Những người bị bồi táng thời cổ đại sẽ sống được bao lâu trong lăng mộ?

Thời cổ đại, rất nhiều nền văn minh, văn hóa đã thực hiện nghi thức bồi táng (hay tuẫn táng) - chôn người sống theo người đã khuất.

Ở Trung Quốc cổ đại, các hoàng đế được coi là đại diện của các vị thần. Do đó, họ giữ lại nô lệ để duy trì vị trí thiêng liêng của mình khi sang thế giới bên kia. Để đảm bảo sức mạnh thần thánh này không bao giờ cạn kiệt, các hoàng đế thường yêu cầu sử dụng người sống để hiến tế. Vậy câu hỏi đặt ra là những người được bồi táng (tuẫn táng) theo hoàng đế sẽ sống trong lăng mộ được bao lâu?

Nguồn gốc của sự hiến tế người

Việc bồi táng là một phong tục cổ xưa, được truyền lại từ hàng nghìn năm trước. Vào thời cổ đại, nhiều nền Văn hóa và văn minh đã thực hành hiến tế con người, bao gồm những nơi như Trung Quốc, Nam Mỹ, châu Phi và châu Âu.

boi-tang-theo-hoang-de-song-duoc-bao-lau-1-1694001272.jpg
Người bị hiến tế được xem như "viên đá lót đường" cho kẻ cầm quyền. Ảnh minh họa: Internet

Tục lệ này có mục đích và hình thức khác nhau ở các nền văn hóa khác nhau, nhưng nhìn chung đều dựa trên một niềm tin: sau khi chết, người được hiến tế có thể giúp người chết duy trì địa vị vĩnh cửu và các quyền thiêng liêng.

Ở Trung Quốc cổ đại, tập tục chôn cất hiến tế có thể bắt nguồn từ thời nhà Thương và Tây Chu. Dưới thời Tần Thủy Hoàng, loại hoạt động này được phát huy và phát triển mạnh mẽ.

Theo ghi chép, có rất nhiều hài cốt phụ nữ trong các ngôi mộ nhỏ xung quanh Lăng Tần Thủy Hoàng. Ngoài phi tần và cung nữ, còn có thợ thủ công, người lao động, dân thường và nô lệ xây dựng lăng mộ, tổng số người được chôn cất ít nhất là 1.000 người.

boi-tang-theo-hoang-de-song-duoc-bao-lau-2-1694001272.jpg
Hiến tế người là phong tục được thực hành ở nhiều nền văn hóa và văn minh khác nhau. Ảnh minh họa: Internet

Trong nền văn minh Inca ở Nam Mỹ, hiến tế con người cũng là một tục lệ phổ biến. Khi một hoàng đế Inca qua đời, vợ và những người hầu gái của ông sẽ tình nguyện được chôn cất cùng ông. Hành động này được cho là để bảo vệ địa vị thiêng liêng của hoàng đế và mang lại cho họ vinh quang và hạnh phúc sau khi chết.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, việc bồi táng là bắt buộc. Vì vậy, những người này đều phải đối mặt với cái chết trong điều kiện vô nhân đạo.

Ngoài Trung Quốc và Nam Mỹ, việc hiến tế con người cũng phổ biến ở các khu vực khác. Ở một số bộ lạc châu Phi, người ta tin rằng hiến tế người sống có thể làm thăng hoa linh hồn của người đã khuất, từ đó đạt được địa vị và vinh quang cao hơn.

Ở một số vùng ở Châu Âu, việc chôn cất hiến tế đôi khi cũng được sử dụng để tôn vinh các vị thần cổ đại hoặc như một hình thức trừng phạt. Vào thời Viking, con người được dùng làm vật hiến tế cho những vị vua đã khuất.

Người bị bồi táng sống được bao lâu dưới mồ?

Theo ghi chép lịch sử, hầu hết các hoàng đế đều chuẩn bị một số thực phẩm để đảm bảo rằng những người bị bồi tháng theo họ sống sót lâu hơn. Trong mắt người hiện đại, hành vi này có vẻ không cần thiết, nhưng ở thời kỳ phong kiến, đây đã được coi là biểu hiện của lòng nhân ái to lớn của hoàng đế. Thậm chí người ta còn nói rằng việc được táng theo vua là vinh dự hiếm có.

boi-tang-theo-hoang-de-song-duoc-bao-lau-3-1694001272.jpg
Nếu có thức ăn, nước uống, những người bị bồi táng có thể sống từ 3-5 ngày bên trong lăng mộ kín. Tuy nhiên, họ phải chịu sự giày vỏ cả thể xác lẫn tinh thần. Ảnh minh họa: Internet

Nếu chuẩn bị sẵn thức ăn và nước uống trong mộ, người tử đạo thường có thể sống được 3-5 ngày trước khi chết dần. Nếu không có gì, thời gian sống sót sẽ bị rút ngắn đi rất nhiều.

Người ta nói rằng những người theo bồi táng sẽ được đưa vào trong lăng trong tình trạng bịt mắt. Điều này để ngăn họ bỏ trốn sau này. Những binh lính và nô lệ tội nghiệp chỉ có thể im lặng chịu đựng nỗi đau thể xác và tinh thần trong thời gian dài.

Những người và đồ vật bồi táng bị coi là tài nguyên dùng một lần. Nói thẳng ra, con người khi ấy bị coi như hòn đá lót đường cho quyền lực. Thời gian tồn tại của họ có thể rất ngắn nhưng những đau khổ mà họ phải chịu đựng rất khủng khiếp.