Theo The Sun, một phần bộ xương của loài động vật ăn thịt đã tuyệt chủng từ lâu đã được các nhà khoa học tìm thấy. Một số ý kiến cho rằng nó có khả năng săn mồi vô cùng mạnh.
Con khủng long này có tên chính thức là Riojavenatrix, nhưng đã được nhóm nghiên cứu đặt biệt danh là "Britney". Nó được tìm thấy ở La Rioja, Tây Ban Nha và là một phần của nhóm khủng long được gọi là spinosaurid. Theo các nhà khoa học, con khủng long này có chiều dài từ 7 - 8 mét và cân nặng khoảng 1.500 kg - chỉ thua một chiếc xe Toyota Camry.
Erik Isasmendi, nhà nghiên cứu tại Đại học xứ Basque, cho biết: “Chi và loài mới mà chúng tôi đặt biệt danh là Britney, dựa trên một phần bộ xương. Bao gồm phần còn lại của các chi sau (xương đùi, xương chày, xương mác, xương mắt cá chân và các đốt ngón chân), xương chậu (xương mu và xương chậu), ngoài ra còn có phần còn lại của đốt sống. Sự kết hợp các đặc điểm giải phẫu làm cho nó trở nên độc đáo và điều đó có nghĩa là nó có thể khác biệt với các loài spinosauridae khác.”
Spinosauridae là loài khủng long có kích thước từ trung bình đến lớn với hộp sọ thấp và thon dài. Hàm của chúng có răng kiểu cá sấu hình nón và cánh tay dài, khỏe với ba ngón tay - mỗi ngón tay kết thúc bằng "móng vuốt mạnh mẽ". Một số giống của loài khủng lòng này còn có vây hình cánh buồm ở lưng.
Các nhà khoa học tin rằng Bán đảo Iberia – nơi khủng long Britney được tìm thấy – là nơi sinh sống của một đàn khủng long ăn thịt lớn và đa dạng. Điều này khiến các nhà khoa học bất ngờ, đồng thời khẳng định sẽ nghiên cứu xem làm thế nào mà chúng có thể sống cùng nhau.
“Làm thế nào mà những loài này cùng tồn tại với nhau. Những câu hỏi như thế này đang thúc đẩy chúng tôi xem xét lại các nghiên cứu chi tiết hơn trong tương lai về spinosaurid, những nghiên cứu chắc chắn sẽ mang lại kết quả quan trọng", Elena Cuesta - nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Cổ sinh vật học Egidio Feruglio nói.
Các nhà khoa học cho biết thêm nhóm khủng long spinosauridae có nguồn gốc ở Tây u, trong thời kỳ Thượng Jura. Dấu tích của loài này đã được tìm thấy ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh.
Lý do khủng long tuyệt chủng là gì?
Có nhiều lý do được các nhà khoa học đưa ra để giải thích nguyên nhân khủng long bị tuyệt chủng cách đây khoảng 65 triệu năm trong đó bao gồm:
Va chạm thiên thạch: Va chạm của một thiên thạch khổng lồ là lý do phổ biến nhất được các nhà khoa học đồng thuận. Sau vụ va chạm, bụi và tro bay lên khắp bầu trời che khuất ánh mặt trời, khiến nhiệt độ Trái Đất giảm sâu, gây tổn hại nghiêm trọng đến đời sống thực vật và chuỗi thức ăn của khủng long.
Núi lửa phun trào: Một số nghiên cứu cho rằng các vụ phun trào núi lửa liên tục trong thời kỳ khủng long đã phóng thích lượng khí và bụi vào khí quyển, cản trở quá trình quang hợp của thực vật - nguồn thức ăn chính của khủng long, dẫn tới sự sụp đổ của chuỗi thức ăn và làm tiêu vong loài khủng long.
Thay đổi khí hậu: Sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng cao và thay đổi các dòng hải lưu đã khiến nhiều loài khủng long không thể thích nghi kịp nên đã tuyệt chủng. Bên cạnh đó, các thảm thực vật cung cấp thức ăn cho khủng long cũng thay đổi theo khí hậu.
Nhưng một nghiên cứu được công bố vào tháng 3 năm 2019 khẳng định rằng khủng long có khả năng “phát triển mạnh” trước khi chúng tuyệt chủng.