả định về một trường hợp cụ thể trong công việc và yêu cầu ứng viên giải quyết. Nhà tuyển dụng tùy thuộc vào mục đích của mình để đưa ra nhiều dạng câu hỏi tình huống khác nhau, Tuy nhiên thông thường các câu hỏi có thể thuộc một số chủ đề sau:

- Làm việc nhóm;

- Quản lý thời gian;

- Xử lý khủng hoảng;

- Dịch vụ khách hàng…

Để nhận biết câu hỏi tình huống, bạn cần chú ý vào các thông tin số liệu chi tiết hoặc cách bắt đầu bằng mẫu câu “Bạn sẽ làm gì, nếu…” hoặc “Có một tình huống như sau,…”. Việc xác định dạng câu hỏi này tương đối cần thiết trước khi bạn đưa ra chiến lược trả lời sao cho phù hợp và thuyết phục.

Cách trả lời gây ấn tượng với nhà tuyển dụng

2-1704798985.jpg
 

Tóm tắt vấn đề

Sau khi nghe xong câu hỏi tình huống, bạn đừng vội trả lời ngay mà hãy dành 30 giây đến 1 phút để tóm tắt vấn đề như một cách xác nhận vấn đề và cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn tiếp cận vấn đề như thế nào. Đối với những câu hỏi dài, đừng quên ghi chú vào sổ tay các từ khóa quan trọng. Đây chính là bí quyết giúp bạn trả lời đúng trọng tâm, không lạc đề hoặc nhầm lẫn thông tin. Một cách tóm tắt vấn đề nhanh mà bạn có thể luyện tập đó là trả lời các câu hỏi sau:

- Vấn đề liên quan đến công việc gì?;

- Những tổn thất có thể xảy ra;

- Mục đích khi giải quyết vấn đề…

Đưa ra giải pháp cụ thể

Chỉ khi tóm tắt chính xác vấn đề thì bạn mới đi đến bước tiếp theo đó là đưa ra giải pháp cụ thể. Lỗi sai thường gặp ở bước này đó là ứng viên chỉ nêu ra một số hướng giải quyết vấn đề một cách mơ hồ. Xuất phát từ tâm lý ngại sai nên ứng viên hoặc là trình bày vòng vo vấn đề, hoặc là đưa ra một số câu trả lời nước đôi để giữ an toàn.

Tuy nhiên cần biết rằng mục đích khi nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi tình huống là để thử sức, đánh giá khả năng nhạy bén trong tư duy và hành động của bạn. Vì vậy đừng quá quan tâm đến đúng sai mà hãy chọn một giải pháp cụ thể, phân tích lý do và bảo vệ nó bằng những lập luận thuyết phục. Chính thái độ dứt khoát và tự tin này sẽ giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Có thể bắt đầu câu trả lời bằng “Trong trường hợp này, giải pháp của em đó là…” hoặc “Giải pháp tối ưu nhất mà em nghĩ đó là…”.

Có kết quả và đo lường rõ ràng

Giải pháp cụ thể sẽ đi đôi với kết quả và đo lường rõ ràng, đây chính là cách phát triển câu trả lời hiệu quả mà bạn cần áp dụng. Sau khi đưa ra giải pháp, bạn hãy cho nhà tuyển dụng biết rằng kết quả sẽ dẫn đến điều gì, những thông số nào sẽ được cải thiện, vấn đề nào sẽ trở nên đỡ nghiêm trọng hơn,…

Bạn nên lưu ý thêm vào những mức định lượng như tỉ lệ phần trăm hoặc thời gian rút ngắn… Bí quyết này giúp câu trả lời của bạn sẽ thuyết phục và chặt chẽ, doanh nghiệp từ đó sẽ hiểu rõ hơn tính hiệu quả mà giải pháp của bạn mang lại trong phần câu hỏi tình huống này.

Đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc

Thế nhưng không phải đối với câu hỏi nào thì ứng viên cũng có thể tự do khi trả lời mà cần đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc nhất định. Trong mỗi lĩnh vực hay doanh nghiệp cụ thể sẽ có các tiêu chí khác nhau khi xử lý tình huống trong công việc. Vì vậy điều bạn cần làm trước buổi phỏng vấn là tìm hiểu thật kỹ bộ quy tắc ứng xử cũng như chính sách doanh nghiệp thông qua các cổng thông tin chính thống. Nếu có thể khéo léo lồng vào câu trả lời những thông tin này thì bạn chắc chắn sẽ ăn điểm từ nhà tuyển dụng vì đã chuẩn bị rất kỹ càng cho phần phỏng vấn.

Trên đây là những cách trả lời ăn điểm khi gặp câu hỏi tình huống trong phỏng vấn. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin hữu ích để chinh phục công việc sắp tới, chúc bạn thành công!