THIÊN TAI VỚI VÙNG VEN BIỂN

Là quốc gia đối mặt thường xuyên với thiên tai, Việt Nam đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề cả về người và kinh tế. Bão lũ hoành hành dữ dội ở vùng ven biển là bằng chứng đáng lo ngại về những rủi ro. Chính phủ Việt Nam phối hợp cùng Quỹ Toàn cầu về Giảm nhẹ và phục hồi thiên tai đã xây dựng và công bố báo cáo Tăng cường khả năng chống chịu cho khu vực ven biển. Báo cáo đã cảnh báo về mức độ dễ bị tổn thương và gợi ra những giải pháp cần làm, Nhân mùa nưa bão, bài viết tổng hợp một số khía cạnh nổi bật để cùng trao đổi.

Thiên tai và tác động đối với khu vực ven biển 

Bờ biển Việt Nam dài hơn 3.260km, có lãnh hải 1 triệu km2 với trên 3.000 đảo và quần đảo. Vùng ven biển gồm 28 tỉnh, thành phố có khoảng 50% dân số cả nước sinh sống. Vùng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế; khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và mở mang du lịch.  Sự phong phú, đa dạng về tài nguyên tự nhiên cùng đặc trưng văn hóa  vùng, miền đã tạo tiềm năng to lớn và những lợi thế để mở mang, phát triển.

Những năm gần đây, kinh tế xã hội vùng ven biển đã có sự phát triển ấn tượng. Tuy nhiên. nhận thức về phát triển bền vững dựa vào tiềm năng biển, đảo còn thiếu sâu sắc và đầy đủ. Vai trò, vị trí và phát triển chưa tương xứng; quy mô còn nhỏ chưa phát huy hết tiềm năng, Mặt khác, nặng tư duy khai thác tự phát, sống nhờ hơn dựa vào biển để làm giầu, dẫn đến đầu tư xây dựng nặng về khai thác, chưa thực sự gắn với bảo tồn.

d1-1630731802.png

Trước những rủi ro do bão lũ, nước biển dâng, sạt lở bờ, hạn hán và xâm nhập mặn; do đô thị hóa thiếu quy hoạch và tăng trưởng nhanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) khó lường, vùng ven biển đang đứng trước nhiều hiểm họa. Theo ước tính, Việt Nam có trên 12 triệu người sống trong vùng phải hứng chịu nguy cơ bão, lũ với hơn 35% số nhà ở có thể bị xói lở. Trung bình hàng năm, tổn thất do lũ lụt ven sông và ven biển làm mất trên 0,5% GDP cả nước và khoảng 316.000 việc làm bị ảnh hưởng; ngoài ra, còn  nhiều dịch vụ thiết yếu bị gián đoạn. Tình trạng trạng ngập lụt đa ảnh hưởng trực tiếp tới 26% số bệnh viện và trạm xá cùng với hơn 11% số trường học và trên 1/3 số lưới điện khu vực có nguy cơ hư hỏng.

Đã có một số tiến bộ trong quản lý thiên tai, nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Những tồn tại chính ra bao gồm: Thông tin rủi ro thiếu và rời rạc; thực thi quy định liên quan (quy hoạch không gian, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn an toàn và bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng…) kém hiệu quả. Trên 2/3 số hệ thống đê biển không đáp ứng yêu cầu an toàn; dịch vụ hạ tầng và dịch vụ công có thể bị gián đoạn vào những thời điểm cần. .

Phân tích đa chiều về rủi ro, rà soát lại nỗ lực quản lý thời gian qua cho thấy: Khu vực ven biển chịu rủi ro cao; người dân ven biển, các ngành kinh tế chủ chốt và hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ công phải đối mặt với thách thức ngày một gia tăng. Do ảnh hưởng của lũ sông và ven biển, mỗi năm, ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch và công nghiệp bị thiệt hại tương đương với 0,5% GDP cả nước. Ngoài dịch vụ công, hàng năm bão lũ gây ngập lụt làm thiệt hại cơ sở hạ tầng giao thông vận tải khoảng 144 triệu USD và chừng 330 triệu USD đối với cơ sở hạ tầng năng lượng. Nếu thực hiện hành động quyết liệt hơn, đây sẽ là cơ hội tăng cường khả năng chống chịu để mang lại thịnh vượng cho các thế hệ mai sau..

Cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng đã cản trở người dân tiếp cận việc làm, giáo dục, y tế và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Thiếu cơ sở hạ tầng và khả năng chống chịu thấp ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động doanh nghiệp, hàng năm đã gây thiệt hại khoảng 280 triệu USD. Ngoài ra, BĐKH cũng  làm tăng thêm rủi ro do lũ, hạn hán, sạt lở ven bờ và xâm nhập mặn. .

Với kịch bản mực nước biển dâng thêm 30cm vào năm 2050 và lên 70cm vào năm 2100, rủi ro do lũ tăng tới 7%, ảnh hưởng thêm đến 4,5 triệu người sống gần biển. Nếu không hành động kịp thời, áp lực con người lên hệ sinh thái, sẽ làm rủi ro thiên tai còn gia tăng mạnh hơn nhiều. Các biện pháp quản lý chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi; thiếu hướng dẫn, chưa đủ năng lực thực thi và nguồn lực tài chính giới hạn, dẫn đến những hạn chế thực hiện quy hoạch không gian tích hợp rủi ro. Rủi ro thiên tai buộc Chính phủ phải tăng cường hơn nữa biện pháp tài chính, cứu trợ và ứng phó. Theo ước tính, nếu chậm triển khai các hoạt động 10 năm, nền kinh tế sẽ chịu thiệt hại thêm 4,3 tỷ USD. Để vùng ven biển đáp ứng được yêu cầu là động lực phát triển kinh tế và thịnh vượng, đòi hỏi Chính phủ phảỉ khẩn trương hành động (Ngân hàng Thế giới 2020).

fbimg1603036697728-16030985373361758672595-1630731890.jpg

Tăng cường sức chống chịu ven biển-đề xuất từ giới nghiên cứu

Nhằm tăng cường khả năng chống chịu cho vùng ven biển, các nhà nghiên cứu đã đề xuất một kế hoạch hành động cụ thể, bao gồm nhiều lĩnh vực cần can thiệp, đó là:

1.Trước hết, cần cải thiện công cụ dữ liệu và việc ra quyết định. Thông tin tích hợp từ Trung ương đến các địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc ra các quyết định; xây dựng cơ sở dữ liệu có thể truy cập công khai và hệ thống đối với cơ sở hạ tầng sẽ tạo thuận lợi cho việc ra quyết định của nhà quản lý và các doanh nghiệp

2. Hai là, cân nhắc những  rủi ro trong quy hoạch phân vùng và không gian lãnh thổ. Để tăng trưởng không ảnh hưởng xấu đến phát triển chung, cần có quy hoạch phân vùng và không gian, được lồng ghép cùng  các yếu tố rủi ro, đồng thời vẫn phải dựa  vào những thông tin sẵn có.

3. Thứ ba là tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công. Để bảo đảm cơ sở hạ tầng thiết yếu và cung cấp dịch vụ đầy đủ, các công trình trọng yếu phải được tăng cường bằng tích hợp thông tin rủi ro thiên tai vào quy trình lập kế hoạch, thiết kế, duy tu và bảo dưỡng dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Việc nâng cấp dự án cần được bắt đầu từ những nơi có rủi ro cao nhất, đồng thời với rà soát và cập nhật các tiêu chuẩn an toàn.

4. Bốn là tận dụng giải pháp tự nhiên dựa vào khai thác khả năng phát triển kinh tế sinh thái một cách hệ thống.  Nhằm khai thác tốt hệ sinh thái rừng ngập mặn và những cồn cát, cần thực hiện cách tiếp cận tổng thể nhằm phục hồi, bảo tồn, giám sát và quản lý các hệ sinh thái đặc thù. 

5. Sau cùng là, nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với thiên tai .Để giải quyết rủi ro và tăng cường năng lực phòng chống thiên tai, cần tăng cường năng lực ứng phó khẩn cấp bao gồm: Nâng cấp hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm; nâng cao năng lực ứng phó địa phương; có cơ chế an sinh xã hội phù hợp và thực hiện chiến lược tài chính quản lý toàn diện rủi ro thiên tai.

Thay cho lời kết

Bờ biển Việt Nam dài hơn 3.260 km, vùng ven  biểnvới thiên nhiên trù phú mang lại sinh kế cho khoảng 50%  dân số,  nhưng lại là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước thảm họa thiên nhiên. Ưng phó với thiên tai thông qua tiếp cận quy hoạch dài hạn đã được minh chứng, có vai trò quan trọng trong Chiến lược tăng cường khả năng phát triển bền vững. Thông qua những hành động quyết đoán, Việt Nam  đã và đang mở rộng cơ hội đảm bảo an toàn cho phát triển và thịnh vượng tương lai.

Nhằm tăng cường khả năng thích ứng và củng cố sự thịnh vượng của vùng ven biển và cho các thế hệ mai sau, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Carolyn Turk cho rằng "Nếu tiếp tục phát triển kinh tế nhanh ở khu vực có nguy cơ cao thì thiệt hại do thiên tai sẽ gia tăng. Đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới nhằm cân bằng giữa rủi ro và cơ hội để các khu vực ven biển có thể tiếp tục là động lực tăng trưởng, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng chống chịu với các cú sốc."

Chính phủ Việt Nam có cơ hội hành động quyết liệt trước rủi ro thiên tai, để bảo vệ phát triển bền vững. Từ  chiến lược phát triển có khả năng chống chịu gợi ra, hy vọng vùng ven biển sẽ vững bước đi lên, tạo đà thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển để đến năm 2045 sẽ thu hẹp dần khoảng cách và đứng trong hàng ngũ của các quốc gia phát triển.