Triển khai thực hiện hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng từ ngân sách địa phương

UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND ngày 08/7/2022 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho một số đối tượng tham gia BHYT do ngân sách địa phương bảo đảm.
p1-1659932551.jpg
Trao tặng thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Bảo Lâm

Nghị quyết số 97 quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng tham gia BHYT do ngân sách địa phương đảm bảo như sau: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo được hỗ trợ thêm mức đóng BHYT là 30%. Người Kinh thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình là 40%. Người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình là 50% và học sinh, sinh viên là người đồng bào dân tộc thiểu số không sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ thêm là 70%. 

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 18/7/2022. HĐND tỉnh Lâm Đồng giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện; Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật. 

Ông Trần Văn Sơn - Phó Giám đốc BHXH Lâm Đồng cho biết, việc hỗ trợ đóng BHYT của ngân sách địa phương hàng năm đã giúp cho người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận khám, chữa bệnh BHYT. Thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc chăm sóc sức khỏe đối với người dân trên địa bàn.

Cũng theo số liệu của BHXH tỉnh, tính đến tháng 8/2022, tổng số lượt người khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh là 763.567 lượt người với tổng số tiền chi từ Quỹ BHYT là hơn 325,9 tỷ đồng. Trong đó, khám, chữa bệnh ngoại trú tại tỉnh là 699.119 lượt người với chi phí là 144 tỷ đồng; khám, chữa bệnh nội trú tại tỉnh là 64.418 lượt người với chi phí là 181,7 tỷ đồng; thanh toán trực tiếp cho 30 trường hợp với số tiền là 167 triệu đồng. 

Thực tế, đối với 4 nhóm đối tượng nêu trên, nếu không được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương để tiếp tục tham gia BHYT thì tỷ lệ dân số của tỉnh tham gia BHYT giảm đáng kể từ 7-10%. Trong khi đó, không có thẻ BHYT thì chi phí khám, chữa bệnh thực sự là gánh nặng cho nhiều gia đình vốn còn nhiều khó khăn khi vừa mới thoát nghèo, có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên chưa có thu nhập. Hiện nay, riêng đối với chi phí ngày giường điều trị nội trú, mức chi phí bình quân ngày giường điều trị Quỹ BHYT đang thanh toán trung bình một đợt điều trị khoảng 6 ngày, với số tiền giường trung bình một đợt điều trị nội trú khoảng 1,2 - 1,3 triệu/lượt. Đối với các trường hợp phải chăm sóc đặc biệt sẽ được Quỹ BHYT thanh toán lên tới hàng chục triệu đồng cho một đợt điều trị, thậm chí có trường hợp số tiền giường được thanh toán lên đến hàng trăm triệu đồng.

Trong đó, đáng lưu ý, hiện nay, Quỹ BHYT thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo như nhóm bệnh về: Tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… Đây là các nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn. Thời gian qua, nhiều người có thẻ BHYT bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng đã được Quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT, nhờ đó giúp nhiều người bệnh có thêm động lực, niềm tin tiếp tục điều trị bệnh, giúp nhiều gia đình không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí khổng lồ của việc khám, chữa bệnh cho người thân. Qua đó, cho thấy chính sách BHYT nhân văn và ưu việt, cùng với sự bố trí kinh phí kịp thời của tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ mức đóng cho 4 nhóm đối tượng nêu trên góp phần đảm bảo quyền lợi của người dân tham gia BHYT, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân tỉnh nhà.