Lý Nhân Tông: Vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Vua Lý Nhân Tông làm vua từ năm 6 tuổi và đến khi mất là 62 tuổi. Tổng cộng Lý Nhân Tông ở ngôi được 56 năm. Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, khi tính thời gian trị vì lâu năm nhất thì người đó chính là vua Lý Nhân Tông, xếp sau vua Lý Nhân Tông, rồi đến vua Lê Hiển Tông (1716 - 1786) ở ngôi vua 46 năm từ năm 1740 - 1786.
vi-vua-mang-den-nhieu-diem-lanh-nhat-trong-su-viet-1725504064.jpg
Tranh minh hoạ trong bộ "Lịch sử Việt Nam bằng tranh". Nguồn: Internet

Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) ở ngôi 37 năm từ năm 1460 - 1497. Vua Tự Đức (1829 - 1883) ở ngôi 36 năm từ năm 1847 - 1883. Đây chính là bốn vị vua ở ngôi lâu năm nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Lý Nhân Tông, sinh năm Bính Ngọ 1066, tự là Càn Đức, thân sinh là vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072), thân mẫu là Nguyên Phi Ỷ Lan.

Năm Nhâm Tý 1072, vua Lý Thánh Tông băng hà, Lý Càn Đức lúc đó đang làm thái tử được lập lên nối ngôi, niên hiệu là Lý Nhân Tông. Vì hoàng đế còn nhỏ nên Nguyên Phi Ỷ Lan phải buông rèm nhiếp chính; Lý Đạo Thành làm Thái sư và phụ quốc Thái úy là Lý Thường Kiệt.

Khoa thi năm Ất Mão 1075, triều đình mở khoa thi Tam trường, còn được gọi là “Minh Kinh bác học” để chọn người có tài văn học vào làm quan. Khoa thi năm Ất Mão 1075 chính là khoa thi đầu tiên ở nước ta. Khoa thi này chọn được 10 người. Thủ khoa là Lê Văn Thịnh, về sau làm đến chức Thái sư.

Lúc bấy giờ ở bên Trung Quốc, vị vua thứ 6 của vương triều nhà Bắc Tống là Tống Thần Tông (1048 - 1085), trọng dụng Tể tướng Vương An Thạch (1021 - 1086), để cho thực hiện biến pháp. Trong kế hoạch thực hiện biến pháp của Vương An Thạch có kế hoạch chuẩn bị xâm lấn Đại Việt, cuối cùng đã bị Thái úy Lý Thường Kiệt đánh bại.

Thời vua Lý Nhân Tông, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng, chọn những nhà Nho tài giỏi vào giảng dạy.

Năm Bính Dần 1086, mở khoa thi chọn người có tài vào văn học vào Hàn Lâm viện, khoa thi năm đó có Mạc Hiển Tích đỗ đầu, được bổ làm Hàn lâm Học sỹ.

Đến năm Kỷ Tỵ 1089 định quan chế chia thành văn võ 9 phẩm. Quan đại thần có Thái sư, Thái phó, Thái úy, và Thiếu sư, Thiếu úy. Ở dưới quan đại thần có Thượng thư, Tả hữu Tham tri, Tả hữu Gián nghị đại phu, Bộ thị lang; Về võ ban có Đô Thống, Nguyên Súy, Tổng quản khu mật sứ, Khu mật tả hữu sứ, Đại tướng, Đô tướng, Chư vệ tướng quân…

Còn ở các châu quận văn thì có Tri phủ, Tri châu, võ thì có Chư lộ chấn, lộ quan.

Dưới thời vua Lý Nhân Tông trị vì, bản thân nhà vua sáng suốt, cơ trí, hiếu nhân kiệm ước, nên công việc mọi mặt vẫn luôn được thúc đẩy và phát triển mạnh khiến cho quốc gia trở nên hùng mạnh.

Năm Mậu Thân 1128, vua Lý Nhân Tông mất, hưởng thọ tuổi 62 tuổi. 

Vua Lý Nhân Tông làm vua từ năm 6 tuổi và đến khi mất là 62 tuổi, ở ngôi được 56 năm.

Về mặt văn học, vua Lý Nhân Tông để lại 3 bài tán là Trung tán Vạn Hạnh thiền sư; Trung tán Sùng Phạm thiền sư; Tán Giác Hải thiền sư. Cả ba bài tán trên đều viết bằng chữ Hán, thể ngũ ngôn. Những sáng tác này phần nào cho thấy vai trò của thiền tăng đạo sỹ đối với vương triều nhà Lý.

Ngoài ra, Lý Nhân Tông còn có bốn bài hịch chiếu và một bức thư ngoại giao. Tất cả đều viết bằng chữ Hán.

Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784) từng viết: “Hoàng đế đăng quang và đặt ra niên hiệu, trăm họ theo đó để tính thời gian, các sử quan cũng theo đó mà chép việc. Cho nên, phàm phải nói tới sử là phải nói tới các đời đế vương, biết được tuần tự giềng mối của xã tắc cũng tức là đã biết được được chỗ căn bản của quốc thống rồi vậy”.

Đúng vậy phàm đã nói tới sử thì phải nói tới các đời đế vương, biết được một ông vua ở ngôi báu bao nhiêu năm, vì vậy mà mới có thể xác định được ai là người làm vua lâu năm nhất, và trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, thì người làm vua lâu năm nhất chính là vua Lý Nhân Tông, vị vua thứ tư của vương triều nhà Lý. 

Tài liệu tham khảo:

Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1884, GS Nguyễn Phan Quang, TS Võ Xuân Đàn (chủ biên), NXB TP.HCM 2000; Thế thứ các triều vua Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần (chủ biên) NXB Giáo dục 2005; Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim (chủ biên). NXB TP.HCM 2005.