Công nghệ cao gắn với phát triển nông nghiệp đô thị trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn Thủ đô

Đề án ”Phát triển NNCNC đến năm 2020” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) xác định, “NNCNC bao gồm những nội dung vận dụng cơ giới hóa, tự động hóa nông nghiệp; áp dụng công nghệ thông tin, vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế lớn trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ..”

Thực hiện Quyết định 176/2010/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, ngành nông nghiệp và các địa phương trong cả nước đã có nhiều cách làm sáng tạo, mở ra những triển vọng phát triển trong xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống dân cư. Tham luân cập đến một số vấn đề về NNCNC trong phát triển đô thị trên địa bàn Thủ đô.

1. Đóng góp của KH&CN và xu thế vận dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội, lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) là khâu đột phá, là then chốt cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Nghị quyết 23/NQ-TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của bộ Chính trị Đảng Công sản Việt Nam về chính sách phát triển công nghiệp Quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 đã cụ thể hóa các định hướng chính sách khoa học công nghệ. Theo đó, cần tạo sự bứt phá về cơ sở hạ tầng; ưu tiên nguồn lực, tiếp tục thực hiện có hiệu qủa Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp CNC, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Đổi mới, phát triển mạnh mẽ và đồng bộ thị trường KH&CN.

Đề cập đến chiến lược thúc đẩy phát triển KH&CN và Đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam Thủ tướng Chính phủ xác định “Việt Nam cần có một chiến lược phát triển mạnh mẽ KH&-CN và ĐMST làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành , lĩnh vực và cả nền kinh tế….”Theo đó, cần tập trung tái cấu trúc các chương trình, nhiệm vụ KH&CN theo chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng; tập trung phát triển sản phẩm Quốc gia dựa trên CNC để hình thành các ngành nghề và sản phẩm mới trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ thông tin (Nguyễn Xuân Phúc 2019).  

nt1-1634542236.jpg
Nông nghiệp Công nghệ cao không tốn diện tích phù hợp với điều kiện đất đại hạn hẹp tại các đô thị

Phân tích kết quả sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp gần đây, giới nghiên cứu nhận thấy, giá trị sản xuất năm 2018 tăng 3,86% cao hơn mức tăng của năm 2017; kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt trên 41,3 tỷ USD, tiếp tục là ngành kinh tế duy nhất có mức xuất siêu trên 10 tỷ USD/năm. Kết quả khích lệ đạt được của ngành nhờ sự đóng góp thiết thực của KH&CN thông qua khuyến khích hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và nâng cao năng lực nghiên cứu dự báo, xử lý thông tin thị trường. Nhìn chung, KH&CN nông nghiệp đã tạo những nhân tố mới góp phần đáng kể làm tăng năng suất, chất lượng nông sản, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.  Nhờ đẩy mạnh ứng dựng KH&CN, trung bình giá trị tạo ra trên 1ha đất trồng trọt đã tăng 1,28 lần trong giai đoạn 2013-2019 (từ 75,7 triệu/ha lên 97,1 triệu đồng/ha),

Từ vai trò và những kết quả đat đươc của các tiểu ngành nông nghiệp có thể nhận thấy, xu hướng phát triển KH&CN thời gian qua của ngành đã hướng vào phát triển và ứng dụng nhiều loại hình công nghệ cao CNC như công nghệ số, công nghệ chính xác; công nghệ sinh học , ứng dụng cơ giới hoá (CGH), tự động hoá và bảo quản chế biến. Những xu hướng này được thể hiện trên những mặt dưới đây:

1.1.Phát triển và ứng dụng công nghệ cao 

Phát triển nông nghiệp CNC (NN CNC) là chiến lược quốc gia được hỗ trợ bởi các chính sách tổng thế theo vùng. Từ Quyết định 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ. đến năm 2018 cả nước đã có 4 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC (NN ƯDCNC) với 2 vùng trồng trọt và 2 vùng thủy sản. Khu NNƯDCNC là nơi quy tụ sản phẩm nổi trội về phẩm chất và thương hiệu; đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Nhờ vận dung công nghệ vào các chuỗi giá trị sản xuất nông lâm thủy sản, năm 2019, các địa phương trong cả nước đã hình thành 690 vùng NN CNC, trong đó 66,4% là vùng trồng trọt (458 vùng). chăn nuôi 19,6%,  thủy sản 12,6% và lâm nghiệp 1,4%. Các vùng NNCNC tập trung chủ yếu ở ĐBSCL, ĐBSH và Tây Nguyên (Báo cáo của Viện Quy hoạch và TKNN, 2019).  Riêng thành phố Hà Nội đã có133 mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC trong các trang trại sản xuất nông nghiệp, giống hoa quảnuôi trồng thuỷ sản, Tuy nhên, các khu NNƯDCNC trong giai đoạn đầu xây dựng, mới triển khai được một số hoạt động thông qua phát triển giống hoặc thí nghiệm chế phẩm sinh học (Bộ KH&CN 2019).

CNC ứng dụng vào nông nghiệp phổ biến là lai tạo giống, nuôi cấy mô, trồng cây trong nhà kính, trồng cây thủy canh, khí canh và trên giá thể hoặc tưới nhỏ giọt … Ứng dụng CNC giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, giảm công lao động, kịp thời phát hiện rủi ro để xử lý, giảm thất thoát và chi phí sản xuất. CNC trong nông nghiệp ngày càng được mở rộng với những hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới kết hợp với ứng dụng công nghệ số để điều khiển tự động hoặc bán tự động. Vào năm 2019, ước tính trong cả nước có khoảng 520.000 ha cây trồng cạn được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên tất cả các vùng, miền (VASS 2021).

Để chuẩn bị hình thành các khu CNC trong chăn nuôi, nhiều địa phương đã cơ cấu lại vùng theo hướng chuyển từ chăn nuôi phân tán sang quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi với chất lượng sản phẩm được kiểm soát tốt hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, so với mô hình  truyền thống, chi phí 1 đơn vị sản phẩm của mô hình nuôi CNC giảm khoảng 12%, tăng số lứa  nuôi từ 4 lên 5 lứa/năm và tỷ lệ gà xuất chuồng tăng 7%. Đối với tôm thẻ và tôm sú thương phẩm,kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, năng suất đạt 160-180 tấn/ha/năm đối với tôm thẻ và 30 tấn/ha/năm đối với tôm sú. Lợi nhuận đạt tới 1,4-1,5 tỷ đồng/ha đối với tôm thẻ và từ 1,8 tỷ  đến 2,0 tỷ đồng/ha  đối với tôm sú.  (VASS 2021). 

1.2, Ứng dụng công nghệ số, công nghệ chính xác và tự động trong nông nghiệp  

nước ta, công nghệ số (CNS) ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong phát triển kinh tế-xã hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 với việc sử dụng công nghệ tiến bộ và tự động hóa đã tạo nhiều thành tựu trong nông nghiệp. Sử dụng ICT thúc đẩy phát triển sản phẩm sinh học và sản phẩm hữu cơ; xúc tiến thương mại nông sản chất lượng cao và hàng loạt loạt chiến lược khác cả về quy cách đóng gói, quy định kích cỡ hay định giá nông ản. 

Công nghệ IoT và BigData được vận dụng để xây dựng những phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, loại cây trồng và các giai đoạn sinh trưởng trong lĩnh vực trông trọt. Người sản xuất có thể theo dõi các thông số này theo thời gian thực; hoặc điều chỉnh yếu tố đầu vào của sản xuất như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho cây trồng thông qua hệ thống chip cảm biến.  

Trong chăn nuôi, CNS đã được vận dụng trong những trang trại quy mô vừa và lớn để quản lý hoạt động chăn nuôi, theo dõi tình trạng sức khỏe, giám sát dịch bệnh, sản lượng tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc. Đối với thủy sản, IoT được ứng dụng để đo lường, theo dõi, giám sát chất lượng nước tự động; đo độ mặn của nước, biết được thời điểm xâm nhập mặn. Công nghệ AI được ứng dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe tôm nuôi.  

Ở khâu chế biến nhiều nhà máy chế biến gỗ, chế biến thủy sản hay chế biến thịt đã bắt đầu sử dụng công nghệ tự động, robot, kết hợp cùng IoT và Big data để kết nối dây chuyền sản xuất với hệ thống quản lý; giám sát chuỗi sản xuất. Xu thế này đang được các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nhiều nông hộ từng bước nắm bắt. Ngày nay, đã có nhiều nông dân quản lý việc tưới, tiêu nước trên điện thoại thông minh, bằng các giải pháp IoT hoặc sử dụng quét mã QR để truy xuất nguồn gốc sản  phẩm, sử dụng nền tảng blockchain trong chuỗi giá trị.  

1.3 .Phát triển và ứng dụng Công nghệ sinh học 

Công nghệ sinh học nông nghiệp đã phát triển trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen và công nghệ chỉ thị phân tử. Chương trình ứng dụng công nghệ gen đã triển khai những nghiên cứu cơ bản về phân lập gen, thiết kế vector chuyển gen. Cây trồng biến đổi gen được thực hiện gồm có ngô kháng sâu, kháng thuốc trừ cỏ, kháng hạn; đậu tương kháng sâu; bông kháng sâu, kháng hạn; xoan sinh trưởng nhanh; thông nhựa kháng sâu róm; bạch đàn sinh trưởng nhanh; khoai lang kháng bọ hà, thuốc lá kháng bệnh; cà chua kháng virus;v.. v Đến nay, chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen Quốc gia đã thu thập, lưu giữ bảo tồn an toàn và nguyên trạng khoảng 116 dòng biến đổi các loại với 90.000 nguồn gen sinh vật. Qua đó, đánh giá được tiềm năng di truyền của hơn 500 nguồn có gía trị khoa học kinh tế; khai thác và phát triển ít nhất 200 nguồn gen.

lan-dot-bien-4-1634432501.jpg
Nông nghiệp công nghệ cao thường có suất đầu tư ban đầu cao nhưng lợi nhuận thu lại cao

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử được triển khai trong chọn tạo giống cây trồng nông, lâm nghiệp, cho ra đời những giống lúa kháng bệnh có chất lượng, chịu hạn, chịu mặn; giống ngô kháng hạn; giống đậu tương, bông kháng sâu bệnh chất lượng tốt; giống chè chịu hạn cho năng suất chất lượng cao; giống cây lâm nghiệp kháng sâu bệnh có năng suất; giống cà chua, giống mía, giống lạc và giống khoai tây kháng bệnh. Thông qua nghiên cứu chọn tạo bằng chỉ thị phân tử, đã có 32 giống lúa, 4 giống hoa với hàng triệu củ giống; 11 dòng keo, bạch đàn lai và trên 30,0 triệu cây giống bạch đàn, keo đã được tạo ra (VASS 2021).

Chương trình vi sinh vật còn nghiên cứu và sản xuất được nhiều loại chế phẩm và phân bón vi sinh bao gồm cả những chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật phân bón. Nhìn chung, các chế phẩm nghiên cứu đã mở rộng phạm vi ứng dụng trong sản xuất thông qua các dự án thử nghiệm hoặc chuyển giao công nghệ cho cơ sở sản xuất tại nhiều địa phương.

Cùng với phân lập, giải trình tự và đăng ký 18 trình tự ADN ty thể của bò vàng, phân ngành chăn nuôi đã nghiên cứu cải tạo lợn Ỉ bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma, sản xuất trên 3.500 kg chế phẩm probiotic và hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi đậm đặc bổ sung probiotic, giảm được lượng thức ăn tiêu tốn giảm tỷ lệ bệnh đường tiêu hóa đến 31,2%. Nhiều loại chế phẩm đa enzyme với những chủng vi sinh vật tái tổ hợp để tạo chế phẩm có tác dụng tăng trọng lượng gia súc, gia cầm, đồng thời với giảm tiêu tốn thức ăn. Những kết quả nghiên cứu được đưa vào sản xuất , đã góp phần tích cực phòng chống dịch hại trên gia súc,gia cầm và thủy sản

1.4. Cơ giới hoá, tự động hoá và công nghệ bảo quản, chế biến 

Cơ giới hóa (CGH) sản xuất  nông nghiệp đã góp phần giải quyết khâu lao động nặng nhọc, bảo đảm tính thời vụ, tăng năng suất lao động và giảm tổn thất sau thu hoạch. Đến nay, trang bị động lực bình quân trong nông nghiệp cả nước đạt 2,6 HP/ha canh tác (Bạch Quốc Khang 2021).

Trong trồng trọt, mức độ CGH đã tăng đáng kể. Khâu làm đất trồng lúa đạt 93%, mía 82%, ngô, sắn 70%;  Khâu gieo trồng, cây lúa đạt 40%, mía 30%, cao nhất là cao su đạt 70%; Đối với việc       chăm sóc,  bảo vệ thực vật cây lúa đạt 68%; xới cỏ, phun thuốc bảo vệ thực vật cho chè, mía 70%;  Ở khâu thu hoạch, cây lúa đạt 50%, mía đường 20%, đốn, hái chè đạt 25%; và sấy chủ động nông sản đạt được  55%. 

Đối với chế biến bảo quản sau thu hoạch, Công nghệ chế biến lúa gạo đạt mức trung bình tiên tiến trên thế giới. Việc chế biến cà phê đã được thực hiện từ khi quả còn tươi, Phương pháp chế biến khô được sử dụng với trên 80% sản lượng được sơ chế bằng thiết bị còn lạc hậu. Chế biến ướt tiến bộ hơn, áp dụng chủ yếu cho cà phê chè và số ít cà phê vối. Cả nước có khoảng 60 dây chuyền xát ướt cà phê với tổng công suất thiết kế 507.000 tấn quả tươi/năm và thực tế đạt 314.000 tấn quả tươi ( đạt 61,9% công suất)

Một số công nghệ tự động đã được đưa vào sử dụng trong dây chuyền chế biến hạt giống chất lượng cao; điều khiển, giám sát tự động chế biến thức ăn chăn nuôi;  trong hệ thống chế biến tinh dầu thông và Corophan; trong  các hệ thống cấp đông., bảo quản đông lạnh hoặc trong hệ thống thiết bị phục vụ sơ chế và bảo quản rau, hoa, quả. Theo các nhà phân tích, việc CGH trồng trọt đã giúp nhà nông giảm được chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm và gia tăng lợi nhuận từ 20% đến 30%.

Trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản CGH chuồng trại nuôi gia cầm đã thực hiện từ cung cấp nước uống, thức ăn, tạo tiểu khí hậu đến thu gom trứng với mức độ CGH trên 90%, xử lý môi trường ở mức bình quân 55%. Một số hộ nuôi lợn qui mô trang trại công nghiệp đã sử dụng chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm lợn con;. Đối với hộ chăn nuôi trâu, bò đã đầu tư máy thái cỏ, băm rơm, băm cây, sử dụng máy vắt sữa tới 75%.  

Mức độ cơ giới hóa nuôi trông thủy sản chưa cao. Mới có một số công đoạn được CGH như sản xuất con giống, cấp thoát nước hồ/ao nuôi, sục khí....Đến nay,một số doanh  nghiệp đã áp dụng công nghệ giám sát tự động hồ/ao nuôi và cho ăn được điều khiển, giám sát từ xa.

2. Nông nghiệp đô thị Hà Nội và những vấn đề đặt ra

Hà Nội mở rộng có diện tích trên 334.470 ha (gấp 3 lần trước đó) đã trở thành địa phương lớn với số dân hơn 8,4 triệu người. Từ yêu cầu phát triển kinh tế xã hôi, mức tiêu thụ nông sản thực phẩm hàng tháng của thành phố đã lên tới trên 300 nghìn tấn với chừng 103 nghìn tấn rau củ quả, 93 nghìn tấn gạo, 25 nghìn tấn thịt, 5,1 nghìn tấn thủy hải sản, 5 nghìn tấn thịt chế biến từ gia súc, gia cầm….Với nhu cầu này, sản xuất nông nghiệp Thủ đô mới tự đáp ứng được 30% về gao, 55% về rau-củ-quả và chừng 3% về thủy, hải sản…. Phần lớn lượng thiếu hụt phải nhớ vào sự chi viện của các địa phương trong cả nước. Từ đây, nhiệm vụ đặt ra đối với nông nghiệp thành phố còn rất nặng nề. Cùng với phát triển bông nghiệp để đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm, vấn đề lớn đặt ra trong quá trình phát triển Thủ đô là nông nghiệp đô thị (Agrculture Urbaine).   

Nông nghiệp đô thị là thuật ngữ nhiều nghĩa. Đối với các nhà nông học nhiệt đới, đó là một nền nông nghiệp đan xen, sử dụng đất trống trong thành phố để sản xuất tự cung, tự cấp một phần lương thực thực phẩm. Ở những nước phát triển, nông nghiệp đô thị được dùng để chỉ các vườn cây trong gia đình và hệ thống cây trồng trong không gian xanh đô thị. Khái niệm này còn được vận dụng trong hệ thống sản xuất nông nghiệp ngoại vi hướng vào nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thành phố.

Quan niệm về nông nghiệp đô thị có sự khác biệt giữa các quốc gia, Ở những nước nghèo, vai trò kinh tế được thể hiện rõ nét, thường được thực hiện trong các nhóm cư dân thiếu thốn, đây được cho là phương tiện giải quyết vấn đề chất thải. Trong các quốc gia phát triển, vai trò xã hội của nông nghiệp đô thị mang ý nghĩa lớn hơn, đã thể hiện rõ trong quan hệ giữa người dân với cộng đồng, với không gian và hoạt động nông nghiệp.

Theo UNDP, nông nghiệp đô thị (NNĐT) là hoạt động sản xuất thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp dựa trên quỹ dất và nguồn nước ở đô thị và vùng ngoại vi, ứng dụng các phương pháp sản xuất chuyên canh, các nguồn nguyên liệu tự nhiên và chất thải trong lòng đô thị. Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) xác định” NNĐT và ngoại vi đô thị là các hoạt động nông nghiệp xảy ra bên trong và xung quanh các thành phố, sử dung toàn bộ những nguồn lực tự nhiên cũng như các dịch vụ khác để đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị” NNĐT được tính đến trong hoạt động kinh tế của các hộ gia đình để tạo thêm thu nhập. Có thể coi đó là một ngành sản xuất sử dụng đất, nước và các nguồn lực khác tại đô thị và vùng ven đô để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng trong thành phố (Lê thành Ý 2000).

Trong sản xuất cung ứng cho đô thị, NNĐT không chỉ liên quan thuần túy đến thực phẩm mà còn đem lại sự phát triển bền vững, nhất là cải thiện môi trường trong thành phố. Không gian ngoại đô bao gồm môi trường tự nhiên, rừng và nông nghiệp. Sự hỗn nhập của không gian này vào thành phố không làm mất đi vẻ đẹp của lãnh thổ mà trong thực tế, đô thị hóa đã giúp nhà nông có cơ hội nhìn nhận lại thị rường, tạo thuận lợi để họ nắm bắt được những nhu cầu về sản phẩm mong đợi. Việc làm của cư dân ngoại đô giúp họ nhận thức rõ hơn trong tư duy và nhận thức khai thác nông nghiệp để có sự thích ứng tốt hơn với thực tế sản xuất và đời sống.

Đặc điểm của nông nghiệp ven đô được thể hiện ở hệ thống sản xuất, trong mối quan hệ với đô thị và nhất là vị thế xã hội của không gian nông nghiệp trong đô thị hóa. Nông nghiệp ven đô có đặc điểm riêng và được thể hiện qua nhận thức rõ hơn của người dân về nghề nông trong xã hội.  Lãnh thổ nông thôn trải ra trên địa bàn rộng; người sản xuất nông nghiệp nhận thức được do đô thị hóa đất đai cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp và họ sẽ phải rời bỏ đồng ruộng để nhường đất đai cho cái mới ra đời và phát triển với giá trị của ruộng đất được xác định cao hơn so với tiềm năng sản xuất nông nghiệp.

Nhà nông ven đô có xu hướng chuyên môn hóa sản xuất và bảo quản sản phẩm tươi sống, với những vành đai rau xanh, vườn cây ăn trái và những thửa ruông chuyên canh được mở mang trong quá trình công nghiệp hóa. Ngoài cung ứng thực phẩm cho nội đô, nông nghiệp ngoại vi còn giữ vai trò quan trọng trong báo vệ môi trường, thu hồi phần lớn chất thải thành phố bao qồm cả nước đã qua sử dụng, Nông nghiệp đô thị đã không tách rời mà còn nuôi dưỡng, làm cho thành phố hợp vệ sinh hơn.

Nông nghiệp đô thị thực hiện các hệ thống sản xuất gắn với điều kiện sinh thái. Tuy nhiên ngày nay nhiều hệ thống nông nghiệp không hoàn toàn do nông dân nắm giữ, không ít nhà đầu tư đã nắm bắt từ nhiều nguồn để đáp ứng nhu cầu của người dân đô thị. Có thể thấy quan niệm về sản phẩm nông nghiệp ven đô giờ đây đã có nhiều thay đổi.  Rau xanh và thực phẩm trên thị trường hay trong trang trại đều mở ra xu hướng nông nghiệp ngoại vi hướng về trung tâm thành phố, được cho là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp phát triển trong quá trình đô thị hóa

Sau ngày mở rộng Thủ đô với diện tích đất nông lâm thủy sản lên trên188.601 ha, Hà Nội là địa phương có tiềm năng sản xuất nông nghiệp lớn nhất so với các tỉnh ở vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Lãnh đạo Thủ đô và các huyện, thị đã ban hành và thực thi nhiều cơ chế chính sách phát triển Nông nghiệpxây dựng Nông thôn mới (NTM).Sự quan tâm của cả hệ thống chính trị cho phát triển nông nghiệp nông thôn đã được thể hiện rõ nét trong các chủ trương và giải pháp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm nhằm phục vụ nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu.

Với sự nỗ lực của nông dân toàn thành phố, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản bình quân giai đoạn 2010-2018 đã tăng 3,34%/năm; ngành nông nghiệp đã chuyển dịch tích cực theo hướng gia tăng tỷ trọng giá trị chăn nuôi, dịch vụ và giảm dần sản xuất trồng trọt. Theo hướng phát triển này, giá trị sản xuất thực tế của ngành năm 2018 đã đạt 259 triệu đồng/ha. Trong các mô hình sản xuất tiêu biểu trên địa bàn thành phố, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) phù hợp với thực tế mang lại hiệu quả thiết thực, đã khẳng định vị thế quan trọng trong điều kiện Thủ đô. Toàn  thành phố đã xây dựng được 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC trong các trang trại sản xuất nông nghiệp, giống , hoa quảtrong nuôi trồng thuỷ sản Theo đó, mô hình khép kín từ sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm đã được thực hiện ở nhiều trang trại và trong các nông hộ.

Mô hình thực hiện ở trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất) đã đưa lượng xuất trại hàng tháng lên trên 1.000 con lợn thịt, từ 500 đến 1.000 lợn giống mang lại doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm. Nhiều mô hình chăn nuôi từ từ 15.000 đến 25.000 gà siêu trứng với 18 đến 30 lò ấp có công suất 2 vạn trứng/mẻ/lò được cơ giới hoá, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng triệu gà giống và trên 10.000 gà thương phẩm,đã đươc mở ra trong nhiều xã thuộc huyện Đông Anh. Những mô hình liên kết thâm canh lúa bằng công nghệ tiên tiến, đồng bộ từ sản xuất giống, gieo cấy, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch làm khô lúa tươi bằng máy trên diện tích hàng nghìn ha, được các doanh nghiệp trực tiếp bao tiêu đã thực hiện tại các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hoà…..Mô hình nuôi cá ứng dụng CNC với hệ thống tạo dòng chảy sục khí trong sông, ao để nuôi cá mật độ cao, năng suất tới 80 tấn/ha, đạt giá trị trên 3,5 tỷ/ha và lợi nhuận trên 400 triệu đồng/ha đã xuất hiện ở nhiều xã thuộc huyện  Chương Mỹ, Ứng Hoà….Công ty xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) là doanh nghiệp đầu tiên ở miền Bắc sản xuất nấm kim châm theo công nghệ cao Nhật Bản, hàng tháng công ty đã cung cấp cho thị trường trong nước và xuât  khẩu khoảng 40 tấn sản phẩm, tạo doanh thu trên 15 tỷ đồng;

Trong liên kết sản xuất, thành phố đã xây dựng được nhiều mô hình ở các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, tập trung vào các chuỗi rau, lúa hàng hoá chất lượng cao, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản với trên 3.810 trang trại lớn ngoài khu dân cư ở 76 xã chăn nuôi, 25 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung và 30 cơ sở giết mổ công nghiệp và bán công nghiệp. Chuỗi sản phẩm đã chủ động hoàn toàn trong các khâu sản xuất giống, thức ăn, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm.

Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ điều kiện KT-XH để phát triển NNƯDCNC. Ở đây có nhiều viện nghiên cứu đầu ngành, các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp hàng đầu, các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư. Ngoài ra, còn tập trung đông đảo tổ chức tài chính, ngân hàng mạnh và các tổ chức quốc tế,  Mặc dù điều kiện khách quan thuận lợi, song tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp Thủ đô đang còn hạn chế, mới có trên 1120 ha (chiếm 9,4% tổng diện tích) cây ăn quả có ứng dụng CNC, 0,75% diện tích sản xuất rau có nhà lưới. Gần đây, ngành nông nghiệp thành phố đã hướng mạnh vào xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản; nhiều nội dung giống, vật tư, thiết bị dường như còn để ngỏ,buộc các doanh nghiệp và những nhà sản xuất kinh doanh nông sản phải chủ động tìm giải pháp tiếp cận lẫn nhau (Lê Thành Ý 2019).

Làm rõ nguyên nhân hạn chế, giới phân tích cho rằng: Năng lực sản xuất của hộ nông dân còn nhiều hạn chế. Người sản xuất nông sản hàng hóa chủ yếu còn theo cách làm truyền thống, việc tiếp thu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao gặp nhiều khó khăn về vốn và kỹ năng công nghệ. Doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC được coi là đầu tầu dẫn dắt nông dân sản xuất nhỏ, nhưng trên địa bàn thành phố còn quá ít . Mặt khác, lãnh đạo thành phố chưa có quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đủ lớn để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này,

Thực tế sản xuất sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ và phân tán đang là cản trở, khiến các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung chậm triển khai hoặc thiếu ổn định. Cùng với hạn chế này, thiếu phối kết hợp, gắn kết giữa nông dân với thương lái và các tổ chức quản lý nhà nước cũng là nguyên nhân khiến việc vận dụng chủ trương chính sách gặp khó khăn, chưa phát huy được đày đủ chức năng của các thành phần kinh tế tham gia.

3. Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô

3.1. Bản chất của nông nghiệp công nghệ cao

Giới nghiên cứu nhìn nhận, Nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững (VASS 2021). Theo đó, các yếu tố chính của nông nghiệp công nghệ cao có thể bao gồm:

i) Cơ giới hóa các khâu từ nhân giống, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp;

ii) Tự động hóa quy trình sản xuất và lưu thông sản phẩm bằng máy móc và công nghệ thông tin;

iii) Đưa công nghệ sinh học vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi với chất lượng cao.

Trong giai đoạn hiện nay, nói về phát triển người ta thường gắm với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khác với nông nghiệp đơn thuần công nghệ cao, Nông nghiệp 4.0 là nền nông nghiệp tập trung vào thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, đó chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp, chuyển đổi sang quản trị bằng áp dụng công nghệ số hoá (CNS), còn gọi là chuyển đổi số trong nông nghiệp. Các yếu tố chính của nền nông nghiệp này có thể bao gồm: Các thiết bị máy móc được số hóa, gắn cảm biến và kết nối internet vạn vật (IoT); Người máy (robot), bao gồm cả thiết bị bay không người lái (drones) được kết nối với vệ tinh (satellites) để quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh; Vận dụng công nghệ chiếu sáng thông minh, sử dụng đèn LED trong hoạt động  sản xuất kinh doanh; Dùng các tế bào quang điện (solar cells) để tạo năng lượng tại chỗ; Nuôi trồng trong nhà có bảo vệ (nhà kính hoặc nhà lưới) được kiểm soát, đáp ứng  được những  điều kiện tối ưu cho việc nuôi trồng; và ứng dụng công nghệ tài chính phục vụ  trong các trang trại, nói cách khác đó là dịch vụ tài chính cho các hoạt động của trang trại dựa trên nền tảng công nghệ (farm fintech),.

Hiện nay, ở Việt Nam chưa có mô hình nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh mà chỉ mới áp dụng một số khâu thành phần  như nông nghiệp công nghệ cao của VinEco (Vingroup); sản xuất rau xà lách ít kali theo mô hình Akisai Cloud (hợp tác nông nghiệp thông minh giữa FPT-Fujitsu và Viện Nghiên cứu rau quả tại Hà Nội).

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại áp dụng CNS, rất cần các chương trình nghiên cứu KH&CN hỗ trợ quá trình chuyển đổi như tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ nông nghiệp đồng bộ; tích hợp và vận dụng các công cụ quản trị nhằm khai thác cơ sở dữ liệu lớn (bigdata) phục vụ công tác quản lý ngành ở các cấp độ từ nông hộ đến HTX  và các Doanh nghiệp, nhằm tạo thành những chuỗi sản phẩm có giá trị cao cả ở địa phương và cấp trung ương.

Nhìn nhận về phát triển nông nghiệp Thủ đô trong giai đoạn tới, giới phân tích cho rằng, từ mục tiêu phát triển đến 2030 và trong tầm nhìn tới 2050, Với vị trí là trung tâm phát triển của nông nghiệp vùng và cả nước; nông nghiệp đô thị Thủ đô phải gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và càn tập trung sức của cả hệ thống chính trị để mở mang phát triển.

Trong bối cảnh, trình độ KH &CN nông nghiệp cả nước còn quá thấp, việc nghiên cứu chọn tạo giống và TBKT chưa đáp ứng hịp nhu cầu sản xuất, thị trường KH&CN chưa theo kịp xu hướng trong khu vực, Chuyển đổi số là thước đo có ý nghĩa về nỗ lực nắm bắt cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng trong nông nghiệp mới được thúc đẩy ở bước khởi đầu. Mặt khác, tổ chức KH&CN ở một số sở, ngành, huyện, thị xã, chưa được coi trọng; thiếu cơ chế điều phối, kết nối liên cấp, liên ngành đối với nhiệm vụ KH&CN là vấn đề còn phổ biến đòi hỏi phải có cách nhìn khách quan để tìm giả pháp thích hợp.

me-linh-1634542114.jpg
Mô hình sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội

3.2. Định hướng phat triển những ngành công nghệ chủ đạo

Từ những vấn đề đặt ra, để xác định định hướng KH&CN cho phát triển nông nghiệp đô thị Thủ đô trong giai đoạn tới, cần dựa vào bản chất của KH&CN nông nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4,0, trên cơ sở đó có những gợi suy về phát triển nông nghiệp đô thị của Thành phố.

Dự thảo chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2021-2030  đã xác định những định hướng quan trọng cho các lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật; chăn nuôi, thú y; thuỷ sản; lâm nghiệp; thuỷ lợi và phòng chống thiên tai; Cơ điện, công nghệ sau thu hoạch và muối. Theo đó, công nghệ trong các phân ngành cần được phát triển theo hướng ứng dụng những công nghệ tiên tiến

Trong lĩnh vực bảo vệ thực vất và chế biến nông sản. công nghệ hiện đại cần được sử dụng trong dự báo, phòng trừ dịch hại, kiểm dịch thực vật và bảo quản nông sản tập trung; ưu tiên chuyển giao công nghệ và thiết bị sơ chế, chế biến sâu nông sản hàng hóa chủ lực kể cả công nghệ và thiết bị bảo quản thủy sản ;

Đối với công nghệ viễn thám, tin học và viễn thông cần dành ưu tiên cho nghiên cứu ứng dụng trong điều tra , kiểm kê rừng, giám sát suy thoái phá rừng, phòng chống cháy, cảnh báo thiên tai; nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong quản lý các loại cây trồng nông nghiệp; cảnh báo, dự báo và giám sát sâu bệnh hại; vận hành hệ thống thủy lợi giám sát và cảnh báo lũ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành;.

Về công nghệ sinh học cần nghiên cứu ứng dụng và làm chủ được công nghệ chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực có khả năng kháng bệnh, chống chịu và thích ứng với BĐKH; sản xuất vắc xin thế hệ mới phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng  thủy sản; sản xuất các chế phẩm sinh học chất lượng cao; nhân nhanh một số loại giống cây trồng nông, lâm nghiệp theo quy mô công nghiệp.Đi theo hướng này, cần xây dựng và thực hiện các đề án chuyên ngành về phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp đến năm 2030.

Trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao cần lưu ý nghiên cứu phát triển và ứng dụng vào sản xuất sản phẩm chủ lực; ứng dụng công nghệ để tạo ra và nhân nhanh giống mới; phát triển cây, con giống có chất lượng cao; tạo ra các chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng, vật nuôi; phát triển các quy trình công nghệ thâm canh tổng hợp và tự động hóa trong trồng trọt,chăn nuôi và thủy sản để tạo những sản phẩm an toàn với hiệu quả kinh tế cao. Trong đánh bắt thủy sản cần phát triển công nghệ tiên tiến theo hướng hiệu quả gắn với bảo vệ bền vững nguồn lợi.

Theo những dịnh hướng phát triển công nghệ phân ngành và từng lĩnh vực, bông nghiệp Thủ đô cần mở rộng hoạt động nghiên cứu nhằm tạo ra các loại vật tư và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sau thu hoạch và chế biến bảo quản, Cùng với những hoạt động này, phải coi trọng việc nhập khẩu công nghệ và thết bị trong nước chưa làm được trên cơ sở, nghiên cứu thử nghiệm, thích nghi và làm chủ được công nghệ nhập từ bên ngoài.

Theo nhiều phân tích có thể thấy, để giữ được tốc độ tăng trưởng như mong đợi cần hướng tới tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động, đặc biệt là trong nông nghiệp. Muốn vậy, cần  phải tận dụng mọi thời cơ để thúc đẩy KH&CN và đổi mới sáng tạo nông nghiệp.Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.

4. Một số gợi suy từ chương trình phát triển nông nghiệp đô thị Thủ đô,

Trên địa bàn Hà Nội, nông nghiệp đô thị xuất hiện như một đối tác bắt buộc của nhà nước trong quan hệ mới về xây dựng xã hội và không gian sống ở thành phố. Theo đó, nông nghiệp đô thị phải đảm bảo được đủ tiện nghi sử dụng hết diện tích đất có thể khai thác nhằm thiết lập một không gian sản xuất nông nghiệp vững chắc ở gần thành phố. Việc cấu thành vùng lãnh thổ nông nghiệp này cần có sự thương lượng giữa những tác nhân có liên quan; mặt khác, sự tồn tại của nông nghiệp đô thị phải hướng vào cải thiện đời sống thị dân thông qua chất lượng môi trường tốt hơn; truyền bá được giá trị văn hóa về cảnh quan, giáo dục và vui chơi giải trí với đóng góp được lồng ghép trong những đề án liên quan đến giáo dục nông nghiệp.

Nông thôn với sự sáng tạo của những con người sống và làm việc tại đây, đã cống hiến nhiều cho xã hội nhờ vào tính đa dạng của địa bàn và mở ra không gian rộng lớn cho đô thị hóa. Nhà nông có những tư tưởng và phương tiện để tham gia vào quản lý không gian xanh đô thị, một chính sách tập hợp được mọi tác nhân tham gia là sự cần thiết và do vậy, trong khuôn khổ các dự án cảnh quan đô thị cần định rõ tính cần thiết của không gian công ích nhằm đảm bảo về đất đai cho nông dân và những thỏa thuận về vị trí công ích của không gian nông nghiệp. Phù hợp với các loại hình khác nhau, lãnh thổ không gian đô thị cần được tạo dựng dưới dạng nông thôn đô thị hoặc là đô thị nông thôn.

Ở nước ta, nhiều năm nông thôn đã tham gia tích cực vào đời sống đô thị, đã có không ít làng quê từng nằm đan xen trong lòng đô thị, tạo nên cho Hà Nội một cấu trúc hài hòa. Các làng của Hà Nội trước đây không chỉ cung cấp lương thực thực phẩm, nơi thư dãn, tạo vẻ vui tươi cho thành phố mà còn là địa điểm tiếp nhận những nguồn phế thải từ nội đô. Có thể nói ao, hồ đầm ngoại vi và các làng ven đô đã từng là khu vực chuyển hóa, bảo vệ môi trường trong sạch của thành phố. Ngày nay, trong quá trình phát triển đi lên, nông thôn Hà Nội đã đô thị hóa nhanh. Các cao ốc đã vươn xa đến hầu hết các làng quê với màu sám bê tông và kính phản quang; phần lớn ao hồ đầm lớn, nhứng ruộng rau, vườn cây và những cánh đồng hoa đã không còn, khó mà tìm lại được ở những nơi này màu xanh của cây ăn trái, hương thơm của hoa 4 mùa nhưng lại dễ gặp cảnh nước ngập tràn trong mùa mưa lũ; dường như làng quê đã mất dần trong quan niệm về đô thị hóa. Gần đây, trong các chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng CBH-HĐH, các cấp lãnh đạo ở Hà Nội đã coi đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị là một trong những trọng tâm. Đây là một chủ trương đúng đắn để Hà nội không bị mất đi những cảnh quan và môi trường sinh thái không còn gì để có thể tái tạo trong tiến trình đô thị hóa khẩn trương.

Chương trình xây dựng nông nghiệp đô thị của Thủ đô đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện thiện điều kiện sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Với những giải pháp truyền thống, chất lượng môi trường đô thị,tổ chức không gian đô thị và những giải pháp quy hoạch, đảm bảo về đất đai, vị trí công ích trong không gian nông nghiệp và nhất là sự tồn tại của những làng quê trong lòng đô thị là những vấn đề lớn cần bàn./.

Tài liệu tham khảo

VASS (2021)  Phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp nông thôn gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (báo cáo chuyên đề)  Hà Nội tháng 9 năm 2021

Bạch Quốc Khang (2021). Phát triển cơ giới hóa, công nghệ sau thu hoạch, ngành nghề nông thôn,

Báo cáo chuyên đề phục vụ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết  Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hà Nội tháng 10 năm 2021

Nguyễn Xuân Phúc(2019) Về định hướng, giải pháp tạo dột phá chiến lược thúc đẩy phát triển KHCN và Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

 Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 17 tháng 5 năm 2019

Lê Thành Ý (2000)    Từ Nông nghiệp Nông thôn đến Nông nghiệp đô thị

Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ(NISTPASS),năm 2.000

Lê Thành Ý (2919)   Phát triển nông nghiệp công nghệ cao vấn đề đặt ra trên địa bàn Thủ đô       

 Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam số 47/2019