Phóng viên: Chị có thể nói thêm về tính ưu việt của đạo Mẫu?
Nghệ nhân Ưu tú Trần Ngọc Ánh: Hình tượng Mẫu Mẹ tự nhiên đã là Tượng đài trong lòng dân tộc Việt. Tôi nghĩ có bốn nét rất đặc trưng của bổn Đạo như sau:
Thứ nhất, Đạo Thánh Mẫu mang sắc thái Văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt. Sự gắn kết văn hóa từ trong lòng dân tộc đã trở thành lá chắn trước mọi xâm thực từ phía ngoài du nhập vào Việt Nam. Ấy là việc tôn thờ tổ tiên của mọi dòng họ, tôn thờ thần linh là người từ trong mỗi dòng họ và trong các làng bản, vùng miền. Không lai căng, không bị chi phối từ phía ngoại lai là đặc thù của tín ngưỡng thờ Mẫu. Tín ngưỡng đã thể hiện rành mạch trong các bản văn hầu truyền từ đời này qua đời khác. Mỗi giá hầu một vị Thánh, thì lễ phục, trang phục của những người thực hành tín ngưỡng cũng thể hiện sắc thái văn hóa vùng miền rõ nét.
Như đã nói, xuất phát từ quan niệm vũ trụ luận nguyên sơ, người Việt cổ hình thành tín ngưỡng dân gian trên cơ sở hình thái tín ngưỡng phồn thực. Bởi thế lễ phục, trang phục của mỗi giá hầu cũng thay đổi phù hợp. Chẳng hạn, hầu các giá Quan, giá Hoàng, ngoài bản văn mang tính kể lại Thánh tích, công đức, lịch sử và mọi trạng thái của vị Thánh thì trang phục của từng vị luôn phù hợp về sắc màu Tam, Tứ Phủ. Thượng Thiên màu đỏ, Thượng Ngàn màu xanh, Thoải Phủ màu trắng, Địa Phủ màu vàng.... Cho đến các giá Chầu, giá Chúa cũng thế. Bà Chúa Mường ăn mặc kiểu dân tộc Mường. Cô Bơ Thoải trang phục kiểu người khuê các vùng sông biển. Cậu Bé Đồi Ngang thì mọi động thái như một thiếu niên vùng đồi núi... không lẫn vào đâu được.
Tính biệt lập của Đạo bản địa sẽ tạo nên giác ngộ bất biến của “Niềm tin Tôn giáo” bền vững vào tiên tổ và các thế lực Thánh minh của dân tộc họ.
Xin nêu thêm một ví dụ: Phật giáo vào Việt Nam rất sớm. Đến thế kỷ XIII - XIV Phật giáo dường như trở thành Quốc Đạo, nhất là khi Lý Thái Tổ được sinh ra và trưởng thành từ ngôi chùa thờ Phật. Đến thế kỷ XV, Phật giáo mất dần vai trò chính trị ở cung đình, lòng dân nghiêng về tín ngưỡng thờ Mẫu. Ngay lập tức, Phật giáo chuyển hóa rất nhanh bằng cách chấp thuận uy lực của Thánh Mẫu. Từ đó Phật Mẫu ra đời.
Bản thân Tiên Chúa Liễu Hạnh trở thành “Mã Vàng Bồ Tát”. Nghĩa là Thánh Mẫu cũng là một vị Bồ Tát trong hệ thống Phật Giáo. Cũng từ đó bên cạnh những ngôi chùa lớn của Phật giáo đều có thêm đền thờ Mẫu với quan niệm “Tiền Phật Hậu Mẫu”. Rõ ràng dòng văn hóa Phật đã hòa vào dòng văn hóa Thánh Mẫu như một sự hợp lưu tự nhiên.
Tuy vậy, Thánh Mẫu vẫn minh bạch trong ứng xử. Thưởng phạt vô cùng rõ ràng, phân minh, nhằm hướng con người vào đời sống cụ thể hàng ngày. Thánh Mẫu không chấp nhận việc gây tội lỗi mà xin sám hối là xong, là kiếp sau của họ không phải gánh nghiệp chướng. Bởi thế, không ít kẻ kính sợ Thánh Mẫu.
Thứ hai, Đạo Thánh Mẫu không cạnh tranh hoặc hiềm khích với bất kỳ tín ngưỡng tôn giáo nào. Với đặc tính thiên bẩm của người Mẹ tràn đầy tình thương, lòng nhân ái, tính ôn hòa và bao dung, sống tận tụy với gia đình, làng xóm, dòng họ. Người Mẹ luôn biết tôn trọng người khác và biết dung hòa các mối quan hệ trong cộng đồng. Từ đó đặc trưng của Đạo Mẫu không đối lập hoặc độc tôn trong tín ngưỡng (trừ việc vẫn giữ quan điểm trừng trị cái ác, bảo vệ cái thiện).
Vì thế các vị tín đồ có quyền tự do lựa chọn tin theo cùng lúc những tín ngưỡng tôn giáo khác. Điều này thấy rõ trong các gia đình người Việt. Họ vừa thờ Gia tiên vừa thờ Mẫu, thờ Phật hoặc thờ Chúa. Đó là hình thức phối thờ. Không sao. Không ai đố kị hoặc cấm kị. Ngược lại, các tín đồ của tôn giáo khác có thể đến với Mẫu bình đẳng như người con của Mẫu, chứ không có sự phân biệt tín ngưỡng tôn giáo.
Trong lịch sử loài người từng xảy ra những cuộc chiến tranh tôn giáo khốc liệt và dai dẳng. Những cuộc thập tự chinh làm máu chảy tràn trên mặt đất... Nhưng chưa bao giờ Đạo Mẫu Việt Nam tham gia vào những phe phái tham chiến. Bởi vậy ở Việt Nam có thời kỳ Tam Giáo Đồng Nguyên. Và dường như các tôn giáo du nhập đều chọn con đường hòa nhập vào dòng văn hóa Mẫu bản địa. Phật Mẫu - Mẫu Phật hoặc Đức Mẹ MaRia hay Thánh Tê rê sa hài đồng đều được dân tộc Việt Nam tôn trọng.
Tôi cho rằng, các bậc “Thần Linh Tiên Thánh” trên đời đều là ánh sáng của vũ trụ. Đều là những thành tố trong vũ trụ. Bởi vậy các “nhà ngài” không bao giờ che khuất nhau. Không bao giờ cạnh tranh và đố kị nhau.
Thứ ba, con đường của Thánh Mẫu là hướng con người vào đời sống thực tại ngay khi đang sống, chứ không chỉ biết tới thế giới sau khi chết. Đời sống thực tại của người Việt cần yêu thương, cần tự do, công bằng, hạnh phúc và no ấm. Đấy mới là thiên đường của họ. Muốn vậy, con người phải được giải phóng tinh thần, được tự do lựa chọn cuộc sống của họ trong một môi trường hạnh phúc gia đình, có ông bà, cha mẹ, người thân và làng xóm.
Người Việt xác định: Gia đình là tế bào của xã hội. Đời sống gia đình nó rất cụ thể với từng cá thể các thành viên. Người ta lấy nền tảng của cuộc sống thực tại làm nền tảng của cuộc sống linh hồn (sau khi chết). Nghĩa là khi anh chị sống hạnh phúc, đủ đầy và mãn nguyện thì linh hồn cũng được mãn nguyện sau khi “rời cõi tạm” chốn trần gian.
Trong đời sống luôn luôn có phát sinh. Lúc vui lúc buồn, khi thuận buồm, khi bế tắc... xét từ các giáng bút, bậc “Tiên Thánh” đều nhắc nhở, chỉ đường cho hậu thế phải biết giới hạn mọi ham muốn. Phải biết yêu thương bản thân và đồng loại. Đấy cũng là quan niệm về đức Tu của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Đánh giá sự giác ngộ về đức tin của cộng đồng về tín ngưỡng thể hiện ở hệ thống Đền, Phủ, Điện thờ Mẫu rộng khắp trên mọi miền đất nước, với lượng tín đồ đông đảo nhất so với mọi tín ngưỡng tôn giáo khác. Đặc biệt là sau khi tổ chức UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016.
Thực ra trong lực lượng hành đạo của Đạo Mẫu, họ có chức năng bảo tồn “nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo” chứ không có chức năng tổ chức, sắp xếp và tuyên truyền vận động hay xây dựng thiết chế tôn giáo, do chưa có giáo hội, và bản thân Đạo Mẫu cũng chưa bao giờ là một định chế xã hội. Việc thả nổi kéo dài tất dẫn đến một số mặt yếu kém, những hạn chế và bất cập trong lực lượng hành đạo. Do vậy, trong đời sống cộng đồng không ít những ý kiến trái chiều về thanh đồng và tín ngưỡng. Đã vậy, sự thêu dệt từ phía nhiều tầng lớp người trong xã hội càng làm phức tạp thêm bản chất của tín ngưỡng tâm linh bản địa.
Thứ tư, Đạo Thánh Mẫu chưa bao giờ tham dự triều chính nên chưa bao giờ có tham vọng hoặc xung đột với các thế lực chính trị cũng như các thế lực tôn giáo khác. Điều này hoàn toàn không đối trọng với thể chế, đơn giản vì đối tượng tôn thờ của Đạo Mẫu là các vị anh hùng dân tộc, có công với dân với nước. Ngay từ xa xưa, vua Lê Huyền Tông biết rõ việc quận công Phan Văn Thái phụng mệnh đi tiễn trừ lũ giặc quấy nhiễu biên cương. Được Đức Thánh Mẫu phù hộ độ trì, quận công đã nhanh chóng thắng trận trở về. Nhà Vua mừng lắm, liền hạ chiếu gia phong “Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương” và sắc cho ba tổng sở tại được miễn sưu thuế để hương khói phụng thờ Đức Thánh Mẫu Đại Vương.
Chúng tôi đã đự lễ hội Hòn Chén bên dòng sông Hương (Huế). Một bên sông là Điện Ngọc với danh xưng “Mẫu nghi thiên hạ” vẫn ngời ngời qua bao thế kỷ. Bên này sông là Đại Nội (Kinh thành Huế) hoang phế bao triều vua. Đây chỉ còn là di tích như lời nhắc nhở muôn đời của càn khôn với các bậc đế vương.
Như đã nói, ở thế kỷ XIII - XIV, Phật giáo được xem là Quốc Đạo. Các vị Cao Tăng tham dự triều chính với vai trò “Quốc Sư”. Trong mọi trường hợp cần thiết, nhà vua đều thỉnh ý kiến của quốc sư để điều chỉnh phương pháp quản trị đất nước. Đến thế kỷ XV, vai trò của Phật giáo không còn như trước thì văn hóa Phật nhanh chóng hòa vào dòng văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu để Thánh Mẫu trở thành Bồ Tát (Mã vàng Bồ Tát) trong hệ thống Phật Giáo...
Còn nữa...