Đắk Nông xây dựng nông thôn mới giúp nhiều miền quê “thay da, đổi thịt”

Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Đắk Nông luôn đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nhờ đó, hiện nay, nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang từng bước “thay da, đổi thịt”, tỉ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, hộ gia đình khá giả gia tăng.

0904-dak-nong-nong-thon-moi-lam-bung-sang-thon-bon-aknong-1-1573034832-width640height425-1702607635.jpg

Xây dựng NTM giúp nhiều địa phương tại Đắk Nông phát triển. Ảnh Báo Công Thương

Cụ thể, xã Buôn Choáh, ở huyện Krông Nô thuộc diện vùng sâu, vùng xa, khó khăn của tỉnh Đắk Nông. Thế nhưng, thời gian qua, các cấp, ngành đã lồng ghép nhiều chương trình, nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng quê nghèo khó này. Điểm nhấn trong phát triển cơ sở hạ tầng ở trên địa bàn xã Buôn Choáh là tuyến đường trục chính từ trung tâm huyện nối về xã đã được nhựa hoá với số vốn đầu tư lên đến hàng chục tỉ đồng. Riêng đến cuối năm 2022, xã đã hoàn thành 15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo tiêu chuẩn mới. Địa phương đang dồn lực thực hiện các tiêu chí còn lại, phấn đấu sớm đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với xã Đắk Wer, ở huyện Đắk R’lấp là địa phương đầu tiên ở tỉnh Đắk Nông về đích nông thôn mới nâng cao. Cùng với nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ, người dân trên địa bàn xã Đắk Wer đã cùng nhau đóng góp tiền của, ngày công... phát triển hạ tầng cơ sở.

Thay đổi rõ nét nhất ở địa phương này là những tuyến đường bêtông được nâng cấp, làm mới thông thoáng, rất thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương. Hai bên các tuyến đường còn được người dân trồng hoa, cây cảnh để tạo điểm nhấn cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Theo ông Võ Ngọc Anh - Quyền Chủ tịch UBND xã Đắk Wer - cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đã phát huy vai trò chủ thể của người dân. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến việc người dân trong xã đã đóng góp trên 17,5 tỉ đồng và hàng nghìn ngày công lao động; hiến hàng nghìn mét vuông đất đai, vật kiến trúc để xây dựng đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi khác.

Từ sự đóng góp của người dân kết hợp với các nguồn lực khác, xã Đắk Wer đã bêtông hóa 43km đường giao thông; 800m đường nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lao động sản xuất.

“Ngay từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, huyện Đắk Song luôn xác định mục tiêu chính là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung cơ cấu lại kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Trong đó, chú trọng gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, góp phần xóa nghèo bền vững cho người dân nhưng vẫn giữ gìn bản sắc Văn hóa dân tộc...”, theo ông Lê Hoàng Vinh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Song chia sẻ.

Dựa vào đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, đến thời điểm này, kết quả thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trên toàn tỉnh mới có 1 xã được công nhận đạt chuẩn; tỉ lệ bình quân mỗi xã đạt 8,69 tiêu chí/xã. Trong đó, đạt 19 tiêu chí có 1 xã chiếm 2,9%; đạt từ 15-18 tiêu chí có 3 xã chiếm 8,5%; đạt từ 10-14 tiêu chí có 9 xã chiếm 25,7%; đạt từ 5-9 tiêu chí có 21 xã chiếm 60%; đạt từ 0-4 tiêu chí có 1 xã chiếm 2,9%. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu đến nay chưa có xã nào được công nhận. Các xã đang tập trung thực hiện theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, với việc phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ nên đời sống của người dân đã có sự phát triển cơ bản rõ nét. Kết quả rà soát tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021, toàn tỉnh chiếm tỉ lệ 11,19%. Đến cuối năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo chung của tỉnh còn 7,97% (giảm 3,22%). Trong đó, tỉ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 24,56% (giảm 8,25%) và hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 20,11% (giảm 7,87%). Kết quả trên đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông đề ra.