Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến nhận định, 2023 là một năm rất khó khăn trong xuất khẩu. Ngành nông nghiệp đang bám đuổi mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 54 tỉ USD, tuy nhiên 11 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 47,84 tỉ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam hiện đang tham gia 19 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Trong đó có 16 hiệp định đã ký kết chính thức và 3 hiệp định đang tiến hành đàm phán. Đây là thuận lợi lớn cho ngành nông nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên điều này cũng đặt ra thách thức trong tuân thủ cam kết bắt buộc áp dụng cùng các quy định về biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) khi xuất khẩu hàng hóa.
Bên cạnh đó, thực tế một số thị trường xuất khẩu lớn của nước ta như Trung Quốc, Nhật Bản hay EU vẫn còn dư địa để phát triển. Thế nhưng, chất lượng nông sản nước ta cần được nâng cao để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe từ những thị trường này. Ví dụ với thị trường Trung Quốc, mới đây lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của nước ta đã thông quan xuất khẩu, đánh dấu bước tiến quan trọng cho sản phẩm yến sào Việt Nam, khi chinh phục được thị trường tỉ dân.
Theo Cục Thú y, ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ nộp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc, doanh nghiệp đã phải cung cấp đầy đủ các tài liệu, như: Tài liệu về vị trí nhà xưởng, bố trí các phân khu sản xuất, trang thiết bị; Việc kiểm soát nguồn nước dùng cho chế biến; Nguyên liệu dùng cho chế biến; Kiểm soát quá trình chế biến; Kiểm soát chất phụ gia (nếu có) và bao bì sử dụng trong chế biến... Trung Quốc đòi hỏi doanh nghiệp phải làm chuẩn chỉnh ngay từ khâu sản xuất.
Còn với thị trường EU, đây vẫn là khu vực nhập khẩu càphê nhiều nhất thế giới, nhưng thị phần càphê của Việt Nam ở thị trường này vẫn rất thấp. Nguyên nhân một phần là chưa đáp ứng được toàn diện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, lao động của EU. Nhất là mới đây, EU đưa ra Quy định chống phá rừng (EUDR), ngành hàng càphê sẽ tiếp tục phải đối mặt với "rào cản” mới khi xuất khẩu vào EU.
Với mặt hàng thủy sản cũng vậy, hiện xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU đang bị giảm sút một phần vì tác động chung của khủng hoảng kinh tế thế giới, phần khác vì Việt Nam vẫn chưa khắc phục được "thẻ vàng” về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Việc đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn của những thị trường khó tính là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp trong nước chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng cũng như uy tín đối với ngành xuất khẩu nước ta.
Theo TS Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) - cho rằng, “bên cạnh những thành tựu đạt được, phải thừa nhận thực tế sự chủ động hội nhập của ngành nông sản chưa cao. Mức độ sẵn sàng cho hội nhập của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn khiêm tốn”.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương chia sẻ thêm, để tăng năng lực xuất khẩu nông sản Việt Nam trong thời gian tới, cần cơ cấu lại các mặt hàng nông sản gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt các mặt hàng cần chế biến sâu, nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu nông sản.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác điều phối phát triển xuất khẩu nông sản theo vùng, lãnh thổ, nâng cao hiệu quả liên kết vùng góp phần hình thành các cụm liên kết, các chuỗi giá trị nhằm tận dụng lợi thế tại một số địa phương, vùng kinh tế.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu)...