Hậu Giang: Khai mạc Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam

Tối ngày 12/12 Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam lần đầu tiên chính thức khai mạc tại Quảng trường Hòa Bình, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

xm41-2023-12-12-23-04-1702436815.jpg

Chương trình khai mạc Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023

Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 là một sự kiện thu hút dư luận trong nước và quốc tế. Festival Quốc tế ngành lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 diễn ra ở vùng đất có kênh Xáng Xà No được xem như con đường lúa gạo huyền thoại suốt một thế kỷ qua.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 với slogan “Gạo xanh - Sống lành”, ba tiêu chí hướng đến của lúa gạo Việt Nam tương lai: Vì người trồng lúa, vì người tiêu dùng, vì môi trường xanh.

Dành sự quan tâm đặc biệt cho sự kiện Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dù bận rộn cũng gửi đến một thông điệp tại lễ khai mạc. Bên cạnh đó, hàng ngàn người dân Hậu Giang và các tỉnh miền Tây Nam bộ đã quy tụ tại Quảng trường Hòa Bình, thành phố Vị Thanh để trực tiếp chứng kiến không khí rộn ràng khai mạc Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Lễ khai mạc được dàn dựng thành một chương trình nghệ thuật, do Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hà làm tổng đạo diễn. Mở đầu bằng tiết mục hát múa “Khát vọng hùng cường”, chương trình nghệ thuật được chia làm ba phần “Gieo hạt”, “Gồng gánh” và “Mùa gặt”. Những ca khúc lấy cảm hứng từ nông thôn và đồng hành đời sống nông dân nhiều năm qua như “Hạt gạo làng ta”, “Tình yêu của đất và nước”, “Hương lúa miền Nam”, “Đàn sáo Hậu Giang”, “Hát về cây lúa hôm nay” qua sự thể hiện của các ca sĩ Trọng Tấn, Cẩm Ly, Hương Giang, Trịnh Núi, Lê Minh Ngọc, Như Ý, Thanh Nhường... đã thêm một lần tô màu rực rỡ cho vẻ đẹp lúa gạo Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: “Nhiều thập niên về trước, “chạy gạo từng bữa” từng là nỗi lo toan thường nhật. Giờ đây, “cây lúa hôm nay” mở ra “đường lớn”: đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về sản lượng, và cả chất lượng.

Đặc biệt, Gạo Việt Nam được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới. Thành tựu này ghi nhận sự đóng góp miệt mài, cần mẫn của bao người gắn bó với cây lúa quê hương, từ người nông dân, hợp tác xã trực tiếp sản xuất, các chuyên gia, nhà khoa học, các thương lái xuôi ngược khắp nơi đến cộng đồng doanh nghiệp…, cùng hàng loạt cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, đã đánh thức tiềm lực của ngành hàng lúa gạo.

Hiện nay, trước những thách thức của biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo cần có những thích ứng linh hoạt để trở nên chuyên nghiệp và bền vững. Không chỉ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao mà còn góp phần kiến tạo nên một hệ sinh thái ổn định, an lành”.

Đồng thời, tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ: Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, cần cù, mến khách, yêu lao động. Đồng thời, Festival cũng quảng bá nền văn minh lúa nước hàng ngàn năm nay của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam cam kết thể hiện trách nhiệm của mình trước thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu, bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.