Trang trọng lễ giỗ lần thứ 84 của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu

Ngày 31/10 (tức ngày 29/9 Âm lịch), tại Khu Lưu niệm Phan Bội Châu (thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn), Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức dâng hoa, dâng hương nhân lễ giỗ lần thứ 84 của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.
z-1699862525-1730381067.jpg
Phan Bội Châu - Người thức tỉnh hồn dân tộc. Ảnh: Nguyễn Diệu

Phan Bội Châu tên húy là Phan Văn San, hiệu Sào Nam, sinh ngày 26/12/1867 trong một gia đình hàn nho, thuộc làng Sa Nam, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; là nhà văn hóa lớn và là người tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. 

Trong đêm trường nô lệ đen tối, trên hành trình đi tìm đường cứu nước với gần ba mươi năm hoạt động gian lao vất vả, bước chân Phan Bội Châu đã trải qua nhiều địa danh: Khi tỉnh Quảng, lúc Hoan Đồn, khi Tuyên Quang, Đông Kinh, Thần Hộ, Thượng Hải, Quế Việt, khi ở Nhật Bản, khi ở Trung Quốc, lúc lại về Thái Lan…

Các phong trào yêu nước do Cụ Phan phát động như Duy Tân hội, Đông Du, Việt Nam Quang phục hội, Việt Nam Quốc dân đảng... luôn được các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Đặc biệt là tầng lớp thanh niên, họ xem Phan Bội Châu như thần tượng, lý tưởng để phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

465176227-1328950245140256-1770405911909594593-n-1730381133.jpg
Lễ giỗ đã được tổ chức trang nghiêm, thành kính theo đúng nghi thức truyền thống của dân tộc. Ảnh: THNĐ

Lên chín tuổi, ông đã có ý thức hưởng ứng phong trào chống Pháp của Trần Tấn, Đặng Như Mai. Mười bảy tuổi, ông thảo bài hịch Bình Tây thu Bắc; 19 tuổi tổ chức một đội thí sinh quân gồm 60 người ứng nghĩa Cần Vương.

Năm 1900, ông đỗ Giải nguyên và chính thức dấn thân vào con đường cứu nước.

Năm 1904, ông lập ra Hội Duy Tân (1904), chủ trương bạo động và nhờ ngoại viện để khôi phục nền độc lập.

Đầu năm 1905, ông sang Nhật rồi trở về tổ chức phong trào Đông Du (1905 - 1908), tập hợp khoảng 200 thanh niên sang Nhật học tập chính trị, khoa học, quân sự.

Khoảng tháng 3/1909, Chính phủ Nhật trục xuất ông và các học sinh Đông Du. Ông về ẩn náu tạm thời trên đất Trung Quốc ít lâu rồi sang Xiêm hoạt động.

Cách mạng Tân Hợi thành công (1911), ông trở lại Trung Quốc và thành lập Việt Nam quang phục hội với tôn chỉ khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước "Cộng hòa dân quốc Việt Nam".

465181441-1328950408473573-6352261000654184190-n-1730381252.jpg
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn dâng hương tưởng niệm 84 năm ngày mất chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Ảnh: THNĐ

Ngày 24/12/1913, ông bị thực dân Pháp nhờ bọn quân phiệt Trung Quốc bắt giam.

Năm 1917, ra tù, viết báo để tuyên truyền chống Pháp và tiếp tục tìm đường cứu nước.

Giữa năm 1924, cải tổ Việt Nam quang phục hội thành Việt Nam quốc dân đảng.

Ngày 30/6/1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc ở Thượng Hải đem về nước, đưa ra xử ở Tòa đề hình Hà Nội.

Trước phong trào phản đối rầm rộ khắp cả nước, thực dân Pháp phải tuyên bố tha bổng nhưng giam lỏng ông ở Huế. Mặc dù trong cảnh “cá chậu chim lồng” nhưng ông vẫn làm thơ văn để tố cáo chính quyền thực dân phong kiến và giác ngộ tinh thần yêu ước của đồng bào.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, làn sóng duy tân từ Nhật Bản và tinh thần Mậu Tuất Chính biến (1898) ở Trung Quốc dội sang nước ta qua những "tân thư" và "tân văn" của Lương Khải Siêu cùng các nhà cải lương Trung Quốc khác. Nhờ đó, tầm nhìn của giới sĩ phu được mở ra rộng lớn hơn nhiều, giúp họ ý thức sâu sắc hơn về hiểm họa mất nước. "Tôi vì xem những pho sách ấy mới hiểu qua được tình hình cạnh tranh ở trong hoàn hải, thảm trạng đất nước diệt chủng lại càng kích thích trong đầu sâu sắc hơn" (Tự phán - PBC).

Phan Bội Châu mất năm 1940 tại Huế. 

Trong không khí linh thiêng, trang trọng, các đại biểu đã dâng nén hương thơm, lẵng hoa tươi thắm bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn vô hạn và rất đỗi tự hào đối với bậc tiền bối cách mạng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.