Ngăn chặn tin giả mạo, sai lệch về phòng chống COVID19

Các thông tin sai lệch, không có căn cứ khoa học, thường với mục đích gây tâm lý nghi ngờ, khiến mọi người hoang mang mất phương hướng hành động, giảm hiệu lực hiệu quả của công tác điều hành phòng chống COVID19.
Ngăn chặn tin giả mạo, sai lệch về phòng chống COVID19

Những ngày này, các bộ, ngành, địa phương và thành phố Hà Nội đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với quyết tâm cao nhằm đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Chính vì vậy, những thông tin chỉ đạo, điều hành từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia và của Bộ Y tế, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội về dịch bệnh bao giờ cũng là những tin “hot”, được nhiều người dân quan tâm.

Trên “mặt trận” truyền thông, từ internet (gồm: trang tin, báo điện tử, mạng xã hội...), đã có rất nhiều bài viết hay và bổ ích giúp mọi người cập nhật tình hình và biết cách phòng tránh bệnh dịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn vô số bài viết chỉ nhằm mục đích câu khách /view/like.

Khắp các diễn đàn, mạng xã hội như: Zalo, Facebook, YouTube... đâu đó vẫn còn những video clip bị cắt xén, lồng ghép vào là những giọng điệu hù doạ, làm hoang mang dư luận, nhưng lại thu hút được nhiều người quan tâm và chia sẻ. Có những bài viết được giật những cái tít thật kêu, nhưng nội dung thì “không có gì” chỉ để tăng tỉ lệ tương tác, like hoặc có thể có mục đích xấu. Có những bài là “vay mượn” ý tưởng từ tác giả khác, rồi “xào” lại như thể là ý tưởng của mình. Còn có cả những bài viết được lấy về từ trang web khác dán vào web của mình mà không cần phải trích nguồn...

Kết quả là những trang web hữu ích, tài khoản uy tín thì cứ âm thầm phục vụ không lợi ích, còn những trang web, tài khoản mạng xã hội giỏi cắt xén vay mượn và tạo tin giả (fake news) thì được hưởng lợi cách bất chính từ công sức của người khác. Nguy hiểm hơn, hiện nay nhiều status, comment, chia sẻ của các tài khoản mạng xã hội Facebook đã thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

Tin vào “fake news”, nhiều người tỏ ra chủ quan, lơ là, bất chấp lệnh cấm, vi phạm các biện pháp phòng chống dịch và cũng có nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng thái quá, đặc biệt trước thông tin về số ca mắc mới, lịch trình di chuyển của ca bệnh không đúng với diễn biến tình hình thực tế, thông tin do cơ quan chức năng đưa ra.

Từ đó đặt ra vấn đề phải ngăn chặn tin giả mạo, sai lệch về phòng chống COVID19 bằng các biện pháp xử lý nghiêm các sai phạm ở các quy mô khác nhau, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền đấu tranh và coi đây là một loại tội phạm sử dụng công nghệ cao có tác động nhanh, mạnh đến đời sống của xã hội. Để từ đó răn đe người sử dụng có thái độ đúng đắn, văn hóa ửng xử trên không gian mạng đảm bảo lành mạnh, đúng quy định của pháp luật.