Trung Túc Vương Lê Lai (? - 1419): Đệ nhất Khai quốc công thần nhà Hậu Lê

Hiện nay đền thờ của Lê Lai còn được gọi là đền Tép, thuộc thôn Thành Sơn, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, cách khu di tích Lam Kinh gần 5km về phía Tây, được Nhà nước công nhận là Khu di tích Quốc gia. Hàng năm, vào ngày mùng 8 tháng Giêng và ngày 21/8 Âm lịch, chính quyền nhân dân địa phương đều mở hội, rước kiệu và dâng hương tại đền Trung Túc Vương Lê Lai.
maxresdefault-1727082815.jpg
Ảnh: Truyền hình Thanh Hoá

Lễ hội Lam Kinh được tổ chức hàng năm vào ngày 21 - 22/8 Âm lịch hàng năm, tại khu vực Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 22 - 8 Âm lịch là ngày giỗ của vua Lê Thái tổ Lê Lợi (1385 - 1433). Vậy Lê Lai là ai mà ông lại được giỗ trước vua Lê Thái tổ một ngày?

Thân phụ của Lê Lai là Lê Kiều, người làng Dựng Tú, sách Đức Giang, huyện Lương Giang, đầu thời nhà Lê Sơ (1428 - 1527) đổi tên là huyện Thủy Nguyên (ngày nay thuộc huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), hiện nay vẫn chưa có sử sách nào ghi chép về năm sinh của Lê Lai.

Lê Lai là người đã có mặt bên cạnh Lê Lợi ngay trong những ngày đầu tiên của quá trình chuẩn bị gian nan của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Lê Lai là một trong 19 người tham dự Hội thề Lũng Nhai được tổ chức vào đầu mùa xuân năm Bính Thân 1416.

Ngày 2 - 1 Âm lịch năm Mậu Tuất 1418 cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chính thức bùng nổ, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, và tất cả các tướng trong bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đều được trao chức tước. Bản thân Lê Lai được phong tước Quan nội hầu, đây là tước vị cao nhất mà Lê Lợi đã phong cho các tướng dưới quyền, Tổng quản là chức đứng đầu, còn phủ Đô Tổng quản là cơ quan trực thuộc Bộ Chỉ huy, chịu trách nhiệm về hậu cần, xây dựng đại bản doanh và bảo vệ Bình Định Vương Lê Lợi cùng các tướng trong Bộ Chỉ huy. Sử cũ chép rằng sở dĩ Lê Lai luôn hầu cận ở bên cạnh Lê Lợi là vì lẽ đó.

Ngay khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, quân nhà Minh (1368 - 1644) đã lập tức dốc toàn lực lượng đến để  đàn áp. Từ thành Tây Đô (thành nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), chúng kéo lên đánh thẳng vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi và nghĩa quân phải rút lui vào Mường Một. 

Từ Lam Sơn quân nhà Minh ồ ạt tiến vào đánh Mường Một, bao vây nghĩa quân Lam Sơn với hy vọng sẽ tiêu diệt hoàn toàn nghĩa quân khởi nghĩa mới đang còn trong trứng nước.

Lê Lợi buộc phải lui quân về Lạc Thủy và bố trí một trận mai phục ở vùng này. Vì bất ngờ nên giặc Minh đã bị đại bai, chúng phải rút khỏi Lạc Thủy. 

Giặc Minh tìm cách trả thù Lê Lợi bằng cách đào mồ mả của tổ tiên Lê Lợi, sau đó chúng tức tối tập trung lực lượng đánh vào Lam Sơn lần thứ hai. Lần này, lực lượng của nghĩa quân Lam Sơn bị thiệt hại rất lớn, nghĩa quân đã phải rút lên núi Chí Linh lần thứ nhất, quân Minh quyết bao vây núi Chí Linh, chúng chặn mọi ngã đường tiếp tế cho Chí Linh. Sau hơn hai tháng chiến đấu, quân Minh đã phải rút về thành Tây Đô, còn nghĩa quân thì lại trở về Lam Sơn.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi trở về Lam Sơn, tinh thần cũng như sức mạnh chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn lại được lên cao. Để khích lệ quân sỹ, Lê lợi đã quyết định tổ chức hai cuộc đánh lớn ở Mường Một và Mường Nanh. Cả hai trận đánh đó, nghĩa quân đều giành được thắng lợi lớn.

Quân Minh giận dữ, dốc lực lượng tổ chức một cuộc đàn áp có quy mô rất lớn, nghĩa quân Lam Sơn đã chống trả quyết liệt, nhưng do lực lượng yếu, nên nghĩa quân đã phải rút lên núi Chí Linh lần thứ hai.

Lần này giặc Minh khép vòng vây chặt hơn lần trước rất nhiều, nghĩa quân phải chịu đói, khát và bệnh tật cũng hoành hoành hơn trước. Lê Lợi cũng đã phải cho giết thịt cả ngựa chiến của mình để làm thức ăn cho tướng sỹ, nghĩa quân đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Đứng trước tình thế đó, con đường duy nhất có thể cứu sống được nghĩa quân Lam Sơn chỉ có thể là tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của giặc Minh để rồi rút khỏi núi Chí Linh một cách an toàn mà thôi.

Đây là một việc rất khó khăn, bởi vì muốn đánh lạc hướng một cách thành công, nghĩa quân phải chịu một tổn thất lớn. Mục đích của giặc Minh chỉ là bắt được thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn, và ai sẽ là người chấp nhận hy sinh để mở lối thoát an toàn cho Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, và người chịu hy sinh cứu chúa chính là Lê Lai.

Trước khi nhận lời Lê Lợi, Lê Lai đã nói với Lê Lợi rằng: “Thần nguyện khoác áo hoàng bào của bệ hạ, ngày sau bệ hạ có làm nên đế nghiệp, thu được thiên hạ trong tay thì xin hãy nhớ đến công lao của thần”.

Sau đó Lê Lai khoác áo hoàng bào, dẫn đội quân cảm tử lao ra phá vòng vây của giặc và hô lên rằng: “Ta là chúa Lam Sơn đây”.

Giặc Minh do không biết mặt Lê Lợi, lại thấy người mặc áo hoàng bào, chúng tập trung bao vây chặt lấy Lê Lai. Các quân sỹ cảm tử của Lê Lai đều bị giết hết. Giặc Minh bắt sống được Lê Lai, chúng đem Lê Lai về thành Tây Đô xử bằng cực hình.

Giết xong Lê Lai, giặc Minh hí hửng tưởng đã giết được Lê Lợi, nhưng ngay sau khi giặc rút khỏi núi Chí Linh, thì Lê Lợi và nghĩa quân đã trở về Lam Sơn khôi phục lực lượng tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Minh.

Sự hy sinh anh dũng của Lê Lai đã cứu sống Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn bị bao vây ở núi Chí Linh.

Sau này cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành được thắng lợi, vào năm 1428 sau khi lên ngôi Hoàng đế, Lê Lợi đã truy tặng Lê Lai là Đệ nhất Khai quốc công thần, hàm Thiếu úy, đồng thời Lê Lợi còn sai Nguyễn Trãi (1380 - 1442) soạn hai đạo thệ từ (văn thề) để mãi mãi ghi nhớ công lao của Lê Lai.

Lê Lợi còn có thánh chỉ rằng khi nào ông chết thì hãy làm giỗ Lê Lai trước một ngày. Vào ngày 22/8 Âm lịch năm Quý Sửu 1433, vua Lê Lợi mất. Nhớ lời vua Lê Thái tổ, từ đó cứ đến ngày 21/8 Âm lịch hàng năm là ngày giỗ Lê Lai, và ngày hôm sau 22/8 Âm lịch mới là ngày giỗ vua Lê Thái tổ. Do đó trong nhân dân mới có câu 21 Lê Lai, 22 Lê Lợi.

Về cái chết của Lê Lai, hầu hết không thấy sử sách nào ghi chính xác được ngày tháng, trong  cuốn sách “Việt Nam sử lược” của tác giả Trần Trọng Kim (1883 - 1953) có đoạn viết về  về Lê Lai như sau: “Về Chí Linh lần thứ tư năm Kỷ Hợi (1419), quan nhà Minh biết rằng Chí Linh là nơi Bình Định Vương lui tới, bèn đem binh đến vây đánh, vương bị vây nguy cấp lắm, bèn hỏi các tướng rằng, có ai làm được như Kỷ Tín ngày trước, chịu chết cho vua Hán Cao tổ không? Bấy giờ, Lê Lai liều mình vì nước xin mặc áo bào cưỡi voi ra trận đánh nhau với giặc. Quân nhà Minh tưởng là Bình Định Vương thật, xúm nhau lại vây đánh, bắt được, giết đi rồi rút quân  về Tây Đô”.

Sử gia Ngô Thì Sỹ (1726 - 1780) trong “Việt sử tiêu án” viết: Lê Lai tự xưng là Bình Định Vương, khiêu chiến với quân Minh rồi chết. Đâu đâu cũng truyền đi là Bình Định Vương đã chết, người Minh cũng tin là thật…

Cũng theo Ngô Thì Sỹ, có lẽ hành động của Lê Lai được thực hiện trong tháng 5 năm Kỷ Hợi 1419, khi quân Minh tiến đánh Lê Lợi ở Sách Đà Sơn… nhưng không ghi rõ là ai đã giết Lê Lai.

Sử gia Phan Huy Chú (1782 - 1840) trong “Lịch triều hiến chương loại chí” thì chỉ nói khái quát là Lê Lai vì nước bỏ mình… cho nên không riêng chép ra mà chỉ nhân thể chú phụ vào sau thôi. Trong phần chú thích có ghi: “ Lê Lai là người làng Dựng Tú, huyện Lương Giang, lúc mới khởi binh bị quân Minh vây chặt, vua bàn xem đổi áo đánh lừa giặc như việc Kỷ Tín ngày xưa, Lê Lai bèn mặc áo bào đem quân xông vào vòng vây của giặc, đánh đuối sức và bị băt. Vua Lê Lợi nhân dịp này trốn thoát”.

Trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 7 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bản in lần thứ 9, tháng 7 năm 1996, đang được giảng dạy tai cấp học trung học cơ sở, trang 69 có viết: “Trước tình thế hết sức nguy hiểm, Lê Lai liền cải trang làm Lê Lợi, chỉ huy một đội quân cảm tử, xưng là chúa Lam Sơn, xông thẳng vào vòng vây của địch, quân Minh dồn hết sức hướng về Lê Lai, chúng bắt được Lê Lai và đội quân cảm tử đem giết hết”.

Hiện nay đền thờ của Lê Lai còn được gọi là đền Tép, thuộc thôn Thành Sơn, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, cách Khu di tích Lam Kinh gần 5km về phía tây, được Nhà nước công nhận là Khu di tích Quốc gia.

Hàng năm, vào ngày mùng 8 tháng Giêng và ngày 21/8 Âm lịch, chính quyền nhân dân địa phương đều mở hội, rước kiệu và dâng hương tại đền Trung Túc Vương Lê Lai.

Nhìn chung hầu hết các sử gia về sau này, khi viết về Lê Lai đều chép truyện là Lê Lai liều mình cứu chúa. Hình ảnh Lê Lai luôn luôn được ca tụng và ghi nhớ, ông chính là một tượng đài đáng được ca ngợi về tấm lòng trung quân báo quốc. Việc Lê Lai liều mình cứu chúa. Sách “Lam Sơn Thực lục" chép: Lê Lợi đã lạy khấn trời nói: “Lê Lai đem thân mà thay chúa, nếu sau này mà không nhớ đến công, nguyện cung điện hóa thành rừng núi, bảo ấn hóa thành đồng, thần kiếm hóa thành dao cùn…”.