CHIẾC GÀ-MÈN TRONG NGỤC SƠN LA - Truyện ngắn của Mai An Anh Tuấn

Ngày Quốc khánh 2/9, cần nhớ tới sức mạnh lớn nhất của Dân tộc ta để vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt, chính là TÌNH THƯƠNG… Xin kể lại câu chuyện về một bậc «khai quốc công thần» trước Cách mạng mà tình thương của ông đối với đồng bào, đồng chí cho đến hôm nay, và cả mãi sau này vẫn là bài học cảm động nhất, có ý nghĩa nhất.

Đã hết giờ làm khổ sai một lúc lâu mà các trại giam vẫn vắng bóng người. Có dấu hiệu của gió Lào thổi sớm. Gió mỗi lúc một mạnh. Gió lồng lộng thổi qua rừng cây trên đồi Khau Cả. Những bức tường đá nhà tù khô xám, nhức mắt càng in hình rõ nét trên nền trời xanh lóa mắt không một bóng mây của trưa tháng ba.

Một người tù đeo số vuông(1) trạc ba lăm tuổi đang lúi húi bên đống đồ dùng quen thuộc với bất kỳ một anh-phiếc-mi-ê(2) nào: kéo phẫu thuật, bông băng, các lọ cồn, thuốc đỏ, i-ốt, những hộp thuốc tiêm các loại, v.v. Ông lau chùi kỹ từng dụng cụ, từng thứ chai lọ và xếp cẩn thận trong một túi in chữ thập đỏ bằng da đã cũ nhưng sạch sẽ lành lặn. (Vì đức tính cẩn thận, hay quan tâm đến vệ sinh và sức khỏe mọi người, đồng thời cũng có ít nhiều kiến thức y học, ông được tù chính trị cử ra làm y tá liên hệ trực tiếp với y tá nhà thương tỉnh).

unnamed-1-1630408484.jpg

Di tích lịch sử "nhà tù Sơn La"

Khi cơm tù nấu xong, ông chia sẵn từng phần để anh em về là có thể được ăn ngay. Đã có những toán đi làm lẻ trẻ trở về, người mệt mỏi, quần áo xốc xếch, mồ hôi nhễ nhại. Có toán may mắn hơn được lính coi tù cho nghỉ sớm mươi phút, đã nhảy xuống suối Mường La tắm rửa qua quýt. Sự mệt nhọc của những người trở về bỗng giảm đi phần nào khi họ được gặp một khuôn mặt gầy gò, vầng trán cao và có nụ cười dịu dàng thân thiết vô hạn.

- Tao đã định «ăn quỵt» cơm chúng mày một bữa cho biết thân. Gớm, còn quyến luyến gì mấy nàng sơn nữ, hả?...

Ông trách yêu những người bạn tù trẻ như thế.

Khi mọi người đã lấy cơm tù xong, người tù y tá bắt đầu trút phần cơm còn lại vào một chiếc gà-mèn. Ông cẩn thận xắn đôi và chậm rãi ăn một nửa…

Buổi trưa ngắn ngủi qua rất mau, giờ làm khổ sai buổi chiều sắp tới. Người tù y tá đến bên một người tù số vuông trẻ tuổi, lay anh ta dậy:

- Này, này, dậy tớ nhờ một việc.

Người tù trẻ vùng vằng một lúc rồi mới vươn vai, mắt nhắm mắt mở.

- Đang mệt chết người! Gọi gì ?... Ấy chết, em tưởng ai. «Đốc-tờ» gọi em đấy à ? – Người tù trẻ tỉnh hẳn, dụi mắt.

- Tớ muốn nhờ cậu một việc, rồi muốn hướng dẫn cậu luôn cái nghề y tá mèng này nữa.

- Được, anh bảo gì em cũng nghe, sai đâu em cũng đến, nhưng cóc cần cái nghề «lang băm» của anh!

- Cậu cứ coi thường đi. Không có nó thì khối anh em ta đã phải ra nghĩa địa Gốc Ổi(3) rồi! Thôi, lại đây tớ bảo. Cậu biết chỗ tớ để gà-mèn đựng suất ăn bên hộp đun nước tiêm không? Rửa sạch đi, giúp tớ với!

- Tuân lệnh «đốc-tờ»!

Chàng trai nhảy phóc đi. Người tù y tá nhìn theo cười âu yếm.

Người tù này mới lên trong công-voa(4) tù tuần trước, nổi tiếng vì sức khỏe, hay giúp đỡ người khác trong mọi công việc nặng nhọc. Anh ta bị bắt vì có chỉ điểm trong khi làm liên lạc cho một Khu ủy. Trước khi bị kết án khổ sai 5 năm đày đi Sơn La, anh đã bị tra tấn chết đi sống lại nhiều lần và chỉ một mực nói rằng: «Tôi chỉ hoạt động có một mình thôi, không có ai để liên lạc cả; nếu các ông có bắt thì phải bắt hết, vì tất cả người Việt Nam yêu nước đều muốn làm cách mạng lật đổ các ông!» Một người trong đoàn tù mới lên kể cho ông nghe những điều này. Ông thấy yêu chàng trai này quá; cậu ta gợi cho ông nhớ lại cả tuổi trẻ của mình… Tiếng gọi cắt đứt dòng suy nghĩ miên man của ông:

- «Đốc-tờ» ơi, gà-mèn còn cơm đây này, sao anh không ăn hết đi?

- Thế à… Gay quá nhỉ? Nhưng dễ giải quyết thôi. Này nhé, cậu cố gắng ăn hết giúp tớ đi! Tớ xẻ ra một nửa đấy, không phải ăn thừa đâu!

Chàng trai giãy nảy:

- Chết, anh phải gắng ăn cho hết suất chứ. Với suất cơm «còm» mà anh xử sự như thế, anh định lo sức khỏe cho ai ?

Người tù y tá liền nhăn mặt, ôm bụng, lắc đầu:

- Trời ơi! Cậu thương tớ, «ăn thì nhỡ, dở thì vương». Tớ đau bụng, phải cố gắng lắm mới ăn được từng ấy đấy. «Làm» giúp tớ đi thôi!

Và chỉ một lúc sau đó đã nghe thấy tiếng thìa vét gà-mèn. Có lẽ âm thanh đó đối với ông còn hay hơn tất thảy mọi bản nhạc trên đời này.

Trong lao «cấm cố» có một người tù số vuông mang án tù chung thân ở lâu nhất, đó chính là người tù y tá. Ông lên Sơn La trong một công-voa 210 tù chính trị năm 1933. Đó là lần đầu tiên kể từ cuối năm 1930 thực dân Pháp đày lên Sơn La nhiều tù chính trị đến như vậy. Cho đến nay hơn mười năm đã qua, lần lượt nhiều lớp tù đi rồi đến vùng «ma thiêng nước độc» này, nhưng không hiểu sao ông vẫn cứ phải nằm lại một chỗ. Người tù này từng trải qua tay nhiều viên công sứ, giám binh, chúa ngục, cai, đội, quản, nhưng hầu hết bọn họ đều không dám có thái độ xấc xược đối với ông, thậm chí có người kính nể ông thực sự… Ông có giọng nói từ tốn, ánh mắt kiên nghị, một đức độ, một sức mạnh tinh thần toát ra từ mỗi cử chỉ, dáng điệu, khiến không một ai đủ can đảm ra uy hay thiếu trung thực trước ông. Con người ấy dường thấu hiểu mọi biểu hiện của lòng người, dễ cảm thông, dễ tha thứ cho những gì yếu đuối của người đời. Nếu không biết rõ lai lịch của ông, khó ai có thể đoán được ông đã từng có một tuổi trẻ sôi nổi, hay tìm kết bạn, đã nếm đủ mùi gian nan gai góc trên đường đời, từng khóc bỏ ăn mấy ngày khi nhà Cách mạng Nguyễn Thái Học và 12 chiến hữu trung kiên bị xử án chém, từng nhiều lần bị mật thám theo dõi ở trong nước cũng như ở nước ngoài, từng cắt cổ giả tự tử để trốn thoát ngục Hỏa Lò… Dấu vết của thời kỳ ấy hiện còn để lại cho ông hai cái án khổ sai chung thân, đọng ở đôi mắt cương nghị và đôn hậu, khi u uất nỗi buồn khi sáng láng niềm tin.

238221362-4907783322613207-6187557013781877806-n-1630408395.jpg
Đạo diễn, Nhà báo Mai An Anh Tuấn lưu niệm bên cây đào Tô Hiệu tại Di tích nhà tù Sơn La

Ông hay có dịp chia cơm tù cho anh em, vì ông được tín nhiệm chia nhanh chia đều đã đành, nhưng chính vì ông cảm thấy mình có nghĩa vụ tự nhiên phải làm công việc này. Ông cũng là người được cử đứng ra chia phần các món quà từ bên ngoài gửi vào, sau khi để ra một phần cho vào «quỹ cứu tế» nhà tù. Khi có người phản đối các sự chia bôi: «Chúng mình là người cách mạng, cần gì phải chia, chuyện vặt ấy mà», ông gạt ngay: «Người cách mạng lại càng phải công minh, chính trực. Việc tuy nhỏ, nhưng là để giữ gìn một cái gì lớn hơn nhiều». Lần nào cũng vậy, khi chia phần cơm xong, ông vờ lảng đi chỗ khác, khi anh em lấy xong cả, ông mới quay lại lấy phần cuối cùng của mình.

Ông nhiều lần dùng đến thủ thuật «nhờ rửa hộ» chiếc gà-mèn nổi tiếng của ông – trong đó đôi khi cũng có cả một miếng sườn lợn, hay một mẩu bánh chưng, một khoanh giò «sản phẩm tăng gia» của anh em tù. «Đối tượng quan tâm» đặc biệt của ông là những người ốm, những người tỏ ra «hơn người» trong việc chịu đựng những thử thách khắc nghiệt của chế độ lao dịch, hay những người có dịp bộc lộ một phẩm chất cao cả nào đó trong hoàn cảnh phi nhân. Ông cũng chẳng nghĩ đó là sự «thiên vị». Mà lạ thay, những người được «đốc-tờ» gọi rửa hộ chiếc gà-mèn vài lần cũng không để tâm nhiều lắm đến cái điều đặc biệt này.

Thế nhưng có một người tuy chưa được nhờ rửa gà-mèn đó lần nào lại phát hiện ra cái quy luật kỳ dị ấy. Anh ta mò đến chiếc gà-mèn «Thạch Sanh» và lén lút «rửa» nó trước khi được nhờ vả. Độ vài lần như vậy, người tù y tá ngạc nhiên vì không thấy người được nhờ rửa gà-mèn «kêu ca» như thường lệ.

Lần ấy, có vài miếng thịt nạc lẫn sụn trong gà-mèn, ông nhờ một người tù đang ốm rửa hộ. Khi người tù mở chiếc gà-mèn ra, cả hai người đều thấy rỗng không. Dĩ nhiên người tù ốm không lấy gì làm lạ, lại thấy tự hào vì mình thoát một vài ngày khổ sai nên có thể giúp được «đốc-tờ» mấy việc lặt vặt. Nhưng người tù y tá bất giác ứa một giọt nước mắt. Hóa ra, đã nhiều lần ông nhờ bạn tù làm giúp một cách vô lý, không công! Nhất là ông đã quấy rầy nhiều giấc ngủ trưa quý giá vì một việc rất nhỏ mọn, không đáng nhờ, là rửa hộ chiếc gà-mèn! Nhưng ông còn buồn vì một lẽ khác…

Chẳng mất nhiều thời gian, ông đã tìm ra «thủ phạm»: một chàng trai mới lớn, ria mép bắt đầu lún phún, dáng ngộc nghệch cao to, mới được giác ngộ cách mạng một năm nay, bị bắt trong một lần rải truyền đơn ở một trường học. Tối hôm đó, sau giờ điểm danh, người tù y tá gọi cậu ta lại và trò chuyện khá lâu. Tới lúc câu chuyện gần cạn, ông mới nói vui:

- Cậu là đứa trẻ con «ăn vụng chưa biết chùi mép» đâu nhé! Nhưng cậu cũng giỏi mò đấy, cái gà-mèn của tớ không may rơi vào tay một «đối thủ» ranh ma như cậu…

Không ngờ câu nói nhẹ nhàng đó lại có một tác động ghê gớm; người tù trẻ run lập cập, thốt ra những lời vô nghĩa đứt quãng, như bị bắt quả tang làm một điều phi pháp không thể dung thứ được. «Đốc-tờ» vội cười xuê xoa ngay:

- Không sao, không sao cả! Tớ không ăn được hết, để dành cho các cậu chứ cho ai!

Ngừng một lát ông nói thêm:

- Chuyện này cũng chỉ mình tớ biết thôi, vì gà-mèn của tớ mà lỵ, ai “thám hiểm” vào đấy làm gì…

Giọng ông chợt trầm hẳn, xa xôi, thầm thì, phải lắng nghe mới hiểu hết, và có sức âm vang cả đời người:

- Anh biết chú là một thanh niên tốt ( Ông cũng không hiểu sao tự dưng thay đổi cách xưng hô). Chỉ vì không chịu được những cảnh nô lệ, ngang trái, bất công nên chú tìm đến với Cách mạng. Đó là nguồn gốc sức mạnh của mỗi chúng ta, kẻ thù không sao hiểu nổi… Nhưng nếu chỉ như thế, không đủ, cùng lắm chúng ta chỉ trở thành những kẻ phá phách, liều mạng, thậm chí khi đã thỏa mãn quyền lợi rất dễ trở thành kẻ phản bội lý tưởng… Tôi vẫn hằng tâm niệm: ngay trong những hoàn cảnh sống tồi tệ, khắc nghiệt nhất, mình cũng cần duy trì những nguyên tắc sống đẹp… Chúng ta hơn kẻ thù trước hết là ở chỗ đó… Thực ra, có những điều tưởng chừng không đáng kể, nhưng nếu coi thường nó, một vết nứt dưới chân ta sẽ hiện ra và ngày một lớn dần lên. Khi rơi vào cái hố đó, người ta khó gượng dậy và đi lên được, sẽ có nguy cơ mãi mãi chìm trong vũng bùn của ích kỷ, gian tham, tội lỗi, dù kẻ đó có thể được một cái vỏ vững chắc để bảo vệ hay sẽ leo lên được một địa vị cao để ẩn náu…

Người tù trẻ đã gục đầu vào gối mình mà khóc. Cái đầu tù cạo trọc nham nhở thỉnh thoảng rung lên trong tiếng nấc. Anh khóc vì xấu hổ và ân hận thì ít mà khóc vì niềm xúc động nghẹn ngào, vì một tình yêu thương trĩu nặng trong những lời nói âm thầm xuyên qua bóng đêm kia thì nhiều…

Người thanh niên ấy sau này trở thành một cán bộ cao cấp trong quân đội. Ông vẫn kể lại câu chuyện này cho con cháu nghe với một cảm xúc khiến không ai cầm được nước mắt, như ông đã từng khóc cách đó hơn ba mươi năm về trước.

Còn người tù y tá, người được gọi một cách trịnh trọng là “đốc-tờ” hay “đốc-tờ Sao” đó, chính là đồng chí Sao Đỏ, sau này là phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng kính mến của chúng ta.

___________

1. Tù chính trị CS đeo số tù hình vuông, phân biệt với tù thân Nhật đeo số tù hình thoi

2. Y tá

3. Nơi chôn tù dưới chân đồi Khau Cả, nay là Nghĩa trang Tô Hiệu

4. Chuyến đi

(Câu chuyện trên do một phụ huynh học sinh của tôi - nhà thơ Lò Văn Mười, nguyên là đội khố xanh nhà tù Sơn La có cảm tình với CM kể lại. Đó cũng là truyện ngắn «đầu lòng» của một anh giáo khổ Tây Bắc, được nhà văn Xuân Thiều biên tập và in trong Tạp chí Văn nghệ Quân đội tháng 9/1981).