Các cánh đồng mẫu lớn chuyên canh, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô hàng hóa như hồ tiêu, cà phê, điều, nhiều loại cây ăn quả đặc sản; chăn nuôi lợn và gà… từng bước hình thành và phát triển ở quy mô lớn trên đia bàn tỉnh Đồng Nai. Việc xây dựng và phát triển các mô hình cánh đồng lớn không chỉ xây dựng các mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ mà còn giúp sản xuất nông nghiệp đi theo quy hoạch đã đề ra và phù hợp với nhu cầu thị trường hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh, trong 120 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản của tỉnh thì có 16 chuỗi liên kết theo dự án cánh đồng lớn chuyên canh với 28 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia, tổng diện tích 5.521ha; hơn 100 chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, tỉnh dồn lực xây dựng các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung với cơ cấu sản xuất hiệu quả, phát triển mạnh các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực bảo đảm tiêu chuẩn cây, con "4 có" gồm có giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ ổn định và có thu nhập cao.
Để hình thành được nền nông nghiệp từ canh tác nhỏ lẻ, manh mún sang canh tác tập trung theo cánh đồng mẫu lớn thì một phần lớn là do tỉnh đã không ngừng đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống thủy lợi, chợ, kho bãi.
Có thể nói, thủy lợi cũng được xem là “cái gốc” để phát triển nông nghiệp bền vững. Bởi thủy lợi phát triển sẽ góp phần rất lớn trong sản xuất thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, cùng với đó hệ thống thủy lợi chống ngập úng trong mùa mưa bão, đặc biệt là phòng, chống hạn hán. Theo ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi Cục trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có 137 công trình thủy lợi đang hoạt động gồm 18 hồ chứa, 56 đập dâng, 39 trạm bơm, 24 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, tiêu thoát lũ. Tổng năng lực phục vụ tưới hàng năm đạt trên 50.800ha; tiêu thoát và ngăn mặn cho hơn 9.300ha.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho hay, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp, mở rộng các công trình thủy lợi kết hợp giao thông nội đồng phục vụ đa mục tiêu.
Đồng thời, đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi có trọng tâm, trọng điểm theo hướng đồng bộ, hiện đại, áp dụng công nghệ mới, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai 36 dự án thủy lợi. Chú trọng công tác quản lý vận hành sau đầu tư, nâng cao năng lực quản lý, khai thác từng bước hiện đại hóa công tác quản lý vận hành công trình. Khuyến khích kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới, cấu kiện mới và công nghệ hiện đại trong xây dựng công trình thủy lợi, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ quan và cảnh quan công trình.
Về đầu tư cho hạ tầng thương mại nông thôn, đặc biệt là chợ truyền thống, là một trong những tiêu chí quan trọng. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng rất chú trọng đến tiêu chí này vì phục vụ cho nhu cầu đời sống thiết yếu của dân cư nông thôn, đồng thời là kênh phân phối, tiêu thụ nông sản. Tính đến nay, toàn tỉnh có 166 chợ đang hoạt động với hơn 20.000 hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 18.000 hộ kinh doanh thường xuyên, ổn định.
Bên cạnh hệ thống chợ giúp lưu thông chuỗi hàng hóa nông sản, thì việc đầu tư vào hệ thống kho lạnh, bảo quản, chế biến nông sản là hướng đi lâu dài và bắt buộc của các doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Thực tế cho thấy, đơn vị nào xây dựng được hệ thống bảo quản sản phẩm tốt thì sẽ chủ động hơn trong việc dự trữ hàng cho đối tác cũng như phục vụ chế biến của mình. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hệ thống kho lạnh ngày càng tăng về số lượng. Ngoài ra, còn có hàng nghìn phương tiện xe lạnh và container lạnh phục vụ vận chuyển.
Nhờ logistics phát triển, nền nông nghiệp tỉnh Đồng Nai hàng năm được cung cấp một lượng lớn phân bón, vật tư và thức ăn chăn nuôi; vận chuyển, lưu thông hàng trăm tấn nông sản sản xuất đi các tỉnh trong nước và nước ngoài.