Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Sáng ngày 25/10/2022, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Đây là một trong những dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp lần này.

 

cu-tri-pq-1-1666858740.jpg
Quang cảnh Kỳ họp thứ 4- Quốc hội khóa XV.

Đến nay, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 8 chương với 118 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý 111/118 điều, trong đó 102 điều được chỉnh lý về nội dung, 9 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản; về bố cục, tăng thêm 2 điều và sắp xếp, bố cục lại nhiều điều, mục trong các chương. 

Đáng chú ý, về ban hành kết luận thanh tra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, việc chậm ban hành kết luận thanh tra thì dự thảo luật còn chưa được quy định rõ. Thực tế cho thấy còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra trung ương đối với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận và thời gian chậm ban hành từ 1- 6 năm…

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng cho biết: "Tôi có một danh sách năm 2021, có những cuộc thanh tra có quyết định thanh tra và thực hiện từ những năm 2015-2016, mấy chục đoàn thanh tra mà đến nay chưa có kết luận, năm 2021 vẫn giải quyết vấn đề chậm ban hành kết luận. Vậy nguyên nhân ở đâu, giải pháp khắc phục như thế nào và chế tài ra sao, việc này cũng phải xem xét".

Theo dõi nội dung thảo luận của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), một số cử tri thể hiện quan tâm về việc thực hiện kết luận sau thanh tra. 

Cử tri Huỳnh Thanh Lin, sinh năm 1971, ngụ ở xã đảo Thổ Châu, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) bảy tỏ: “Tôi rất vui mừng trước những nội dung tích cực về Luật Thanh tra sửa đổi và bổ sung để cơ quan được thanh tra nghiêm chỉnh chấp hành ý kiến, kết luận của cơ quan Thanh tra, cơ quan cấp trên”.

Cử tri Phan Văn Đen, sinh năm 1976, ngụ ở Khu phố 6, phường An Thới, thành phố Phú Quốc, nêu ý kiến: “Thanh tra là cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra, kiến nghị xử lý sai phạm của cá nhân, tổ chức khi bị khiếu nại tố cáo nên cần có biện pháp chế tài xử lý cá nhân, tổ chức bị thanh tra nhưng chậm trễ thi hành hoặc kéo dài không thi hành kết luận thanh tra. Có như vậy thì chắc chắn không cá nhân, tổ chức nào dám làm trái…”.