Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang: “Tăng cường công tác giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân”

Đó là một trong những nội dung trọng tâm mà ông Nguyễn Văn Danh- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh tại Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X.

Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND tỉnh cần tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; nhất là chức năng quyết định và giám sát, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân; phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân trong các hoạt động xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; tăng cường công tác giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả thẩm tra, giám sát, thảo luận Tổ và trong hoạt động chất vấn,…

be-mac-1-1657275636.png
Ông Nguyễn Văn Danh- Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X.

Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri: Ngoài việc tiếp xúc cử tri theo định kỳ tại nơi ứng cử, đại biểu HĐND tỉnh cần nghiên cứu mở rộng các hình thức tiếp xúc với cử tri như tiếp xúc ở nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo ngành nghề, theo giới... Khi tiếp xúc cử tri, cần mời đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện và cơ sở có liên quan tham dự để trực tiếp lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị và góp phần giải đáp thỏa đáng các ý kiến, kiến nghị của cử tri, không nên chỉ dừng lại việc tiếp thu, ghi nhận. Tại các điểm tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND tỉnh nên gặp gỡ cử tri với không khí cởi mở, dân chủ, dành thời gian để cử tri trao đổi, nêu ý kiến, kiến nghị với phương châm: “Nghe cử tri nói” và “Nói cho cử tri hiểu”.

be-mac-2-1657275757.PNG
Quang cảnh Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, diễn ra từ ngày 5 đến ngày 8/7/2022.

Thường trực HĐND, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh khi tiếp công dân phải gắn với việc hướng dẫn, giải thích để công dân hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật nói chung và quy định của Luật về khiếu nại, tố cáo nói riêng, giúp người dân thực hiện việc gửi đơn, thư khiếu nại, tố cáo đúng trình tự, thủ tục, đến đúng cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; tránh gửi đơn vượt cấp, không đúng thẩm quyền… Mặt khác, đại biểu HĐND tỉnh cần lắng nghe và thấu hiểu những bức xúc, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân để hỗ trợ, giúp đỡ người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; nhận đơn, thư của công dân, chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; đồng thời, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết đơn, thư của công dân.

be-mac-3-1657275675.jpg
Ông Võ Văn Thử, cử tri ở xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông.

Ông Võ Văn Thử- một cử tri ở xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, cho biết: “Tôi rất hài lòng với ý kiến chỉ đạo cụ thể và chi tiết của Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tại Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, diễn ra từ ngày 5 đến ngày 8/7/2022. Các cấp chính quyền, nhất là lãnh đạo đầu ngành như: Chủ tịch, Trưởng Công an,… phải có trách nhiệm trong việc giải quyết đơn thư, bức xúc của người dân. Chứ đừng đùn đẩy, né tránh khi gặp phải đơn thư, bức xúc của người dân gửi đến, vì Luật đã có quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, đơn vị…”.