Góp vốn mua nhà, đất khi chưa có “sổ đỏ” sẽ chịu nhiều rủi ro

Mới đây, nhiều trường hợp người dân rất hoang mang khi đã góp vốn mua nhà, đất bằng “Văn bản thỏa thuận”, “Hợp đồng thỏa thuận góp vốn”… nhưng tài sản chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, sử dụng đất.

Cụ thể như trường hợp của bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, sinh năm 1978, ngụ tại Khu phố 6, Liên Nghĩa, Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, góp vốn vào tài sản được cho là của bà T.T.M.T, ngụ ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM, được xác định là 40 tỷ đồng. Bà Quỳnh Hoa có trách nhiệm đóng góp 50% giá trị tài sản với số tiền 20 tỷ đồng và đã chuyển đủ cho bà T.T.M.T sau khi ký “Hợp đồng thỏa thuận góp vốn nhận chuyển nhượng quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất”.

chuyen-nhuong-tai-san-chua-co-1-1662345833.jpg
Luật Đất đai.

Trong quá trình thực hiện giấy tờ tại Văn phòng công chứng thì vợ chồng bà Quỳnh Hoa phát hiện phần tài sản chuyển nhượng theo hình thức góp vốn nêu trên không thể thực hiện được vì phần đất trên xây dựng sai phép, cũng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định… Có thể thấy rõ, phần đất trên chưa có sổ, chỉ có giấy tờ thỏa thuận góp vốn là không đủ điều kiện bởi vì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có giấy chứng nhận mới được tiến hành và công chứng hoặc chứng thực như quy định dưới đây.

chuyen-nhuong-tai-san-chua-co-2-1662345831.png
Điều 188 Luật Đất đai.

Nhìn nhận vấn đề trên, luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Nếu có tranh chấp, cơ quan chức năng cần làm rõ việc góp vốn nhận chuyển nhượng tài sản không đủ điều kiện là do ý thức chủ quan hay khách quan. Nếu do ý thức chủ quan theo hình thức góp vốn để nhận tiền là đã có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi vì người nhận góp vốn biết rõ nguồn gốc đất không đủ điều kiện chuyển nhượng nhưng không thông tin rõ ràng đến người góp vốn là hành vi gian dối, vi phạm Điều 188 Luật Đất đai…”.

luat-dat-dai-1662345926.JPG
Luật sư Trần Công Ly Tao và phóng viên tham dự phiên tòa.