Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Chuyển đổi số chính là kết nối tiềm năng, gia tăng giá trị, phát triển bền vững

Theo nhà báo Vương Xuân Nguyên, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp khi giúp kết nối tiềm năng, gia tăng giá trị và phát triển bền vững.

Dịch Covid-19 bùng nổ và kéo dài tác động làm nền kinh tế ảnh hưởng, giãn cách khiến cho hoạt động doanh nghiệp ngưng trệ. Trong bối cảnh này, vai trò của chuyển đổi số ngày càng rõ nét khi tất cả hoạt động doanh nghiệp đều triển khai trên nền tảng trực tuyến.

a2a-1658583509.jpg
Nhà báo Vương Xuân Ngyên cho rằng, chuyển đổi số là một bước phát triển tất yếu của hầu hết các doanh nghiệp bởi nó không chỉ đơn thuần thay đổi cách thực hiện công việc từ thủ công truyền thống sang vận dụng công nghệ để giảm thiểu sức người. Trên thực tế, chuyển đổi số đóng vai trò thay đổi tư duy kinh doanh, phương thức điều hành, văn hóa tổ chức.

Chuyển đổi số được hiểu đơn giản là ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số như: điện toán đám mây, dữ liệu lớn Big data,.. nhằm đưa lại hiệu suất cao, thúc đẩy doanh thu và thương hiệu.

Hiện nay, chuyển đổi số được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, trong đó có 2 lĩnh vực chính là các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào hoạt động kinh doanh và quản lý của mình. Trong đó, quá trình chuyển đổi số chuyển từ kinh doanh truyền thông sang ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành, để tối ưu được các lợi ích mà công nghệ mang lại cho doanh nghiệp.

Một lợi ích khác là cắt giảm chi phí vận hành, tăng khả năng tiếp cận khách hàng, tạo sự minh bạch trong quá trình điều hành, nâng cao khả năng cạnh tranh và đảm bảo sự tăng trưởng ổn định trong tương lai.

Là một nhà báo có điều kiện tiếp xúc và làm việc với nhiều doanh nghiệp, chia sẻ về chuyển đổi số trong kinh doanh, Th.S Vương Xuân Nguyên- Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa và bảo vệ thương hiệu, cho biết: "Từ khóa Chuyển đổi số trong vòng 2 năm trở lại đây được quan tâm rất là lớn trên hầu hết các diễn đàn. Vấn đề này cũng không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà là xu hướng của thế giới. Khảo sát mới nhất của Microsoft cho thấy, tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, có tới 23 tập đoàn, doanh nghiệp lớn khẳng định chuyển đổi số chính là chìa khóa dẫn đến thành công và 98% doanh nghiệp mới khởi nghiệp xác định chuyển đổi số chính là "cứu cánh" để tiếp cận thị trường, giúp lan tỏa sức mạnh của mình".

Cũng theo ThS Vương Xuân Nguyên, tại Việt Nam, chuyển đổi số đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tỷ lệ doanh thu từ thương mại điện tử năm 2021 khoảng 13,5 tỷ USD, chiếm 6,5% tổng doanh thu từ các kênh truyền thống, tăng 16% so với năm 2020. Con số tăng trưởng trong năm 2022 được dự kiến là 25%.

a1a-1658583500.jpg

Nhà báo Vương Xuân Ngyên cùng MC truyền hình Hà Nội trong buổi tọa đàm

"Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là hoạt động marketing bán hàng trên mạng xã hội, truyền đi những thông tin tốt cho sản phẩm của mình mà phải tích hợp các công nghệ như: AI (trí tuệ nhân tạo),.. để tận dụng toàn bộ những nền tảng của khách hàng, người tiêu dùng, tạo các tiện ích, tạo ra các xu thế cũng như những giá trị gia tăng cho chính người tiêu dùng", ThS Vương Xuân Nguyên cho biết.

Dưới góc nhìn của một người kinh doanh, TS Đinh Thị Lệ Hà - Nhà sáng lập Cộng đồng thương mại điện tử toàn cầu (GEC) đã có những chia sẻ về ưu điểm vượt trội khi thực hiện chuyển đổi số trong kinh doanh so với kinh doanh truyền thống: "Tôi đã kinh doanh truyền thống được gần 9 năm. Khi đại dịch Covid-19 ập đến, kéo theo sự khủng hoảng kinh tế và suy thoái, chúng tôi đã thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình, tính đến nay đã được gần 3 năm.

Chuyển đổi số đã mang lại những lợi ích rất lớn. không bị hạn chế bởi không gian, thời gian và đặc biệt là việc mở rộng quy mô có sự đột phá rất rõ rệt. Kể từ khi chuyển đổi số, chỉ trong vòng 2 năm, doanh nghiệp của chúng tôi đã có sự tăng trưởng lên gấp 8 lần".

Bà Hà cho biết thêm, với mạng lưới tại hơn 10 quốc gia, trong đó có 3 thị trường lớn nhất là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam; quy mô lên đến 700 người, GEC tận dụng nền tảng sản phẩm có sẵn của đối tác kết hợp với nền tảng Affiliate Marketing, Drop Shipping do đối tác cung cấp cùng nền tảng Internetnetwork Marketing để xây dựng cho mình một tệp khách hàng trung thành.

"Việc của các thành viên GEC đó là kết hợp Internet với những nền tảng có sẵn đó, thực hiện các chiến lược marketing đến tay người tiêu dùng và người kinh doanh", TS Lệ Hà chia sẻ.

Không thể phủ nhận, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp áp dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả, đơn giản hóa vận hành và quản lý doanh nghiệp, duy trì các hoạt động giao thương trên thị trường.

Bên cạnh những ưu điểm nói trên, chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện, trong đó, quan trọng nhất là việc thay đổi nhận thức ban lãnh đạo và nhân viên, sau đó là tới chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ, thay đổi chính sách kinh doanh, chuẩn bị nguồn nhân lực.

Các đơn vị cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, tổ chức triển khai ứng dụng số trong quản lý. Ngoài ra, doanh nghiệp phải chú ý quản trị rủi ro (chiến lược, pháp lý, hoạt động, công nghệ, tài chính đến nguy cơ gian lận) trong quá trình chuyển đổi số, triển khai ứng dụng công nghệ số hóa hướng tới phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ tốt nhất.

"Rõ ràng, công nghệ nói chung hay chuyển đổi số nói riêng có cả 2 chiều, dẫn đến vấn đề minh bạch thông tin, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, chúng ta phải đặt khách hàng làm trung tâm, tích hợp nhiều công nghệ mang lại nhiều giá trị và tiện ích cho khách hàng chứ không phải chuyển đổi số là mang lại những lợi ích, doanh thu cho chính doanh nghiệp", ông Nguyên chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Nguyên cũng khẳng định, đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số chính là kết nối tiềm năng, gia tăng giá trị, phát triển bền vững trên cơ sở lựa chọn những công nghệ chuyển đổi số phù hợp với dân trí, văn hóa, kĩ năng của người dân, dựa trên 3 trụ cột là con người, quy trình và công nghệ.