Di sản Văn hóa vô giá
Theo Nguyễn Thức - Kim Dung, đền Diên Cờ trước đây gồm các hạng mục chính: Thượng điện, trung điện, hạ điện, nghi môn, sân.
Trước Cách Mạng tháng Tám (1945), đền từng là căn cứ cách mạng, là nơi các đảng viên thuộc Chi bộ Đảng Nghi Lộc hội họp bí mật để nhận định tình hình và chỉ đạo cách mạng.
Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), đền Diên Cờ là trụ sở của Ủy ban Hành chính kháng chiến huyện Nghi Lộc.
Những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, về cơ bản, đền chỉ còn lại ba gian thượng điện, với kết cấu gỗ, tường xây gạch, mái lợp ngói xi măng. Tuy nhiên, di tích luôn giữ vai trò là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng, đồng thời, là nơi để các thế hệ con em của Diên Cờ đi làm ăn xa xứ hướng về…
Từ lâu, mong ước phục hồi di tích luôn được nung nấu trong tâm thức của người dân Diên Cờ nhưng mãi chưa thực hiện được.
Đến năm 2009 - 2010, di tích đã được đầu tư tôn tạo, phục dựng, với sự đóng góp của nhân dân sở tại và khách thập phương. Trong đó nổi lên là sự đóng góp của gia đình cụ Nguyễn Đăng Cẩn và cụ Nguyễn Thị Sinh, đặc biệt là người con cả - Đại tá, Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp, cùng sáu người em trai (Nguyễn Đăng Ngọ, Nguyễn Đăng Hiền, Nguyễn Đăng Hùng, Nguyễn Đăng Trung, Nguyễn Đăng Hiếu, Nguyễn Đăng Thuận), đều là sĩ quan trong quân đội Nhân dân Việt Nam.
Sau ba năm phục dựng trên cơ sở khoa học và những tư liệu lịch sử để lại, đến ngày 15/7/2012, công trình đã khánh thành, được quy hoạch trong khuôn viên rộng 7.000m2, với 9 hạng mục chính: Thượng điện (cung đệ nhất), trung điện (cung đệ nhị), hạ điện (cung đệ tam), nhà hóa vàng, nhà phục vụ, núi đất, nghi môn, sân và bia đá. Những hạng mục này đều được phục dựng, tôn tạo theo lối kiến trúc truyền thống.
Về cơ bản, kiến trúc đền hiện nay đã được phục dựng theo một trật tự nhất định của truyền thống. Mở đầu là nghi môn khá đồ sộ, với ba cửa vào, hình vòm cuốn ở tầng đế, thoáng. Từ nghi môn, theo đường thần đạo, vào cung đệ nhất. Trước mặt tòa này là bức bình phong, với ý nghĩa để chống quỷ dữ và khí độc thâm nhập vào chính điện. Sát phía trước của bình phong là tượng hổ bằng đá, với tư cách là thần linh cai quản mặt đất, có khả năng trừ tà, sát quỷ, đồng thời, cũng biểu trưng cho uy lực của nhà thánh.
Sau bình phong, qua một khoảng sân hẹp là đến cung đệ nhất, với kiến trúc ba gian, hai chái lớn. Tòa này, được kết cấu theo kiểu hai tầng tám mái, với các góc đao cong duyên dáng. Nền của tòa này được bó vỉa đá để xác nhận về một “không gian thiêng” của thánh thần… Ở mặt đứng kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, đối với những tín đồ, bao giờ họ cũng mong muốn, khi hành lễ, thắp hương được đứng trong dòng chảy sinh lực thông tam tầng vũ trụ: Thiên - địa - nhân.
Trong kiến trúc đền Diên Cờ cũng rất dễ nhận ra điều này, đó là: mái tượng trưng cho tầng trời. Ý thức này ít nhiều đã chịu sự ảnh hưởng của Nho giáo, để cầu cho muôn vật ngày một tăng trưởng theo ước vọng của con người, hợp với tư duy nông nghiệp muôn thuở của người Việt. Và, đó cũng là ước vọng của những người con Diên Cờ xưa và nay.
Kết cấu của cung đệ nhị như là sự lặp lại kết cấu của cung đệ nhất. Tuy nhiên, kiến trúc lại được dựng trên nền cao hơn 2 bậc (khoảng 30cm). Hai cung đệ nhất và đệ nhị ít nhiều chịu ảnh hưởng của kiến trúc Huế, như đã xuất hiện hình thức hồi long ở bờ nóc, đặc biệt là ở cổ diêm giữa hai tầng mái, được bưng lại, với hình thức chia ô, mà ít nhiều chúng ta như thoáng thấy bóng dáng của hình thức điêu khắc truyền thống.
Sau cung đệ nhị là một khoảng sân rộng, dẫn vào cung đệ tam, nơi đây thờ những vị thần chính của cả quần thể kiến trúc này. Các kiến trúc sư và chủ hưng công đã khẳng định vị trí trọng tâm thờ tự của tòa này bằng cách đặt nó trên một nền cao nhất - 9 bậc (cửu trùng), với kết cấu 5 gian, 2 chái và mặt đứng với 3 tầng mái, 12 góc đao cong, hai lần cổ diêm.
Dù cung đệ nhất, đệ nhị hay đệ tam, suy cho cùng đó là sự tổng hòa, tổng hợp từ những đặc trưng kiến trúc cổ truyền Việt. Cũng là sự sáng tạo, phát triển của đương đại, với khát vọng muôn đời, muôn thuở: thiên - địa - nhân (trời - đất và người) hợp nhất...
Những giá trị hiện hữu
Xưa, tại đền, ngày 19 - 22/1 Âm lịch hàng năm, diễn ra một kỳ lễ hội với quy mô lớn, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng, vùng phụ cận và du khách thập phương về dự. Tổ chức lễ đại tế này là nhân dân của 4 giáp làng Đông Chử, mỗi giáp luân phiên nhau tổ chức một năm. Lễ hội được chia làm 2 phần rõ rệt.
Phần lễ gồm lễ khai quang tẩy uế (làm tổng vệ sinh ở khu vực nội, ngoại thất đền); Lễ mộc dục (tắm rửa tượng, các đồ tế khí); Lễ yên vị (đưa các đồ tế khí trở về vị trí cũ); Lễ yết cáo (báo cáo với trời đất, thần linh ngụ phương long thần bản xứ, ngụ tự phúc thần); Lễ đại tế (hiến dâng vật phẩm, tấu nhạc, đọc văn…); Lễ tạ (cảm ơn trời đất, các vị thần linh đã về dự lễ và ban phúc).
Về phần hội, tại đền Diên Cờ tổ chức nhiều trò chơi dân gian vào dịp đầu năm, như: Chơi đánh đu, đấu vật, chơi cù, đánh cờ tướng, đánh cờ người, đá cầu, múa sư tử, múa lân.
Làng Đông Chử xưa phổ biến việc hát đối (hát ghẹo) theo giọng hát đò đưa (âm điệu hát phường vải), diễn chèo, tuồng, đặc biệt các vở Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trương Viên. Nay, phần lễ hội tại đền đã được nhân dân địa phương khôi phục lại rất chu đáo, thu hút đông đảo du khách gần xa về thăm viếng và thưởng ngoạn.
Lễ hội nhằm tôn vinh và tri ân các vị thần có công với dân, với nước, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người dân nơi đây.
Đến với di tích, du khách không khỏi bần thần trước vẻ đẹp của kiến trúc, cảnh quan nơi đây. Không chỉ vậy, còn được đắm mình trong những câu chuyện kỳ bí, linh thiêng của các vị tiên liệt, thần chủ tại đền. Ngoài ra, những nghi thức tế lễ và các hoạt động khác trong ngày tế cũng chính là một trong những nét văn hoá đặc sắc, góp phần bảo lưu và gìn giữ những giá trị văn hoá phi vật thể mà cha ông đã dày công sáng tạo và vun đắp.
"Thành công của việc phục dựng, nâng tầm đền Diên Cờ là thành quả của chủ trương “xã hội hóa” các hoạt động phục hồi, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa tâm linh. Là công của, nhiệt tâm của nhiều người, mà công đầu thuộc về gia đình ông Nguyễn Đăng Cẩn. Nhiều người khẳng định: Không có gia đình ông Nguyễn Đăng Cẩn, không có Đại tá, Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp khởi xướng, đầu tư và lôi cuốn mọi người thì không có đền Diên Cờ được phục dựng, nâng tầm như hôm nay. Ở đây, nếu không có tố chất, bản lĩnh của người anh hùng dám vượt bỏ những thiên kiến hẹp hòi, vượt qua những trở ngại thuộc về “nhân tình thế thái” thì đền Diên Cờ với sự uy linh, hoành tráng cũng chỉ còn trong hoài niệm" - Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu.