Có hay không những dấu hiệu lừa đảo để trục lợi từ vụ việc "bác sĩ Khoa"?

Ngày 10/8, Công an TPHCM cho biết đã yêu cầu Phòng An ninh chính trị Nội bộ và Phòng an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao phối hợp làm việc với Sở Thông tin - Truyền thông và Sở Y tế Thành phố để làm rõ ai đứng đằng sau nhóm “bác sĩ Khoa” và xem xét liệu đây có phải là hành vi lợi dụng lòng tin lừa đảo để trục lợi từ hoạt động từ thiện giữa mùa dịch.

Tại cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch diễn ra trên địa bàn TPHCM diễn ra vào sáng ngày 10/8, ông Nguyễn Đức Thọ - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố một lần nữa khẳng định rằng thông tin “bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ để nhường oxy cho sản phụ” là hoàn toàn bịa đặt.

“Cơ quan chức năng đang tập trung làm rõ danh tính, dấu hiệu trục lợi từ “nhóm bác sĩ Khoa” để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”- ông Thọ nói và thêm rằng, đơn vị đang phối hợp với cơ quan công an và các lực lượng khác tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến thông tin giả gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội xuất phát từ tài khoản “Facebook Trần Khoa” và những người liên quan.

15a-8617-1628641141.jpg
Nhóm “bác sĩ Khoa” lấy ảnh một bác sỹ ở Singapore để lập Facebook tung tin giả

Theo ông Thọ, bước đầu xác định, nhóm trên đã lập ra các tài khoản mang tính chất giả nhưng lại tương tác thật trên mạng xã hội. Nhóm này đã đưa những thông tin mang tính chất bịa đặt, không có thật với những câu chuyện cảm động theo kiểu lấy nước mắt của cộng đồng, trong đó nội dung “bác sĩ Khoa” đã rút ống thở của mẹ mình để cứu sản phụ mang song thai đang nguy kịch là một trong những thông tin được chia sẻ rất nhanh trên mạng xã hội.

“Hiện tài khoản Facebook “Trần Khoa” đã khóa, cơ quan chức năng đang khẩn trương xác định danh tính người sử dụng tài khoản trên. Qua tổng hợp dữ liệu ban đầu, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với cơ quan công an thành phố và các đơn vị nghiệp vụ an ninh mạng tập trung điều tra làm rõ dấu hiệu lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi từ nhóm “bác sĩ Khoa” và những thông tin nhằm mục đích chống phá hoặc bôi nhọ chế độ chính sách của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, tạo hoang mang trong xã hội”- ông Thọ cho hay.

Theo ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết thêm, khi phát hiện vụ việc các đơn vị liên quan đã khẩn trương trao đổi cung cấp thông tin tới Bộ Thông tin &Truyền thông và xin ý kiến chỉ đạo của Ban tuyên giáo Thành ủy. Theo đó, mọi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Ngày 9/8, hai tài khoản chia sẻ thông tin không đúng sự thật từ Facebook Trần Khoa đã bị xử phạt là Nguyễn Đức Hiển và Hoàng Nguyên Vũ. Khi làm việc với cơ quan chức năng cả hai chủ tài khoản trên đều thừa nhận đã vội vã chia sẻ nội dung từ Facebook Trần Khoa mà chưa kiểm chứng thông tin. Sau khi phát hiện sự việc không có thật, cả hai tài khoản trên đã gỡ bài và đăng lời xin lỗi.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT CÓ LIÊN QUAN

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, đến nay, cơ quan chức năng kết luận vụ việc bác sĩ rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ là giả mạo nhưng tài khoản "Trần Khoa" là thật, ai là người sử dụng tài khoản này để đăng tải thông tin không đúng sự thật lên mạng chính là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cụ thể, luật sư Chánh cho rằng việc tạo dựng và chia sẻ một câu chuyện, một nhân vật giả mạo lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại điểm a, khoản 1, điều 101 nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:

"Hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Mức phạt tiền này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (khoản 3, điều 4 nghị định 15/2020/NĐ-CP).

Bà Nguyễn Thị Kim Vinh - nguyên thẩm phán TAND tối cao - bổ sung thêm: "Những người đăng tải thông tin sai sự thật bị buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đó theo khoản 3, điều 101 nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Những cá nhân tạo dựng câu chuyện, nhân vật giả mạo để đưa lên không gian mạng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật mà mình đã đăng tải" - bà Vinh nói.

Như vậy, tùy theo mức độ vi phạm của hành vi cụ thể, những cá nhân tạo dựng câu chuyện, nhân vật giả mạo để đưa lên không gian mạng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng và bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật mà mình đã đăng tải.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh cho biết thêm, "nếu việc tung tin đồn giả mạo này nhằm mục đích lợi dụng lòng tốt và chiếm đoạt tiền quyên góp của những nhà hảo tâm thì đây là hành vi có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Nếu người dựng lên câu chuyện biết rõ việc cá nhân hoặc nhóm cá nhân nào đó lợi dụng để chiếm đoạt tài sản thì hành vi này có thể bị xem xét là đồng phạm giúp sức trong vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Nguyên thẩm phán Nguyễn Thị Kim Vinh bổ sung thêm: "Tại điều 8, Luật an ninh mạng năm 2018 đã quy định rõ về nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Người có những hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1, điều 288 Bộ luật hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.

Ngoài ra, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 quy định điểm 1.4 "…người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về "tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính viễn thông" theo quy định tại điều 288 Bộ luật hình sự. (Theo Tuổi trẻ)